Ngoài Adeno virus, đây là bệnh dịch đang tăng chóng mặt tại Hà Nội

19/09/2022 14:06 PM | Sống

CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), hiện nay dịch sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn thành phố. Thống kê trong tuần 36, Hà Nội ghi nhận 547 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 46,3% so với tuần trước (374).

Cộng dồn trong năm 2022, trên địa bàn đã có 2.263 ca mắc sốt xuất huyết và 3 ca tử vong tại 3 quận, huyện: Long Biên, Đan Phượng và Thanh Trì. Số mắc tăng gấp 3,7 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (600 ca mắc, 0 ca tử vong).

CDC Hà Nội cũng cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 240 ổ dịch tại 27 quận, huyện. Hiện tại còn 80 ổ dịch đang hoạt động, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết

Cũng theo CDC Hà Nội, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Trong đó, type virus gây bệnh sốt xuất huyết được phát hiện trong năm 2022 trên địa bàn thành phố là Dengue 1 và Dengue 2. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.

Ngoài Adeno virus, đây là bệnh dịch đang tăng chóng mặt tại Hà Nội khiến hơn 2000 người mắc, 3 người tử vong - Ảnh 1.

Chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Bộ Y tế

Khi bị muỗi vằn có mang virus Dengue đốt, virus xâm nhập vào máu. Trong thời gian này virus Dengue “chu du” trong máu người từ 2 đến 7 ngày, giai đoạn này người bệnh chưa có biển hiện gì đáng chú ý. Thời gian ủ bệnh không triệu chứng kéo dài từ 3 đến 14 ngày (trung bình là 4-7 ngày). Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài tùy vào cơ địa và sức đề kháng của mỗi người. Hầu hết tất cả bệnh nhân sẽ không biết mình mắc bệnh do trong giai đoạn này không có triệu chứng rõ và đặc trưng.

BS.CKI Trương Trọng Tuấn, BVĐK Tâm Anh, giai đoạn sốt là giai đoạn có những triệu chứng đầu tiên của bệnh sau thời gian ủ bệnh. Người bệnh bắt đầu sốt 39 – 40 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm sốt. Các triệu chứng kèm theo bao gồm: Mệt mỏi rũ rượi, đau họng, đau vùng thượng vị và tiêu chảy, đau đầu, nhức hai bên hốc mắt, da sung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, phát ban, chán ăn, buồn nôn, đau nhức các cơ khớp,…

Đối với trẻ em khi bị sốt xuất huyết, triệu chứng phổ biến là sốt đi kèm đau họng và đau bụng. Sau 3 ngày trẻ sẽ hạ sốt, đến ngày thứ 8 có thể xuất huyết nhẹ biểu hiện rõ như: Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Khi hạ sốt, trẻ có thể nổi các nốt ban ở thân mình, sau đó lan đến mặt, tay, chân, lòng bàn tay và gây ngứa.

Giai đoạn nguy hiểm diễn ra từ ngày 3-7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Người bệnh có thể đã giảm sốt hoặc sốt cao, khi đó xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát có biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Các biểu hiện xuất huyết có thể có hoặc không. Trong giai đoạn nguy hiểm người bệnh có thể đối mặt với những triệu chứng nặng như:

- Thoát huyết tương do bị tăng tính thấm thành mạch.

- Tràn dịch phổi có các triệu chứng như: Đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực và khó thở.

- Bị tràn dịch màng bụng với các triệu chứng như: Chướng bụng, bụng to nhanh.

- Đau tức vùng dưới sườn hoặc vùng thượng vị do gan phình to, vật vã, li bì, lạnh chân tay, da lạnh ẩm toàn thân, tiểu ít.

Ngoài Adeno virus, đây là bệnh dịch đang tăng chóng mặt tại Hà Nội khiến hơn 2000 người mắc, 3 người tử vong - Ảnh 2.

Hình ảnh chân của bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: BV Bạch Mai

- Dấu hiệu xuất huyết dưới da: Xuất hiện các nốt xuất huyết hoặc các mảng xuất huyết đỏ dưới da, thường có ở mu bàn chân, lòng bàn tay, đùi, mạng sườn, bụng.

Bệnh nhân có thể gặp các trường hợp nguy hiểm hơn khi bị xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não với các triệu chứng như: Nôn ra máu, ho ra máu, đi tiểu ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh,…

Đặc biệt, viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não, suy thận là những biến chứng nguy hiểm nhất mà người bệnh sốt xuất huyết có thể phải đối mặt.

