Ngôi làng ở Đồng Nai đi vài bước chân lại có cặp sinh đôi, nghi do một thứ, du khách khắp nơi đổ về xin
Ông Báu, trưởng ấp Hưng Hiệp có người con gái lấy chồng 3 năm, ở nhà chồng nhưng không có con. Sau khi về nhà ngoại ở, một thời gian sau chị này sinh đôi 2 bé gái.
Ra đường là gặp sinh đôi
Về ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai hỏi thăm về những cặp sinh đôi, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi chỉ cần đi vài bước chân là lại gặp một gia đình có một gia đình có con sinh đôi.
Những cặp sinh đôi có ở nhiều lứa tuổi, từ cặp anh em Đồng - Thanh hiện đã ngoài 50 tuổi, cặp chị em Mi - Pha khoảng 40 tuổi, anh em An Khang - Duy Khang 27 tuổi đến những cặp sinh đôi 5-6 tuổi.
Gia đình ông Lê Văn Báu (trưởng ấp Hưng Hiệp) và vợ là bà Lâm Thị Minh Thu cũng có một cặp cháu ngoại sinh đôi vào năm 2018 là Trần Lê Bảo An và Trần Lê Bảo Anh.
Bà Thu kể, con gái của bà đi lấy chồng, ở nhà chồng suốt 3 năm nhưng không có con. Hai vợ chồng đi khám thì bác sĩ kết luận là bị hiếm muộn, nguyên nhân do cả vợ cả chồng. Sau đó, bà Thu đón vợ chồng con gái về nhà ở, một thời gian sau, con gái bà mang thai và sinh cặp sinh đôi 2 bé gái.
Khi được hỏi về nguyên nhân khiến địa phương có nhiều gia đình sinh đôi, bà Thu nói cũng không rõ vì sao.
Người dân ở đây đoán rằng nguyên nhân có thể do nguồn nước. Do đó, du khách từ khắp nơi, có người ở Hà Nội cũng đến để xin nước về uống.
Về phía ông Báu, ông lại đoán rằng lý do xã có nhiều cặp sinh đôi là do yếu tố phong thủy. Ông Báu ước chừng toàn xã Hưng Lộc có trên dưới 70 cặp sinh đôi, riêng ấp Hưng Hiệp có khoảng 40-50 cặp, số còn lại rải rác ở các ấp khác. Ấp Hưng Hiệp trước đây năm nào cũng có gia đình sinh đôi, hiện tại thì ít hơn.
“Cách đây khoảng 20 năm, cũng có người của Bệnh viện Từ Dũ về đây lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng không thấy họ có phản hồi nên tôi cũng không rõ thế nào. Thực tế có những đôi vợ chồng bị hiếm muộn, họ đến đây xin nước về uống thì sau đó có kết quả, nhưng không phải sinh đôi”, ông Báu nói thêm.
Theo một số người đến xin nước ở ấp nhận xét, nước ở đây trong như nước khoáng, uống có vị ngọt, không có vị phèn. Các cặp sinh đôi chào đời ở xã đều khỏe mạnh, xinh xắn, lanh lợi.
Có người xin cả trăm can nước về uống
Rời khỏi nhà ông Báu, cứ đi một đoạn rồi dừng lại hỏi thăm sẽ gặp rất nhiều gia đình có con, cháu sinh đôi, thậm chí hai nhà ở cạnh hay đối diện nhau đều có con sinh đôi.
Gia đình ông Trần Đình Danh, cựu trưởng ấp Hưng Hiệp cũng có 2 người con sinh đôi là An Khang và Duy Khang, sinh năm 1997. Năm An Khang và Duy Khang 5-6 tuổi, thông tin về làng sinh đôi bắt đầu rộ lên do một nhà báo có quen biết một hộ gia đình trong làng tìm hiểu và viết bài. Sau đó, nhiều nhà báo tìm về viết bài, đưa tin thì xã mới cho thống kê số lượng.
Ông Danh cũng chính là người thường xuyên cho nước cho những du khách tới xin. Trước đây, có một nữ giáo viên ở Hà Nội còn liên hệ nhờ ông Danh thuê xe, gửi giúp 100 can nước.
Người đến xin nước nhận xét nước ở đây có mùi vị rất khác, uống vào rồi đi uống nước ở chỗ khác thì không thấy giống như vậy. Mọi người đến xin nước thì ông Danh cho và không khẳng định điều gì. Người xin nước thường xin số điện thoại của ông Danh, khi có tin vui, họ gọi điện báo ông biết. Có người uống cả năm không có kết quả gì, nhưng có người chỉ uống vài can là có thai. Trước dịch covid-19, có rất nhiều người đến ấp Hưng Hiệp xin nước, sau dịch thì đã ít hơn.
Thông tin trên báo Giao thông, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM từng chia sẻ về câu chuyện này. Bà Phượng cho biết trước đây đã từng khám phụ khoa cho khoảng 300 - 400 phụ nữ đang mang thai và cả không mang thai ở ấp Hưng Hiệp, nhưng thấy cơ địa của họ không có gì lạ so với những người bình thường.
Bà Phượng cũng nhận thấy có nhiều trường hợp trong gia đình, cả mẹ và con gái đều mang thai sinh đôi. Bà nhận định, nguyên nhân ấp Hưng Hiệp có nhiều cặp song sinh có thể do di truyền.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương