Nghiên cứu đề xuất thời điểm nối lại một số đường bay quốc tế

29/05/2020 09:55 AM | Xã hội

Các Bộ, ngành đang nghiên cứu để đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ tướng xem xét và quyết định thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay.

Ngày 28-5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết thời điểm Việt Nam mở lại việc giao thông, giao thương với quốc tế , Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cơ quan liên quan đang nghiên cứu để đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay, phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại và đầu tư, phù hợp với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới.

 Nghiên cứu đề xuất thời điểm nối lại một số đường bay quốc tế  - Ảnh 1.

Máy bay Vietnam Airlines đậu tại sân bay Frankfurt (Frankfurt, Đức)

Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên hãng thông tấn AFP nêu câu hỏi: Thời gian gần đây, nhiều dấu hiệu sẽ có làn sóng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển dịch từ Trung Quốc sang thị trường khác, trong đó, Việt Nam là một trong những địa điểm triển vọng. Việt Nam đã làm gì để có thể thu hút làn sóng này sau Covid-19 trong khi hiện tại, mặc dù đời sống Việt Nam đã trở lại khá bình thường nhưng chúng ta vẫn đóng cửa với các những người nước ngoài cũng như những nhà đầu tư nước ngoài?

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết mặc dù dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam.

Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế. Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng Covid-19 như: Bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như dịch vụ giữa Việt Nam với bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistic, tích cực triển khai các hiệp định thương mại tư do FTA với các đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.

Các doanh nghiệp nước ngoài đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nghi vấn hối lộ liên quan đến Công ty Tenma (Nhật Bản) tại tỉnh Bắc Ninh, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết: "Ngay sau khi có thông tin của phía Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã báo cáo cơ quan chức năng trong nước. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành xác minh theo quy định pháp luật. Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đều phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý".

Liên quan đến thông tin một số cán bộ thuế, hải quan nhận hối lộ 25 triệu Yên của Công ty Tenma Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ. Hiện, Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc; lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ liên quan để làm rõ vụ việc.

Theo Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM