Nghiên cứu: Nhờ phong tỏa Vũ Hán, TQ có thể đã ngăn hơn 700.000 người nhiễm COVID-19
"Các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc có vẻ đã đem lại hiệu quả khi thành công phá vỡ chuỗi truyền nhiễm", nghiên cứu khẳng định.
Hiệu quả từ quyết định phong tỏa Vũ Hán
Quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi được cho là tâm điểm của đại dịch COVID-19 , có thể đã ngăn được hơn 700.000 ca nhiễm mới bằng cách hạn chế sự lây lan của virus, AFP dẫn nguồn nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trung Quốc, Mỹ và Anh đăng trên tạp chí Science mới đây.
Nội dung của tài liệu này là "nghiên cứu các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong 50 ngày đầu tiên của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc".
Theo nghiên cứu này, các biện pháp kiểm soát cứng rắn của Trung Quốc trong 50 ngày đầu tiên của dịch bệnh đã cho các thành phố khác trên khắp đất nước có thêm thời gian quý báu để chuẩn bị và thiết lập các giới hạn của riêng mình.
Phần tóm tắt nghiên cứu nêu rõ: "Phản ứng trước dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) vào tháng 12/2019, Trung Quốc đã cấm ra vào thành phố Vũ Hán từ 23/1/2020 và công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia".
"Quyết định phong tỏa Vũ Hán có liên quan tới khả năng trì hoãn sự lây lan của COVID-19 sang nhiều thành phố khác khoảng 2,91 ngày. Trung bình, những thành phố áp đặt các biện pháp kiểm soát sớm ghi nhận ít ca nhiễm hơn trong tuần đầu khi dịch bùng phát, so với những thành phố bắt đầu áp kiểm soát chậm hơn".
"Ngừng giao thông công cộng liên thành, đóng cửa các trung tâm giải trí và cấm tụ tập đông người có liên quan tới sự sụt giảm trong tỷ lệ nhiễm bệnh".
"Tình trạng khẩn cấp quốc gia có vẻ đã trì hoãn sự gia tăng và hạn chế được quy mô của dịch COVID-19 ở Trung Quốc, ngăn ngừa được hàng trăm nghìn ca bệnh tính đến ngày 19/2 (tức ngày thứ 50)".
Tính đến ngày thứ 50 của dịch bệnh - ngày 19/2 - có 30.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc, học giả Anh Christopher Dye - một trong số tác giả của nghiên cứu - cho hay.
"Các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc có vẻ đã đem lại hiệu quả khi thành công phá vỡ chuỗi truyền nhiễm - ngăn tiếp xúc giữa bệnh nhân và người dễ bị nhiễm bệnh".
Ngăn hơn 700.000 ca nhiễm ngoài Vũ Hán
AFP cho hay, các nhà khoa học đã kết hợp báo cáo về các ca bệnh, thông tin y tế công cộng và dữ liệu định vị điện thoại di động để nghiên cứu khả năng lan truyền của virus.
Thông tin định vị điện thoại đã cung cấp một chuỗi dữ liệu mới thú vị, giáo sư sinh học Mỹ Ottar Bjornstad - một tác giả khác của nghiên cứu - nói.
Khoảng thời gian mà các nhà khoa học nghiên cứu xoay quanh kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm của người Trung Quốc - Tết Nguyên đán. Các nhà nghiên cứu có thể so sánh các mô hình di chuyển ra và vào Vũ Hán trong suốt thời điểm dịch bệnh bằng dữ liệu điện thoại di động với 2 đợt Tết trước đó.
"Phân tích đã cho thấy một sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động di chuyển sau khi có lệnh cấm ngày 23/1/2020. Dựa trên dữ liệu này chúng tôi cũng có thể tính toán khả năng giảm trong số lượng ca bệnh liên quan tới Vũ Hán ở các thành phố khác khắp Trung Quốc", ông Bjornstad nói.
"Phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng nếu không có quyết định cấm di chuyển ở Vũ Hán và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia thì sẽ có hơn 700.000 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở ngoài Vũ Hán tính đến ngày hôm đó", ông Dye nhấn mạnh trong thông cáo báo chí.
Theo nghiên cứu:
Số lượng ca nhiễm mới hàng ngày được ghi nhận ở Hồ Bắc (bao gồm Vũ Hán) đạt đỉnh vào ngày 4/2 (3.156 ca, tương đương 5,33/100.000 dân ở Hồ Bắc), còn tại các tỉnh thành khác, đỉnh nhiễm mới được ghi nhận vào 31/1 (875 ca, tương đương 0,07/100.000 dân).
Tỷ lệ thấp về số ca nhiễm trên đầu người ở đỉnh dịch, thời điểm đạt đỉnh sớm và xu hướng giảm sau đó trong báo cáo ca nhiễm mới hàng ngày cho thấy các biện pháp kiểm soát lây lan không chỉ có liên quan tới khả năng trì hoãn sự gia tăng của dịch bệnh, mà còn đánh dấu sự sụt giảm trong số lượng ca bệnh.
Bằng cách áp dụng mô hình dịch bệnh với chuỗi thời gian ghi nhận ca nhiễm ở mỗi tỉnh, các nhà khoa học ước tính rằng, hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) là 3.15 trước khi các biện pháp khẩn cấp được áp dụng ngày 23/1.
Tình trạng lây lan COVID-19 từ Vũ Hán được xác định là khá nhanh. Toàn bộ 262 thành phố ở Trung Quốc ghi nhận có ca nhiễm bệnh trong vòng 28 ngày trong khi dịch influenza H1N1 năm 2009 mất 132 ngày để tiếp cận tới số lượng thành phố tương đương ở Trung Quốc.
Khi các biện pháp kiểm soát được tăng cường từ 23/1 trở đi, hệ số lây nhiễm giảm xuống còn 0,97 - 2,01 và 3,05 trong 3 nhóm tỉnh (tùy mức độ áp dụng biện pháp kiểm soát, các tỉnh được chia làm 3 nhóm cơ bản).
Khi quá trình kiểm soát được thiết lập tới 95% ở khắp mọi nơi, hệ số này giảm xuống trung bình còn 0,04.
Theo mô hình của chúng tôi, nếu không có lệnh cấm di chuyển ở Vũ Hán hoặc phản ứng khẩn cấp quốc gia thì đã có 744.000 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận bên ngoài Vũ Hán tính tới ngày 19/2 - ngày thứ 50 của dịch bệnh.
Mô hình của các nhà khoa học cho thấy, quyết định phong thành ở Vũ Hán đã kìm hãm sự tiếp cận của virus tới các thành phố khác và cho họ thêm thời gian để chuẩn bị bằng cách cấm tụ tập đông người và đóng cửa các trung tâm giải trí, cùng nhiều biện pháp khác.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng, nghiên cứu không xuất phát từ thí nghiệm được kiểm soát mà từ các phân tích thống kê và toán học về biến đổi không gian/thời gian trong báo cáo ca nhiễm, sự dịch chuyển của con người và các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
Tính đến thời điểm này, gần một nửa số dân toàn cầu đang được yêu cầu ở nhà để chống lây nhiễm và các biện pháp cách ly phong tỏa đang nhanh chóng được bình thường hóa. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh tuyên bố phong tỏa Vũ Hán 2 tháng trước, quyết định ấy được coi là một biện pháp gay gắt trong cuộc chiến chống lây nhiễm.