Ngồi xuống nhìn lại tiền nong năm qua: Đã biết tiết kiệm, đã biết mua vàng dù chưa giàu hơn ai!

01/01/2025 09:40 AM | Sống

Cùng xem dân tình đã thay đổi bản thân và học cách sống tiết kiệm như thế nào trong năm cũ nhé.

Nhìn sổ mục tiêu của ai đó trong năm mới, nếu có 10 người thì chắc hẳn phải có 7-8 người ghi rằng muốn "làm giàu". Nhưng "làm giàu" lại là mục tiêu xa vời quá. Biết khi nào giàu được khi tiền lương của chúng ta không tăng, mà đà tăng giá của chi phí sinh hoạt thì chưa bao giờ thấy đi chậm lại.

Thu nhập khó tăng mà lại còn muốn gia tăng tích lũy, nhiều người đã thay các mục tiêu lớn lao như tăng gấp 2 lần lương, tìm được công việc tay trái,... bằng các gạch đầu dòng phải sống tiết kiệm hơn. Và nhân dịp "tổng kết năm" đang rất thịnh hành, họ đã có dịp nhìn lại nỗ lực của bản thân trong hành trình cắt giảm chi tiêu để dư dả tiền bạc.

Sống tiết kiệm mà vẫn vui - cùng xem các bạn trẻ biến điều này hiện thực như thế nào trong năm 2024 nhé!

Thảo My (26 tuổi): Tháng nào mình cũng đều đặn mua vàng

Thảo My đã bắt đầu mua vàng từ giữa năm 2021. Nhưng chỉ từ năm 2024, cô bạn mới hoàn thành được mục tiêu: Tháng nào cũng đều đặn phải mua được 1 chỉ.

Được biết, sau khi nhận tiền lương hàng tháng hoặc dư ra vài ba triệu từ công việc tay trái, Thảo My luôn trích ra một khoản để mua vàng đầu tiên. Vì cứ suy nghĩ giữ tiền lương hàng tháng, chi tiêu xong rồi mới tiết kiệm hoặc mua vàng thì cũng có ngày tiêu hết.

Niềm đam mê mua vàng của My được truyền cảm hứng bởi không ai xa lạ, mà chính là bố mẹ. Cô chia sẻ: "Bố mẹ dạy mình biết tiết kiệm và tích lũy cho tương lai. Bố mẹ nói nếu muốn mua nhà, hãy bắt đầu từ mua vàng và sống tiết kiệm. Có một khoản thì đem đi mua đất. Sau khi bán đất, mình lại mang tiền lời đi mua nhà".

Ngồi xuống nhìn lại tiền nong năm qua: Đã biết tiết kiệm, đã biết mua vàng dù chưa giàu hơn ai!- Ảnh 1.

Hoá đơn trong 1 lần dồn tiền mua vàng gần đây của Thảo My (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh mua vàng, Thảo My còn mua thêm cổ phiếu quỹ và gửi tiết kiệm. Cô chọn chúng vì đây đều là những kênh đầu tư an toàn, phù hợp để đầu tư lâu dài. Không chỉ thế, Thảo My còn có một khoản nhỏ để gửi tiết kiệm hàng tháng, dùng như một quỹ dự trữ cho các tình huống khẩn cấp, phát sinh.

"Cách sống của mình là học được từ cha mẹ, tích tiểu thành đại từ những khoản tiền nhỏ nhất. Mong rằng trong những năm tiếp theo, mình sẽ mua được bất động sản cho riêng mình, trong khi vẫn còn sức khoẻ, ý chí để đi làm và phấn đấu" , cô bạn GenZ tâm sự.

Thanh Huyền (24 tuổi): Có tháng mình chỉ tiêu 3 triệu nhờ 1 thứ

Nhìn lại năm 2024, Thanh Huyền cũng có một dòng tự hào để nói về bản thân là đã học được cách sống tiết kiệm hơn, nhờ lập bảng ghi chép chi tiêu hàng ngày.

Thanh Huyền nhớ lại: "Mình bắt đầu hành trình tiết kiệm sau khi lướt mạng xã hội, tình cờ nhìn thấy một bảng ghi chép chi tiêu và cách một anh chia thu nhập hàng thàng thành các dòng tiền khác nhau. Mình rất ấn tượng với bảng ghi chép chi tiêu này vì dễ dùng, dễ nhìn.

Trước đó, mình đã từng một lần dùng app ghi chép chi tiêu, sau đó xóa ngay trong 2 ngày vì lười biếng. Tuy nhiên, vì ấn tượng với thói quen của anh này là luôn ghi chép chi tiêu trong ngày cũ vào buổi sáng khi vừa đến công ty. Cũng vì thế, mình đã học theo thói quen và đã có thể thành công ghi chép hết thu chi của mình theo từng ngày".

Ngồi xuống nhìn lại tiền nong năm qua: Đã biết tiết kiệm, đã biết mua vàng dù chưa giàu hơn ai!- Ảnh 2.

Bảng ghi chép chi tiêu của Thanh Huyền trong tháng 11 (Ảnh: NVCC)

Quãng thời gian đầu năm 2024, Thanh Huyền đi gặp bạn bè và được hỏi: "Năm vừa qua tiết kiệm được đồng nào?". Cô bạn bảo mình chỉ tiết kiệm được 50 triệu và nhận về cái nhìn thắc mắc từ các bạn: "Mày ở nhà cùng bố mẹ, cả năm không đi du lịch nhiều thì làm sao quỹ tiết kiệm lại ít thế?"..

Câu nói bâng quơ trong buổi uống nước của các bạn nhưng cũng khiến Thanh Huyền "mất ngủ cả đêm", tự hỏi trong những năm qua mình đã tiêu tiền thế nào. Vì thực tế là những năm trước đó, Thanh Huyền luôn cho rằng mình chi tiêu ít, lại còn sống cùng bố mẹ nhưng số dư tài khoản kém xa các bạn trong nhóm, đã cho thấy cách quản lý tài chính của cô "có vấn đề".

"Cho đến khi lập được bảng ghi chép chi tiêu, mình biết bản thân đã tìm được cách để thay đổi", Thanh Huyền nói.

Nhờ bảng ghi chép chi tiêu, Thanh Huyền đã tìm ra vì sao cô đi làm chăm chỉ mà tiền tiết kiệm chẳng có được bao nhiêu. Đó là vì Huyền tiêu nhiều hơn cô tưởng.

"Chẳng hạn như trước đây, mình từng nghĩ bản thân chỉ cần tiêu 10 triệu/tháng là cùng nhưng con số thực tế là 15-16 triệu. Hoặc có những ngày mình nghĩ chẳng cần tiêu đồng nào đâu nhưng cuối cùng lại tốn 200-300 ngàn vì nhiều lý do như đổ xăng, mua thức ăn cho gia đình, trả tiền hàng từ shipper,...".

Sau khi lập bảng chi tiêu, việc tiếp theo của Thanh Huyền là đặt ra giới hạn tiêu dùng hàng tháng. Cô bạn đặt mục tiêu dành 40% thu nhập cho chi phí sinh hoạt và mua sắm cá nhân, 10% cho việc học và 50% còn lại để tiết kiệm. Con số này là mục tiêu mà Thanh Huyền đặt ra, không phải kết quả thực tế về cách cô bạn phân chia thu nhập hàng tháng. Bởi có những tháng, Huyền đã tiết kiệm được nhiều hơn con số 50% lương.

"Có tháng thất tình, chán chường và không muốn giao tiếp bên ngoài, mình chỉ tiêu 3 triệu cho chi phí sinh hoạt, còn lại cất hết để tiết kiệm. Sau một tháng đó, mình nhìn lại, thấy tài khoản tiết kiệm tăng vọt thì cũng thấy 'nỗi buồn' của mình xứng đáng đó chứ.

Đầu năm 2024, tài khoản tiết kiệm của mình chỉ có 50 triệu. Nhưng đến cuối năm, con số này là 172 triệu. Mình bắt đầu ghi chép chi tiêu từ tháng 8. Nhìn vào tài khoản tiết kiệm, mình tự hào về thành quả của bản thân và đây là con số tiết kiệm mà trong đầu năm 2024, mình cũng không dám nghĩ đến", Thanh Huyền hào hứng chia sẻ.

Ngồi xuống nhìn lại tiền nong năm qua: Đã biết tiết kiệm, đã biết mua vàng dù chưa giàu hơn ai!- Ảnh 3.

Cuối năm 2024, Thảo My có một khoản tích luỹ mà đầu năm nay cô cũng không dám nghĩ đến (Ảnh minh hoạ)

Đức (29 tuổi): Vợ chồng đã tìm được cách không cãi vì tiền tiết kiệm

Đó là câu chuyện của Đức sau một năm trải nghiệm nhiều niềm vui trong tài chính. Anh chàng đã mua ô tô mà không cần vay nợ, chuẩn bị đủ tài chính cho vợ sinh con đầu lòng. Đặc biệt hơn cả là Đức và vợ đã tìm được "tiếng nói chung" trong quản lý tiền nong của vợ chồng để cả hai vừa sống tiết kiệm, mà không khí gia đình vẫn vui vẻ.

Đức nhớ lại những ngày đầu tiên mà anh chàng và vợ mới kết hôn: "Chúng mình không cãi nhau vì thói quen sống mà chỉ cãi nhau vì… tiền, mặc dù cả hai có mức thu nhập tương đối ổn. Nguyên nhân là vì từ thời độc thân, hai vợ chồng đều không ngó ngàng gì tới quản lý tài chính. Chúng mình thường xuyên có bao nhiêu tiền thì tiêu hết bấy nhiêu. Nên thành ra sau vài năm đi làm, cả hai không để ra được khoản lớn nào cả. May là mình và vợ có thu nhập cũng ổn, nhà ông bà cho sẵn nên đến tận khi cưới nhau cả hai mới không thấy được được áp lực tài chính".

Sau khi kết hôn, trong nhà xuất hiện nhiều khoản cần chi cho hiện tại và kế hoạch mục tiêu cho tương lai, rồi chuyện con cái thì áp lực "cơm áo gạo tiền" mới xuất hiện với cả hai. Không khí gia đình của vợ chồng mới cưới cũng đi xuống từ đây.

"Nói chính xác hơn, chúng mình không cãi nhau vì thiếu tiền, mà bởi không để dành được tiền tiết kiệm. Ai cũng thấy đối phương tiêu phung phí, nhưng lại không chấp nhận bỏ bớt nhu cầu cá nhân. Cả hai đứa còn tính trẻ con nên cuối cùng, từ chuyện tiền nong lại dẫn đến sứt mẻ trong tình cảm", Đức kể lại.

Ngồi xuống nhìn lại tiền nong năm qua: Đã biết tiết kiệm, đã biết mua vàng dù chưa giàu hơn ai!- Ảnh 4.

Đức và vợ có tranh cách về cách quản lý tài chính của đối phương (Ảnh minh hoạ)

Hiểu được vấn đề, Đức đã bàn lại với vợ để sống tiết kiệm hơn, với mục tiêu chuẩn bị thêm tài chính để sinh con, mua ô tô và mua thêm nhà. Và đây là cách cả hai đã "xuống nước" để cùng nhau thay đổi:

- Thành lập một quỹ chung của gia đình. Mỗi người khi có khoản thu nhập sẽ cùng đóng góp một mức đã thoả thuận hợp lý từ trước. Quỹ này sử dụng để chi tiêu các khoản cố định của gia đình như ăn uống, mua sắm đồ đạc, đi chơi, biếu ông bà.

- Vợ chồng đều có quỹ riêng để tự mình chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên, mọi khoản thu chi cho cá nhân đều phải được ghi chép đầy đủ bằng 1 tài khoản chung trên app, để cả đối phương theo dõi được. Khoản mua sắm nào có giá trị vượt quá 3 triệu cần có sự đồng ý của hai vợ chồng thì mới được mua về nhà.

- Ngoài khoản tiết kiệm hàng tháng cho trường hợp khẩn cấp và đầu tư, vợ chồng còn có thêm tài khoản tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính, gần nhất là mua nhà và chuẩn bị sinh con. Hàng tháng, vợ chồng phải trích một phần thu nhập, đã được quy định sẵn vào tài khoản tiết kiệm này.

"Sau khi cùng nhau thống nhất phải sống tiết kiệm và có kế hoạch quản lý tài chính chung, gia đình mình không còn gặp mâu thuẫn về tiền bạc. Từ đó, khoản tiết kiệm của nhà tăng lên, đồng thời không khí gia đình vui vẻ giúp cả hai yên tâm tạo thêm dòng thu nhập mới", Đức bộc bạch.

Theo Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM