Nghiên cứu trên 10.000 người hé lộ hiệu quả cao của liều vaccine Pfizer thứ ba
Pfizer và BioNTech vừa công bố kết quả nghiên cứu mới nhất về hiệu quả của liều vaccine Pfizer tăng cường.
Một liều tăng cường của vaccine COVID-19 do Pfizer và đối tác BioNTech phát triển có hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 là 95.6%, theo dữ liệu từ một nghiên cứu lớn được công bố ngày 21/10 bởi hai công ty dược.
Pfizer và BioNTech cho biết liều vaccine tăng cường của họ đã được thử nghiệm trên 10.000 người tham gia từ 16 tuổi trở lên, những người đã được tiêm hai liều vaccine Pfizer. 10.000 người này được chia làm hai nhóm, nhóm tiêm vaccine tăng cường và nhóm tiêm giả dược.
Các mũi tăng cường/giả dược được tiêm khoảng 11 tháng sau lần tiêm thứ hai.
Kết quả là chỉ có 5 trường hợp mắc COVID-19 trong nhóm được tiêm liều tăng cường, và 109 trường hợp mắc COVID-19 trong nhóm tiêm giả dược.
Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 53 tuổi, với 55,5% người tham gia từ 16 đến 55 tuổi, và 23,3% 65 tuổi trở lên.
Pfizer và BioNTech cho biết thêm liều vaccine tăng cường của họ có tính an toàn tốt và có tác dụng chống lại biến thể Delta rất dễ lây lan.
Nhà phân tích người Mỹ Michael Yee cho biết kết quả này bổ sung thêm dữ liệu cho thấy liều tăng cường có thể giúp bảo vệ lâu dài khỏi nhiễm COVID-19 có triệu chứng.
Không có trường hợp bệnh nặng nào được báo cáo, cho thấy sự bảo vệ chắc chắn khỏi bệnh nặng chỉ với 2 liều tiêu chuẩn, nhà phân tích Yee viết.
Pfizer và BioNTech cho biết họ sẽ gửi kết quả chi tiết cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm Châu Âu và các cơ quan quản lý khác để được bình duyệt trong thời gian sớm nhất có thể.
Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi FDA phê duyệt liều tăng cường của vaccine Moderna và vaccine Johnson & Johnson. Liều tăng cường của vaccine Pfizer đã được phê duyệt trước đó.
Theo FDA, liều tăng cường của vaccine Pfizer nên được tiêm ít nhất sáu tháng sau đợt tiêm đầu tiên cho những người trên 65 tuổi, người có nguy cơ cao bị bệnh nặng và người làm công việc có nguy cơ cao tiếp xúc với virus.
Tiến sĩ Walid Gellad, một giáo sư tại Trường y, Đại học Pittsburgh (Mỹ), cho biết dường như tiêm liều thứ ba có lợi ích trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Nhưng tiến sĩ đặt câu hỏi liều tăng cường liệu có giúp ích cho người trẻ cũng như người lớn tuổi hay không.
"Tôi vẫn rất tò mò không biết liệu có phải điều này chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi hay không. Bởi vì chúng tôi không muốn vội vã tiêm liều tăng cường cho những người 25 tuổi đã mắc COVID-19 trước đó và đã tiêm hai liều của vaccine, chỉ dựa trên thông cáo báo chí này", tiến sĩ Gellad nói.
Pfizer cho biết hiệu quả của vaccine hai liều của họ giảm dần theo thời gian, trích dẫn một nghiên cứu cho thấy hiệu quả giảm từ mức đỉnh là 96% xuống 84% vào thời điểm 4 tháng sau khi tiêm liều hai.
(Nguồn: Reuters)