Nghiên cứu này là lời nhắn cho thế hệ tương lai: Nếu có một đại dịch như COVID-19 thì hãy đeo khẩu trang vào, đừng tranh cãi

07/12/2020 11:02 AM | Khoa học

Khẩu trang có chi phí rất rẻ, nhưng các chiến dịch tuyên truyền, thuyết phục người dân đeo khẩu trang lại rất tốn kém.

Trong một nghiên cứu mới đăng trong Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, các nhà khoa học Đức cho biết họ đã có được bằng chứng đầu tiên từ một phân tích có hệ thống, cho thấy tác dụng kỳ diệu của khẩu trang trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nơi công cộng.

Mặc dù về mặt cảm quan và các thí nghiệm với khẩu trang đã chỉ ra bằng chứng về mặt khái niệm cho sự hiệu quả này, nhưng các nhà khoa học Đức cho biết họ vẫn muốn có nghiên cứu chứng minh tác dụng về mặt thực tiễn của khẩu trang.

"Ảnh hưởng của khẩu trang đối với sự lây lan của bệnh truyền nhiễm đã được nghiên cứu từ lâu. Tính hữu ích của việc bảo vệ đối với nhân viên y tế là điều không thể bàn cãi", các nhà khoa học viết.

"Trước đây cũng đã từng có bằng chứng cho thấy khẩu trang đã giúp giảm thiểu sự lây lan của các dịch bệnh trước đó như SARS năm 2003 hoặc cúm mùa. Tuy nhiên, tác động của khẩu trang đeo mặt ở nơi công cộng đối với sự lây lan của COVID-19 vẫn chưa được phân tích một cách hệ thống".

Để có một phân tích có hệ thống dạng này, Đức trở thành một quốc gia lý tưởng, bởi các tiểu bang của họ lần lượt ra các sắc lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong các thời điểm khác nhau.

Theo dõi chênh lệch dữ liệu về số ca mắc mới COVID-19 ở từng khu vực này theo từng khoảng thời gian cho phép các nhà khoa học tìm ra câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi: "Đeo khẩu trang trong thực tế có tác dụng đến đâu?"

Nghiên cứu này không chỉ là dấu chấm hết cho các hoài nghi liên quan đến khẩu trang - một công cụ phòng bệnh hiệu quả với chi phí thấp, mà nó còn trở thành bài học thực tiễn cho các thế hệ tương lai: Nếu sau này con người cũng gặp phải một bệnh truyền nhiễm hô hấp tương tự COVID-19, đừng tranh cãi mà hãy đeo khẩu trang vào!

Được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Southern Denmark, Đại học Kassel, Đại học Darmstadt và Đại học Johannes-Gutenberg của Đức, nghiên cứu mới tập hợp được một khối lượng dữ liệu khổng lồ của 401 khu vực là các quận thành phố ở Đức. Trong đó bao gồm thời gian họ tiến hành chính sách bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, số ca nhiễm COVID-19 trước và trong thời gian chính sách được áp dụng.

Nghiên cứu này là lời nhắn cho thế hệ tương lai: Nếu có một đại dịch như COVID-19 thì hãy đeo khẩu trang vào, đừng tranh cãi - Ảnh 1.

Timeline chính sách đeo khẩu trang được áp dụng tại các thành phố và khu vực khác nhau tại Đức.

"Tùy thuộc vào khu vực xem xét, chúng tôi thấy rằng khẩu trang làm giảm số lượng ca nhiễm COVID-19 từ 15% đến 75% trong khoảng thời gian 20 ngày sau khi người dân bắt buộc phải sử dụng chúng", các tác giả cho biết.

"Đánh giá độ tin cậy của các ước tính khác nhau, chúng tôi kết luận rằng khẩu trang làm giảm khoảng 47% tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm mỗi ngày".

Lấy ví dụ về một thành phố ở Đức thực hiện việc đeo khẩu trang sớm nhất từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 4 là Jena, số ca nhiễm mới ở đây đã giảm tới 75% chỉ sau 20 ngày.

"Nói một cách đơn giản, nếu tại các thành phố không đeo khẩu trang ghi nhận được 100 ca nhiễm mới trong khoảng thời gian 20 ngày, thì tại một thành phố nơi sắc lệnh đeo khẩu trang được áp dụng chỉ ghi nhận 25 trường hợp", các tác giả giải thích.

Họ cho biết thêm mức giảm này là rất lớn, trong đó hơn 90% ca nhiễm mới thuộc nhóm tuổi từ 60 trở lên, là những người có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao khi nhiễm COVID-19.

Tỷ lệ tăng trưởng hàng ngày của số ca nhiễm ở Jena cũng rất thấp, chỉ khoảng 2 đến 3%. Và đó là ngay trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi mà các vùng khác ở Đức có tỷ lệ số ca nhiễm tăng trưởng hàng ngày trên 50%.

Jena cũng không phải vùng duy nhất ở Đức khuyến cáo người dân đeo khẩu trang sớm. Các tác giả cho biết họ đã nhìn thấy được các đường cong (thể hiện số ca nhiễm COVID-19 mới) đi xuống ở 6 thành phố và vùng khác ở Đức làm điều tương tự.

Các tác giả cũng đã theo dõi sự phát triển của COVID-19 ở ba tâm dịch là Vũ Hán, Ý và Thành phố New York, trong khoảng thời gian từ ngày 23 tháng 1 đến ngày 9 tháng 5 và nhận thấy tác dụng giảm thiểu đáng kể của khẩu trang đối với sự lây lan của dịch bệnh.

"Đeo khẩu trang là một biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí để chống lại COVID-19", các tác giả cho biết. Tuy nhiên, việc nhiều người dân không nhận thức được cơ chế làm việc cũng như tác dụng của khẩu trang có thể khiến chi phí truyền thông cho điều này tăng lên.

Các tác giả ước tính chi phí dành cho khẩu trang không đáng kể nhưng nếu tính cả chi phí truyền thông để thuyết phục mọi người dân tuân thủ, nhất là những người phản đối khẩu trang thì có thể lên tới 1,4 đến 2,5% thu nhập của các hộ gia đình.

Vì vậy, tốt hơn hết các thế hệ tương lai không nên rơi vào một cuộc tranh cãi vô bổ liên quan đến tác dụng của khẩu trang nữa, mà hãy có ý thức đeo nó ngay khi gặp phải một dịch bệnh đường hô hấp mới.

Các tác giả nghiên cứu cho biết chính sách bắt buộc đeo khẩu trang càng được áp dụng sớm, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 càng giảm, và nó có thể cứu sống rất nhiều người. Tác dụng của khẩu trang chính là một bài học xương máu trong đại dịch COVID-19, mà để có được nó chúng ta đã phải trả giá bằng rất nhiều mạng sống.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM