Nghiên cứu khoa học cho thấy dối trá hay máu cờ bạc là bản chất của con người

09/04/2016 12:13 PM | Sống

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra giải thích về những thói xấu của con người như nói dối, trộm cắp hay cờ bạc, thật bất ngờ khi chúng có liên quan chặt chẽ tới gene.

Con người vốn được coi là giống loài thông minh nhất trong tự nhiên, đồng thời cũng là loài đặc trưng cho việc thích hủy hoại bản thân. Khoa học đã đưa ra những lý giải sâu xa về việc tại sao những loài thông minh thường có vẻ khá khó chịu, hằn học, thích tự hủy hoại bản thân đồng thời gây những tổn thương cho người khác.

So với hầu hết các loài động vật, con người đóng vai trò chủ thể trong những hành vi hủy hoại đồng loại và chính bản thân mình. Chúng ta dối trá, lừa đảo và trộm cắp, khắc những hình trang trí lên chính cơ thể mình, sống trong trạng thái căng thẳng tột độ và quyết định kết thúc cuộc sống của mình, và tất nhiên là cả cuộc sống của những người khác nữa. Sau đây, hãy cùng xem xét những hành vi tự hủy hoại nhất của con người dưới góc nhìn khoa học.

Nói dối

Chẳng ai hiểu rõ tại sao con người nói dối nhiều đến thế, tuy nhiên các nghiên cứu đã cho thấy điều này là bình thường và có liên quan chặt chẽ tới nhiều yếu tố tâm lý phức tạp.

“Hành vi nói dối liên quan chặt chẽ với lòng tự trọng”, theo Robert Feldman - giáo sư tâm lý học giảng dạy tại Đại học Massachusetts: “Chúng tôi phát hiện rằng vào thời điểm con người cảm thấy lòng tự trọng bị đe dọa, họ sẽ bắt đầu nói dối với cấp độ tinh vi tăng dần”.

Feldman đã tiến hành nhiều nghiên cứu trên những người thường xuyên nói dối, trong một cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 10 phút, 60% những người này nói dối ít nhất một lần.

Nói dối cũng không dễ dàng gì. Một nghiên cứu đã kết luận rằng việc nói dối tiêu tốn thêm 30% thời gian so với nói sự thật.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng trong thời đại e-mail con người nói dối thường xuyên hơn so với thời đại thư tay trước kia.

Về việc liệu một người có thực sự chủ định khi nói dối không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Để lý giải điều đó đòi hỏi phải có một định nghĩa phức tạp về nói dối.

“Một vài điều kiện nhất định phải được đảm bảo để một tuyên bố bị xếp loại là một lời nói dối”, giáo sư triết học James E. Mahon thuộc Đại học Washington and Lee cho biết: “Đầu tiên, một người phải đưa ra một tuyên bố và tin rằng tuyên bố đó là sai. Tiếp đó, người này phải có ý định khiến người nghe tin rằng tuyên bố đó là đúng. Nếu không thỏa mãn hai điều trên thì không nằm trong định nghĩa về nói dối của tôi”.

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2014 thấy rằng, những lời nói dối vô hại và có những lý do đúng đắn giải thích cho hành động đó có thể khiến mối quan hệ trở nên bền vững hơn.

Động vật cũng được biết đến có khả năng gian lận, thậm chí robot cũng đã học được cách nói dối. Trong một thí nghiệm mà những con robot sẽ được khen thưởng hoặc bị phạt dựa vào biểu hiện trong một cuộc thi, chúng cũng gian lận.

Trộm cắp

Hành vi trộm cắp có thể là do nhu cầu thúc đẩy. Nhưng đối với chứng ăn cắp vặt, hành vi ăn cắp chỉ đơn giản là bởi cảm giác kích thích. Một nghiên cứu trên 43.000 người cho thấy 11% trong số họ thú nhận từng ăn cắp ít nhất 1 lần.

“Những người này ăn cắp thậm chí cả khi họ không thiếu thốn”, Jon E. Grant- trường Đại học y Minnesota.

Trong nghiên cứu năm 2009, những người tham gia được uống giả dược (Placebo: là một chất trơ, không có tác dụng chữa bệnh, không gây dị ứng, hoàn toàn vô hại, được mang hình dáng dược phẩm, tuy nhiên lại có tác dụng đặc biệt trên một số bệnh nhân, cả tốt lẫn xấu, gọi chung là hiệu ứng Placebo) hoặc thuốc naltrexone - được biết tới với công dụng kiềm chế những khuynh hướng liên quan tới chất cồn, thuốc phiện và cờ bạc. Naltrexone ngăn chặn những hiệu ứng của loại chất dạng thuốc phiện nội sinh mà các nhà nghiên cứu nghi ngờ được sản sinh ra trong quá trình ăn cắp và có tác dụng kích hoạt cảm giác dễ chịu trong não bộ.

Loại thuốc trên có tác dụng giảm bớt thôi thúc và hành vi ăn cắp, Grant và các đồng nghiệp đã đề cập trong tạp chí Biological Psychiatry.

Thói ăn cắp có thể đã được quy định ở trong gene của chúng ta. Suy cho cùng thì kể cả loài khỉ còn làm điều đó. Những con khỉ Capuchin sử dụng hệ thống báo động để cảnh báo đồng loại tản ra và tránh các nguy cơ khi kẻ thù tấn công. Nhưng một số sẽ làm giả các cuộc gọi, và sau đó lấy trộm thức ăn mà những con khỉ khác đã để lại trong khi vội vã đi trốn.

Lừa lọc

Một vài đặc điểm khác của con người còn thú vị hơn nhiều. Trong khi hầu như ai cũng nói rằng sự trung thực là danh dự của mình, gần 1/5 dân số Mỹ cho rằng gian lận thuế thì có thể chấp nhận được về mặt đạo đức hoặc thậm chí đó chẳng phải một vấn đề đạo đức (theo khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Pew). Khoảng 10% số người được hỏi trả lời lấp lửng về việc có lừa dối nửa kia của mình hay không.

Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng những người đặt ra tiêu chuẩn cao về giá trị đạo đức lại nằm trong số những người lừa dối nhiều nhất. Theo một cách trái khoáy, những người này xem lừa dối là hành vi có thể hiểu được về mặt đạo đức trong một số tình huống nhất định.

Người nổi tiếng và chính trị gia vốn được xem như các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, nhưng chuyện họ lừa dối bạn đời của mình đã trở nên ngày càng phổ biến. Theo các chuyên gia, hành động này có một lý giải đơn giản: nam giới nhìn chung có ham muốn tình dục rất cao, và có xu hướng lừa dối nhiều hơn so với nữ giới. Đặc biệt hành vi này có khả năng xảy ra cao hơn với nam giới có quyền lực.

“Mọi người không nhất thiết phải làm theo những điều họ tuyên thệ”, Lawrence Josephs, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Adelphi, New York cho biết: “Chưa có nghiên cứu rõ ràng về việc những giá trị đạo đức của con người có đang thực sự kiểm soát những điều họ làm hay không, và nếu có thì ở mức độ nào”.

Các chuyên gia cho rằng có hai lý do chính khiến một người lừa dối bạn đời của mình: Có thể họ thấy nhàm chán với đời sống chăn gối hoặc là họ không hạnh phúc với mối quan hệ của mình. Một nghiên cứu năm 2015 tìm ra rằng những người bị lệ thuộc vào bạn đời về mặt kinh tế có xu hướng lừa dối cao hơn những người có một mối quan hệ bình đẳng về tài chính.

Nghiện những thói quen xấu

Có thể những hành vi khác trong danh sách này sẽ trở nên ít rắc rối hơn nếu chúng ta không phải những sinh vật lệ thuộc vào thói quen. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thậm chí khi ai cũng hiểu rõ những nguy cơ của một thói quen xấu, con người vẫn thấy rất khó để từ bỏ.

“Lý do không phải là bởi họ không có đủ thông tin về những nguy hại”, Cindy Jardine, Đại học Alberta chia sẻ: “Chúng ta có xu hướng hoạch định cuộc sống trong hiện tại và tương lai gần chứ không phải trong dài hạn”.

Jardine, người đã nghiên cứu tại sao con người cứ níu lấy những thói quen xấu, đã đưa ra những nguyên nhân sau: Bản năng thách thức của con người, nhu cầu được xã hội công nhận, không thực sự thấu hiểu bản chất của rủi ro, nhìn nhận thế giới qua lăng kính cá nhân, khả năng hợp lý hóa những thói quen không lành mạnh và khuynh hướng dễ nghiện được quy định trong gene.

Con người có xu hướng biện hộ cho những thói quen xấu bằng cách đưa ra những ngoại lệ kể cả đối với những thống kê phổ biến, ví dụ như: “Điều này cũng chưa ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi” hoặc “bà của tôi nghiện thuốc và vẫn sống tới 90 tuổi”.

Cờ bạc

Máu cờ bạc có vẻ như cũng được quy định trong gene và có liên kết chặt chẽ với não bộ của con người, điều này có thể lý giải tại sao hành vi tiềm ẩn hủy hoại này lại trở nên vô cùng phổ biến.

Kể cả lũ khỉ cũng thích cờ bạc. Một nghiên cứu đo lường nhu cầu cờ bạc của loài khỉ để giành nước quả đã cho thấy kể cả khi những giải thưởng chẳng đáng kể, loài linh trưởng vẫn hành động có lý trí và đánh bạc để có cơ hội giành được nhiều hơn một chút.

Một nghiên cứu trong tạp chí Neuron năm ngoái đã chỉ ra rằng cảm giác thắng cuộc kích hoạt nhiều hệ thống truyền dẫn thần kinh trong não và củng cố thêm động lực để tiếp tục cờ bạc. “Những con bạc thường đánh đồng một cơ hội suýt soát với một sự kiện đặc biệt, và điều đó khuyến khích họ tiếp tục đánh bạc”, Luke Clark của Đại học Cambridge cho biết: “Chúng tôi thấy rằng bộ não phản ứng với những cơ hội suýt soát như thể một chiến thắng đã nắm chắc trong tay, ngay cả khi kết quả rõ ràng là thua”.

Những nghiên cứu khác cũng cho thấy việc thua bạc sẽ khiến con người mất kiểm soát. Khi một người lên kế hoạch trước về việc sẽ đặt cược bao nhiêu, họ thường rất lý trí. Nhưng nếu họ thua thì lý trí cũng rời bỏ họ, và khi đó họ thay đổi kế hoạch ban đầu và đặt cược thậm chí còn lớn hơn.

Phong Linh

Cùng chuyên mục
XEM