Trong giai đoạn này người bệnh cần được chăm sóc tốt, quan sát kỹ các triệu chứng của bệnh; nếu có các triệu chứng trở nặng cần đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Không tự ý điều trị

Về 3 ca mắc sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến nay tại 3 quận, huyện, theo Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân ban đầu được xác định là 3 trường hợp này đều được phát hiện bệnh muộn. Ngoài ra, cả 3 trường hợp trên có các bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Bác sĩ Trương Trọng Tuấn nhận định, bệnh sốt xuất huyết có thể nhanh khỏi nếu được điều trị đúng cách. Đa số những ca bệnh nặng phải nhập viện là do chủ quan và mắc phải những sai lầm khi điều trị bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết được chia ra 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Ở mức độ nhẹ người bệnh thường chủ quan không đi khám, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết dù chỉ có triệu chứng nhẹ cũng cần được thăm khám chẩn đoán, đặc biệt là theo dõi bệnh có thể tiến triển sang nặng không.

Sốt xuất huyết mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngoài Adeno virus, đây là bệnh dịch đang tăng chóng mặt tại Hà Nội khiến hơn 2000 người mắc, 3 người tử vong - Ảnh 3.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân. Ảnh: BV Bạch Mai

Cũng theo bác sĩ Tuấn, một sai lầm nghiêm trọng mà người dân thường lầm tưởng đó là hết sốt tức là đã hết bệnh. Song, sau 2-7 ngày nhiễm bệnh, đa số bệnh nhân đã hết sốt và thấy sức khỏe ổn định hơn, nhưng thực ra đây là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương.

Các triệu chứng xuất hiện rõ như: Xuất huyết dưới da, chảy máu cam,… Tùy biến chứng và mức độ của bệnh có thể dẫn đến tình trạng nặng như chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc Dengue, hay có thể tử vong.

Vì vậy, sau khi hết sốt, người bệnh không nên chủ quan mà cần được chăm sóc chu đáo và nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, đặc biệt là theo dõi những thay đổi của cơ thể. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần đưa đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Cho người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn tại giường: Bệnh nhân bị sốt xuất huyết cơ thể sẽ bị yếu đi, người uể oải, mệt mỏi vì vậy cần cho người bệnh nghỉ ngơi nằm tại giường. Đặc biệt không nên để người bệnh tự đi lại vì cơ thể đang mệt và hay bị choáng, người bệnh có thể bị té ngã, va đập gây ra chấn thương nghiêm trọng.

Cung cấp đủ chất điện giải: Cơ thể của người bệnh sốt xuất huyết bị mất nước cần được bù lại lượng điện giải nhất định. Vì vậy hãy tăng cường cho người bệnh uống sữa, nước dừa, nước cam, nước chanh, nước cháo loãng hoặc các nước diện điện giải khác. Cần cho bệnh nhân uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.

Hạ sốt bằng Paracetamol: khi người bệnh bị sốt trên 38,5 độ C phải hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi lần uống cách ngày 4-6 tiếng. Bạn có thể dùng thuốc Paracetamol để hạ sốt, trẻ em sẽ tính theo cân nặng của bé để có liều lượng thích hợp. Nếu người bệnh sốt nhẹ hãy dùng khăn ấm lau mát cơ thể, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt.

Ngoài Adeno virus, đây là bệnh dịch đang tăng chóng mặt tại Hà Nội khiến hơn 2000 người mắc, 3 người tử vong - Ảnh 4.

Đoàn đại biểu kiểm tra ổ bọ gậy tại hộ gia đình thôn Nhuế, Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Chế độ ăn hợp lý: Bổ sung thêm nhiều protein vào khẩu phần ăn của người bệnh từ thịt, cá, trứng, sữa,… Tăng tỷ lệ tinh bột hoặc đường đơn giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ăn quá nhiều trong 1 bữa. Việc ăn quá nhiều trong một bữa sẽ khiến bệnh nhân khó chịu khi ăn, chán ăn và không tốt cho tiêu hóa. Nên chia nhỏ từ 4 đến 6 bữa/ngày đối với người lớn, trẻ em có thể chia nhiều bữa hơn từ 6 đến 8 bữa/ngày. Nên chuẩn bị những món ăn lỏng, mềm dễ nuốt như súp, cháo loãng, món hầm,…

Theo dõi sức khỏe người bệnh thường xuyên: Trong khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà, bạn cần theo dõi sát sao các biểu hiện của người bệnh để nhanh chóng phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Khi bệnh nhân có những biểu hiện chuyển biến nặng cần phải đưa đến bệnh viện sớm để được cấp cứu kịp thời.

Tắm rửa bằng nước ấm: Khi bị sốt xuất huyết người bệnh vẫn được tắm gội bình thường nhưng phải tắm bằng nước ấm. Tuyệt đối không để người bệnh tắm bằng nước lạnh, vì nước lạnh sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra dẫn đến nguy cơ tử vong. Không cho người bệnh kỳ cọ mạnh nhằm tránh gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ.

Tái khám đầy đủ: Việc tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm giúp theo dõi kịp thời những thay đổi để đưa ra hướng điều trị thích hợp, kể cả khi bệnh nhân đã ngừng sốt vẫn phải đi tái khám.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM