Nghiên cứu lịch sử kinh doanh của Jack Ma, người đàn ông 50 tuổi trở thành tỷ phú đô-la: Người thông minh học từ kinh nghiệm của kẻ khác
Trên con đường thành công, biết học hỏi từ kinh nghiệm là bản lĩnh của người tài giỏi, mà học được từ kinh nghiệm của người khác thì lại càng giỏi hơn.
01.
Vào ngày 8 tháng 5 năm 2020, Kingsoft Cloud đã được niêm yết trên Nasdaq ở Hoa Kỳ. Đây trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên phát hành công khai lần đầu tại Mỹ kể từ sau vụ bê bối Luckin Coffee Inc. của Trung Quốc, khiến hàng loạt hoạt động niêm yết tại thị trường Mỹ bị trì hoãn.
Cổ phiếu của Kingsoft Cloud đã tăng hơn 40% trong ba ngày giao dịch kể từ đó và công ty điện toán đám mây này đã đạt được mức định giá 5 tỷ USD. Sau khi công ty lên sàn, giá trị con người của Lôi Quân đã tăng lên hơn 10 tỷ nhân dân tệ trong một ngày.
Cuối năm ngoái, “Danh sách phú gia Hồ Nhuận 2020” do Tạp chí Hồ Nhuận (Hurun Report) của Trung Quốc công bố cũng cho thấy giá trị tài sản ròng của Lôi Quân đạt 170 tỷ nhân dân tệ.
Có người đã bình luận về Lôi Quân rằng, "Ông chính là đỉnh cao mà người bình thường có thể đạt tới nếu luôn biết nỗ lực và chăm chỉ trong thời đại của chúng ta."
Tại sao Lôi Quân lại nhận được đánh giá như vậy? Bởi so với những “lão đại” khác trong thương nghiệp, ông có gia cảnh bình thường, tốt nghiệp từ một trường đại học tại quê nhà Hồ Bắc, sự nghiệp cũng từng gặp nhiều trắc trở. Chẳng hạn như, dự án “Pangu” tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc nhưng đi đến thất bại thảm hại khi còn ở Kingsoft đã khiến Lôi Quân phải nghỉ việc 6 tháng liền vì áp lực chồng chất.
Nhưng sau đó, Lôi Quân đã trở lại, từng bước phát triển và đầu tư thành công vào không biết bao nhiêu công ty, lại từng bước leo lên những vị trí hàng đầu trong danh sách tỷ phú Trung Quốc khi ở vào ngưỡng U50.
Kể từ khi sáng lập Xiaomi, đưa thương hiệu có giá rẻ và cấu hình cao này vào thị trường nội địa, sau đó tấn công thẳng ra quốc tế, Lôi Quân đã chiếm được một vị trí vững vàng trên “mặt trận” sản xuất smartphone tại 74 quốc gia và khu vực trên thế giới. Thậm chí, tại một số quốc gia như Ấn Độ, Myanmar, Nga, Ai Cập, Israel, Xiaomi là cái tên lọt vào top 5. Chỉ trong vài năm, giá trị thị trường của Xiaomi đã tăng vọt lên hàng trăm tỷ tệ.
Khi phân tích và nghiên cứu về con đường dẫn đến thành công của Lôi Quân, bản thân ông từng chia sẻ những khó khăn khi thành lập Xiaomi ở năm 41 tuổi trong một bài phát biểu.
Khi bắt đầu bài phát biểu, Lôi Quân đã nói thế này:
"Khi bắt đầu kinh doanh, tôi đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử kinh doanh của Mã Hóa Đằng (người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của Tencent, công ty có giá trị nhất nhì châu Á), Lý Ngạn Hoành (người đồng sáng lập ra công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc hiện nay là Baidu) và Mã Vân (từng là người giàu nhất Châu Á kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Alibaba). Khi không ngừng phân tích và học hỏi về quá trình gây dựng sự nghiệp của họ, tôi thực sự đã thu hoạch được rất nhiều điều quý giá, đặc biệt là từ các bài học của Jack Ma."
Hình ảnh của tỷ phú Mã Hóa Đằng và Jack Ma
Bên cạnh đó, Lôi Quân còn nói:
"Biết cách mượn kinh nghiệm thành công và những giá trị trí tuệ đã được tích lũy suốt vài thập niên của những người đi trước, chúng sẽ trợ giúp chúng ta tránh mắc một số sai lầm, tránh phải đi đường vòng, giảm bớt thời gian đầu phải tìm hiểu vấn đề và thúc đẩy quá trình đi thẳng tới mục tiêu của mình. Đây là một trong những phương thức quan trọng nhất trong quá trình học tập để đạt tới thành công của cá nhân tôi.”
Bí quyết thành công này của Lôi Quân có thể khiến người ta liên tưởng đến một câu mà nhà bác học Thomas A. Edison đã nói:
"I have not failed. I've just found 10,000 ways that won't work."
(Tạm dịch: Tôi chưa hề thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách làm không hiệu quả mà thôi.)
Thông qua 10.000 cách làm không hiệu quả đó, không chỉ Edison mà chính chúng ta cũng sẽ học hỏi được kinh nghiệm tuyệt vời. Với Edison, có thể ông sẽ thành công ở lần thứ 10.001, nhưng với bạn, số lần “không hiệu quả” có thể giảm đi đáng kể.
02.
Kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta đương đầu với thử thách. Mỗi người chúng ta đều có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng không phải ai cũng giỏi tổng kết và khai quật giá trị này.
Đặt trường hợp, giả sử như thời đi học, giáo viên thường nói rằng đây là một bài toán tương tự với lý thuyết đã được dạy gần đây. Nhưng sau một vài thay đổi, rất nhiều học sinh đều không thể tự phát hiện ra khía cạnh “tương tự”, nên cũng không thể tìm được phương pháp xử lý vấn đề.
Đây là kiểu người không giỏi vận dụng “kinh nghiệm” đã đạt được để phát huy ở một khía cạnh mới.
Ngược lại, với những người giỏi về lĩnh vực này, khi gặp một tình huống mới hoặc một vấn đề phức tạp, họ sẽ sử dụng kinh nghiệm trong quá khứ để giải quyết. Ngay cả khi vấn đề mới và kinh nghiệm cũ không tương đồng, họ vẫn có thể phát hiện ra những điểm liên kết, lấy làm tiền đề để tiếp tục phát huy, suy một ra ba.
Những kinh nghiệm cụ thể sẽ được đúc kết thành khái niệm tổng quan, do đó, nó có thể áp dụng được trong nhiều trường hợp khác nhau. Đó là lý do chúng ta phải học được cách “chuyển hóa” kinh nghiệm như vậy.
Trong cuộc sống, một số kinh nghiệm có thể dễ dàng “chuyển hóa”. Ví dụ, nếu bạn có thể lái một chiếc xe tải lớn thì bạn cũng có thể lái một chiếc xe ô tô nhỏ; hoặc là, nếu bạn có kiến thức nền về ký họa, chúng sẽ rất hữu ích khi học vẽ sơn dầu. Nguyên nhân là do những lĩnh vực này có mối liên quan tương đối chặt chẽ.
Ngược lại, cũng có những kinh nghiệm khó được “chuyển hóa” thành công. Chẳng hạn như, một người giỏi giao tiếp chưa chắc đã là là nhân viên kinh doanh giỏi. Tuy rằng, đôi bên có sự tương đồng nhất định, nhưng vẫn tồn tại những điểm khác biệt then chốt. Đặt trong trường hợp nêu trên, điểm khác biệt này có thể là sự am hiểu về sản phẩm, sự nhạy bén về thị trường, sự logic trong tư duy và lập luận…
Để khắc phục những khác biệt này yêu cầu chúng ta phải không ngừng rèn luyện năng lực tự thân, suy ngẫm và sáng tạo, gia tăng vốn hiểu biết, tích cực đương đầu với những thử thách mới…
Trong rất nhiều trường hợp, biết cách tổng kết kinh nghiệm và áp dụng hợp lý sẽ giúp bạn có được kết quả “làm ít công to” khi bắt đầu làm việc.