Có thể kể về Ngô Thanh Vân qua Dòng máu anh hùng, Lửa phật, Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể,… Từ một diễn viên, khi đang đạt đến đỉnh cao của "đả nữ" khó thể tìm hậu duệ thay thế, Ngô Thanh Vân chuyển hướng sang làm đạo diễn rồi kiêm luôn cả nhà sản xuất… Với sản phẩm mới nhất "Hai Phượng" - sẽ thấy một Ngô Thanh Vân "ba đầu sáu tay" ở rất nhiều cương vị nhưng ở vị trí nào cô cũng hoàn thành trọn vẹn. Ngô Thanh Vân nói: Phụ nữ làm phim khó, nhưng cái lợi thế phụ nữ hơn những người đàn ông là sự chi tiết và sáng tạo. Và từ cái lợi thế ấy, Ngô Thanh Vân trở thành người phụ nữ tiên phong làm phim, đặc biệt là phim mang màu sắc văn hoá Việt. Cô nói, đó là mục đích được đặt ra từ đầu khi quyết định lập công ty sản xuất những thước phim điện ảnh.
Từ cái mong muốn đưa những nét tích xưa lên màn ảnh lớn, Ngô Thanh Vân cứ thế tiến lên rồi ôm luôn cái tham vọng mang phim Việt ra thế giới. Cô khẳng định rằng từ trước đến nay Việt Nam không có nhiều sản phẩm bảo chứng để ekip quốc tế cảm thấy tin tưởng, thậm chí chẳng thèm ngó qua mà "trề môi" khi mới vừa nghe thấy phim của nước Việt. Vậy mà cô vẫn quyết đến cùng, dùng tên tuổi xây dựng được trong 20 năm qua khi làm việc qua nhiều dự án phim Hollywood để đưa phim Việt ra thế giới. Kể ra thì ngắn, nhưng đó là cả một cuộc hành trình chịu nhiều trắc trở, những cái lắc đầu, thậm chí phải nhún nhường từ một ngôi sao hạng A trong showbiz trở thành cô sinh viên đứng đợi những "ông lớn" làm phim hàng giờ liền chỉ để nói cho họ rằng: Hãy xem qua đi, Việt Nam chúng tôi có một bộ phim rất tử tế! Mất nhiều năm ròng rã, cuối cùng Ngô Thanh Vân cũng đặt được những viên gạch đầu tiên làm nền móng cho điện ảnh Việt phát triển cùng thế giới.
Trải qua rất nhiều vai trò khác nhau, chị muốn mọi người gọi mình với danh xưng nào?
Tôi tham gia ngành giải trí từ những ngày còn rất trẻ, tôi luôn tự đặt mình vào nhiều vai trò khác nhau, mục đích là để thỏa sức đam mê của bản thân và chinh phục những đỉnh cao mới. Từ bà bầu quản lý nhóm 365 đến thành lập chuỗi doanh nghiệp, giờ là nhà sản xuất, tôi đều làm để được quyền trải nghiệm, được quyền sống và đạt được mục đích do bản thân đề ra. Mọi người thấy tôi đạt được rất nhiều mục đích, rất nhiều vai trò và cũng thắc mắc gọi tôi là gì cho đúng thì hơn 20 năm trong nghề, tôi chỉ mong muốn được nhìn nhận là Ngô Thanh Vân thôi.
Có những lĩnh vực chị đã đạt đến đỉnh cao rồi đột ngột rẽ sang hướng khác, đó có phải là một quyết định vội vàng?
Tất cả những gì tôi làm đều có định hướng rất rõ. Có thể trong một độ tuổi, tôi nhận ra đó là thứ mình đam mê và dành thời gian nhiều nhất nhưng sau này sẽ khác. Bước vào ngành giải trí nghĩa là tự làm tự học và tự rút kinh nghiệm, sau đó sẽ tìm tòi, học hỏi thêm. Ngô Thanh Vân là vậy, dù ở bất kỳ vai trò nào, khi tôi cảm giác rằng mình đã đạt được thì tôi sẽ tìm những khó khăn mới để thử thách bản thân hoặc thay đổi để trở thành một phiên bản tốt hơn.
Nhưng thành công nhất với chị chắc vẫn là những vai diễn "đả nữ", bất ngờ tuyên bố "Hai Phượng" sẽ là vai hành động cuối cùng chị có sợ rủi ro. Nếu không có Ngô Thanh Vân, phim của chị sẽ chẳng còn hấp dẫn?
Sợ chứ, nhưng quan trọng nhất là phải biết điểm dừng!
Tôi tuyên bố Hai Phượng là vai diễn cuối cùng không phải vì lười biếng hay thiếu đam mê mà tôi có cảm giác nếu như tiếp tục tiêu tốn thời gian cho việc diễn xuất nữa thì tôi sẽ không giúp thế hệ trẻ phát triển được. Thứ nhất sức khỏe tôi cũng không cho phép "hai chân hai xuồng", tôi thấy ở thị trường phim ảnh cần sự phát triển và một làn sóng mới. Tôi đã rất hạnh phúc khi được khán giả ủng hộ dù sau 12 năm mới trở lại với vai trò đả nữ, nhưng vì chất lượng và tầm nhìn xa hơn, tôi muốn thị trường miền Nam phát triển, muốn phim điện ảnh vươn tầm ra thế giới. Tôi cần làn sóng mới đứng dậy. Giờ đây khi lùi về một bước, tôi thấy rõ những người trẻ họ có sức khỏe, đam mê, họ chỉ cần kinh nghiệm của mình để có thêm tự tin hơn. Rõ ràng họ có thể làm được nếu như họ tìm được một người thầy đúng nghĩa.
Chị có chắc thế hệ hậu duệ này sẽ đủ khả năng để kế thừa và trở thành những "Hai Phượng" khác trong phim điện ảnh của Ngô Thanh Vân không?
Bản thân tôi cũng từng do dự và nghi ngờ bởi vì họ không phải là mình. Tôi biết sự cứng đầu của bản thân, tôi biết tôi là ai và nếu tôi đã làm sẽ làm bằng được. Lớp trẻ bây giờ tôi lại không chắc điều đó, không biết rằng họ có đủ đam mê để làm giống tối không? có đủ nghị lực để hi sinh tất cả mọi thứ cho một vai diễn không? Lớp diễn viên trẻ bây giờ, thành công đến với họ quá dễ dàng, nên đôi khi họ đánh mất đi nhiệt huyết và nghị lực để đầu tư cho một vai diễn. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng, nếu học hỏi 1 ngày không được thì 10 ngày, 10 ngày không được thì 100 ngày, thậm chí 1 năm hoặc nhiều năm. Có lẽ vì thế mà tôi rất khắt khe trong sự lựa chọn, bởi vì tôi biết khán giả vẫn đặt niềm tin ở Ngô Thanh Vân. Chẳng hạn như trong quá trình chuẩn bị của phim "Thanh Sói", bạn đả nữ tiếp theo phải chịu lịch tập từ 1 năm trước khi đứng ra gánh vác vai trò mà tôi muốn giao lại.
Việc chị đầu tư một cách dài hơi như vậy có đang phí thời gian, tâm sức và cả tiền bạc không khi nhiều phim đang làm theo cách "mì ăn liền" nhưng khán giả vẫn đổ xô ra rạp xem?
Khán giả của tôi thường phàn nàn tại sao đợi phim lâu quá, tôi cũng sốt ruột khi thấy người ta làm nhiều lắm mà bản thân thì chưa làm được. Nhưng thật sự, khi đứng ở vai trò sản xuất và nhìn nhận một cách công tâm nhất cho ekip thì tôi không muốn hối hả làm gì. Thực chất tôi cũng muốn ra phim nhiều hơn để khán giả hả hê, thỏa thích tận hưởng những bộ phim chất lượng nhưng để có nhiều bộ phim đủ cả chất lẫn lượng thì thực lực của tôi vẫn chưa có đủ.
Thị trường hiện tại, nhà nhà người người ai cũng làm phim hết, chất lượng, thực lực đã ít rồi mà dự án phim thì quá nhiều. Nếu như tôi vẫn cứ lơ là, làm thoáng qua để ra sản phẩm thì chất lượng của công ty sẽ dần mất theo. Trên hết, tên tuổi mà tôi đã xây dựng 20 năm qua cũng được xây dựng từ những nền tảng đó, vội một chút, đổ sụp tất cả. Và rõ ràng những bộ phim của tôi đều mang một thông điệp thay đổi và thúc đẩy thị trường làm phim bước thêm nữa: thứ nhất để đưa ra sự giải trí cho khán giả, khiến khán giả Việt Nam tự hào. Thứ hai là để đồng nghiệp hiểu rằng làm phim chất lượng là hoàn toàn có thể nếu như bạn bỏ tâm trí vào.
Chị là một trong những người phụ nữ tiên phong trong việc làm phim, vậy tham vọng, mục đích của chị là gì, có hay không sự cạnh tranh với các "anh lớn"?
Những ngày đầu vào nghề, tôi chỉ muốn làm phim giải trí. Nhưng càng tiếp cận với Hollywood tôi càng phát sinh tham vọng để làm phim chỉn chu hơn, bắt kịp với thế giới. Làm phim là cần ekip, cần nhiều người chứ không chỉ một mình, nên với tôi việc cạnh tranh với ai đó là một suy nghĩ rất dại. Qua mặt hay cạnh tranh thì chi bằng tôi mời họ cùng chung tay với tôi. Thị trường điện ảnh Việt bây giờ còn non nớt quá, không thể một mình tôi kéo chất lượng phim lên được mà cần tất cả mọi người cùng chung tay lại.
Phụ nữ làm phim có lợi thế gì so với đàn ông không?
Phụ nữ làm phim rất khó vì đó là công việc cần phải nhìn một cách tổng thể. Ở góc độ một nhà làm phim, tôi phải hiểu từ khâu chuẩn bị đến khâu sản xuất và giới thiệu sản phẩm đến rộng rãi khán giả. Tuy nhiên để làm được điều đó cần có sự am hiểu rộng chứ không chỉ đơn giản là bấm máy vài thước phim. Nhưng phụ nữ lại có lợi thế ở sự chi tiết, sáng tạo và tinh tế hơn. Hai điều này cũng chính là sự kết hợp hài hòa để tôi có thể đưa ra sản phẩm hoàn thiện nhất.
Có nhiều ý kiến cho rằng những bộ phim của Ngô Thanh Vân thành công nhờ vào 70% là PR?
Đó là một sự cần thiết vì không phải lúc nào bạn cũng có thể làm phim một cách xuất sắc. Dù có 10 năm nữa hay bạn phải chi một khoảng chi phí khổng lồ thì chưa chắc đó là một bộ phim thành công. Đừng nói gì riêng ở Việt Nam mà Hollywood cũng vậy. Làm phim hay đã khó, làm phim có thông điệp còn khó hơn, vậy nên việc quan trọng là trách nhiệm của đội ngũ Marketing và PR. Sản phẩm của bạn có như thế nào, bạn vẫn phải quảng cáo nó là tốt nhất. Còn việc đánh giá, sử dụng, trải nghiệm thì mỗi người sẽ có một nhận định riêng.
Vậy bao nhiêu ồn ào là đủ để khán giả chú ý đến phim?
Thực chất khi chuẩn bị tung ra thị trường, tôi luôn muốn người ta nói về phim càng nhiều càng tốt dù là tốt hay xấu. Bởi vì tôi muốn nó xuất hiện hàng ngày, trên báo chí, ngay cửa miệng của khán giả. Làm một người PR nhất định sẽ hiểu rằng bất cứ chuyện gì xảy ra trong thời gian ra mắt đều có thể chuyển nó theo một hướng tốt hơn. Lúc nào chúng tôi cũng có một kế hoạch PR nhất định và nếu có gì bên lề thì lúc đó chúng tôi hưởng ứng theo nhịp của tin tức. Nhưng đến cuối cùng, tôi tin chất lượng của bộ phim mới là cái hối thúc mọi người đến rạp chứ không phải đôi ba câu chuyện vòng quanh.
Cuối cùng, điều các nhà làm phim quan tâm nhất vẫn là doanh thu. Nhưng chỉ thông qua những con số (có khi còn bị thổi phồng) liệu đủ để quyết định thành công của một sản phẩm hay không?
Thị trường hiện tại còn rất nhiều điểm cần làm tốt hơn. Tất cả hệ thống kiểm đếm ở Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu, mình chỉ thấy được một phần của việc đánh giá mà thôi. Còn về những con số thì dĩ nhiên là đối với thị trường bây giờ, đó thông tin để chứng tỏ một bộ phim thành công. Đó cũng là cơ sở để quyết định đầu tư, quảng bá của từng nhà sản xuất, nhà tài trợ. Tuy nhiên nói về số liệu lại không phải là lựa chọn của tôi. Nếu như thật sự cần thiết, khi mọi người thắc mắc tôi sẽ đưa ra thông tin, còn chúng tôi luôn ưu tiên chất lượng làm hàng đầu.
Khéo léo khi lồng ghép văn hóa Việt Nam vào phim có phải định hướng lâu dài của chị?
Đó không phải là sự khéo léo mà là định hướng của tôi ngay từ đầu. Từ những ngày bắt tay vào làm phim, tôi đã định hướng rằng sẽ dựa vào văn hóa truyền thống của Việt Nam để đưa ra kịch bản. Tôi luôn mong muốn phim của mình nói về văn hóa, giáo dục, giải trí nhưng phải thuần Việt. Phải làm thế nào để người Việt có thể tự hào về sản phẩm của Việt Nam.
Làm về văn hóa Việt Nam nói dễ mà khó vì công chúng đã nắm quá rõ cốt truyện, vậy chị làm thế nào để có thể biến những tích cũ thành cái mới xứng tầm điện ảnh?
Đó thật sự là một thử thách với cả ekip, tuy nhiên nếu sợ tôi sẽ không bao giờ làm được cả. Tôi cứ làm, trong quá trình làm sẽ có thể học hỏi và tự rút ra kinh nghiệm, làm đúng làm sai vẫn cứ làm. Nếu ai đó có nói gì thì hãy làm được đi, nếu không thì hãy để chúng tôi.
Chị có khi nào nghĩ mình làm phim về Văn hóa Việt Nam để nếu "lỗ" lại được khán giả cứu?
Rõ ràng tất cả phim Việt ra rạp đều sẽ hi vọng người Việt Nam sẽ coi để ủng hộ, đó là lời kêu gọi rất hợp lý. Nhưng sau lời kêu gọi đó là cái gì, đó có phải là một sản phẩm nghiêm túc và đáng để người khác ủng hộ. Khi đã kêu gọi người khác tới rạp rồi thì mình nhất định phải nghĩ rằng bản thân có gì, kêu gọi lần 1 lần 2 chứ đâu kêu gọi mãi được.
Còn đưa điện ảnh Việt vươn ra thế giới thì sao, chặng đường đó bắt đầu như thế nào?
Một trong những sản phẩm thành công nhất của tôi khi đưa ra nước ngoài đó là "Hai Phượng". Khi bắt tay vào làm "Hai Phượng", tôi đã tính trước con đường này. Phim hành động là thể loại mang ngôn ngữ Quốc tế và nó dễ tiếp cận nhất để khi ra nước ngoài quảng bá, cơ hội được chấp nhận sẽ cao hơn. Thế nhưng khi cầm sản phẩm và nói rằng đây là một bộ phim từ Việt Nam thì liền nhận phải những cái "trề môi" từ các nhà làm phim lớn. Trước đây Việt Nam chưa từng có sản phẩm nào bảo chứng về chất lượng hết, vậy nên những bước đầu tiên thật sự rất khó. Tôi phải đích thân sang gõ cửa rất nhiều nơi để thuyết phục họ, phải ngồi phòng chờ như một cô sinh viên ngày đầu đi xin việc. Tôi chấp nhận điều đó và từ từ thay đổi suy nghĩ của họ về những sản phẩm Việt Nam. May mắn là sau khi bộ phim ra mắt và công chiếu rộng rãi, tôi cảm thấy tự hào, công sức bỏ ra là xứng đáng. Kể từ bây giờ trở đi, mối quan hệ giữa phim Việt và thế giới đã được gắn kết, chất lượng cũng đã được bảo chứng . Hi vọng những sản phẩm tiếp theo vẫn sẽ giữ vững được chất lượng để không làm mất đi niềm tin người ta đã giành cho mình.
Lý do gì khiến điện ảnh Việt không phát triển ở Quốc tế, trong khi đó các Quốc gia láng giềng đã và đang bành trướng rất mạnh mẽ?
Điều đầu tiên chính là câu chuyện, kịch bản của việt Nam chưa đủ để mọi người hiểu rằng bản thân người làm phim muốn gì. Cách kể chuyện của chúng ta chưa đủ thuyết phục, phải cần có một câu chuyện không chỉ người Việt Nam hiểu mà là tất cả mọi người ở mọi quốc gia, vùng miền đều cảm nhận được. Thứ hai là chất lượng, người làm phim xưa giờ chỉ suy nghĩ về việc làm sao để lấy lại vốn nhanh nhất, suy nghĩ gói gọn trong thị trường Việt Nam nên sự đầu tư là chưa có, thế nên bước ra thế giới là điều chưa thể làm sớm được.
Một cái đầu sắc bén như Ngô Thanh Vân có khiến cho người hợp tác thấy sợ vì chị quá thông minh?
Tôi nghĩ nếu những người sợ và e dè thì không nên làm việc với tôi. Tôi rất quyết đoán trong mọi việc và hiểu rằng khi muốn đạt được thành công thì cần phải rõ ràng trong mọi chi tiết và vấn đề. Đối với những ai mơ mộng, không chịu sống với thực tế thì sẽ không đạt được mục tiêu trong cuộc sống, đó là những người không nên làm việc với tôi.
Có những cô gái theo đuổi đam mê làm Hoa hậu vì họ có nhan sắc và trái tim ấm áp. Có những cô gái quyết trở thành giáo sư, thạc sĩ vì từ bé họ đã học cực giỏi. Vậy những cô gái muốn làm phim giỏi như Ngô Thanh Vân thì cần những yếu tố gì?
Khi cá tính của bạn đã thiên về sắc đẹp, hòa bình thì bạn sẽ phải phát triển tương lai của bạn theo hướng đó - trở thành Hoa hậu. Khi bạn có thiên bẩm về đầu óc, sức sáng tạo, bạn sẽ theo lĩnh vực khoa học. Còn nếu bạn muốn dùng nghệ thuật, phim ảnh để lan tỏa tinh thần giải trí, giáo dục đến cho khán giả thì bạn hãy theo tôi. Việc quan trọng nhất của tuổi trẻ bây giờ vẫn là hiểu bản thân muốn gì và hãy đặt sẵn kế hoạch, đừng mông lung, ham muốn quá nhiều thứ rồi không trọn vẹn điều gì.
Ngô Thanh Vân là một ngôi sao sáng chói với loạt vai diễn ăn khách vươn ra khỏi mảnh đất hình chữ S. Cô ấy hoàn toàn có thể đưa tên tuổi của mình thăng hạng hơn nữa, lên một tầm cao mới bằng những thước phim "đỉnh" như "Hai Phượng", "Dòng máu anh hùng".... Thế nhưng Ngô Thanh Vân chọn dừng lại, chọn làm người đứng phía sau, giúp thế hệ diễn viên trẻ tìm cho mình một vị trí vững vàng trong showbiz. Họ có thể chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng chắc chắn với sự đồng hành cùng Ngô Thanh Vân, đây sẽ là thế hệ kế thừa thúc đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn hành trình đưa phim Việt hội nhập với quốc tế. Chặng đường ấy trước đây Ngô Thanh Vân đơn độc nhưng có lẽ, ngày hôm nay cô sẽ không còn phải bước một mình.
Với Ngô Thanh Vân, luôn thấy rõ sự quyết đoán, tự tin và mãnh liệt theo đuổi tất cả những kế hoạch tự vạch ra. Để thành công như ngày hôm nay, người phụ nữ ấy chắc chắn kinh qua rất nhiều trắc trở, khó khăn và không ít những cái lắc đầu. Nhưng quan trọng nhất là Ngô Thanh Vân đã không từ bỏ. "Nếu học hỏi 1 ngày không được thì 10 ngày, 10 ngày không được thì 100 ngày, thậm chí 1 năm hoặc nhiều năm" - Ngô Thanh Vân đã tự tìm được ánh hào quang cho mình như thế và tin rằng câu nói ấy còn đúng cho tất cả những ai ngoài kia vẫn đang loay hoay chưa xác định được mục tiêu và con đường đi đến ước mơ, hoài bão trong đời mình.
Trí thức trẻ