Nghiên cứu: 1 hành động của cha mẹ chẳng khác nào "phim kinh dị", có thể gây tổn hại tâm lý nghiêm trọng cho trẻ

04/05/2024 21:40 PM | Sống

Những ký ức này dù lớn lên vẫn sẽ là bóng đen đeo bám, khiến trẻ sợ hãi khi có các mối quan hệ thân mật.

Một bà mẹ mới đây cho biết, tuần trước, chị đã cãi nhau lớn với chồng trước mặt con gái vì một chuyện nhỏ nhặt. Hai người thậm chí còn đánh nhau và chị bị chồng túm tóc. Cô bé sợ hãi đến mức khóc đến gần ngất đi. Đêm đó, con thường xuyên gặp ác mộng.

Bản thân người mẹ cảm thấy rất có lỗi, nhất là khi thấy con gái ngày càng trở nên nhạy cảm và đeo bám mẹ. Chị không khỏi tự trách mình thiếu kiềm chế và muốn biết làm thế nào để khắc phục được tổn hại mà "cuộc chiến" đã gây ra cho con gái mình.

Nghiên cứu: 1 hành động của cha mẹ chẳng khác nào "phim kinh dị", có thể gây tổn hại tâm lý nghiêm trọng cho trẻ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cha mẹ cãi nhau gay gắt, thậm chí đánh nhau trước mặt con là bộ phim đáng sợ nhất mà đứa trẻ từng xem và sẽ gây tổn hại tâm lý nghiêm trọng.

Thường sau khi trút hết cảm xúc tiêu cực, nhìn thấy những đứa trẻ sợ hãi và khóc lóc, cha mẹ mới chợt nhận ra rằng mình đã mất kiểm soát. Lúc này, họ không khỏi cảm thấy áy náy và lo lắng. Nhưng lần sau, vẫn không kiềm chế được bản thân, cảm xúc bùng nổ như núi lửa. Nhiều người cứ thế, loay hoay giữa việc không thể kiểm soát được cảm xúc của mình và cảm giác tội lỗi về đứa trẻ. 

Liệu việc cãi vã trước mặt trẻ có thực sự mang lại bóng tối tâm lý cho trẻ? 

Câu trả lời là có.

Trong suy nghĩ của đứa trẻ, cha mẹ là những người hoàn hảo và đều đáng được yêu thương. Mỗi lời nói xúc phạm của cha mẹ khi cãi vã có thể chỉ là khoảnh khắc giận dữ nhất thời nhưng đứa trẻ sẽ ghi nhớ tất cả và giữ trong lòng. Nhiều đứa cho rằng mình không đủ tốt hoặc không đủ ngoan ngoãn, từ đó dẫn đến những cuộc cãi vã của cha mẹ.

Chúng cảm thấy sợ hãi, lo lắng và không thể hiểu nổi, không biết phải làm gì để thay đổi tình hình. Chúng hồi hộp, lo lắng nhưng lại cảm thấy bất lực. Ngay cả những đứa trẻ đã trưởng thành vẫn lo lắng về việc cha mẹ cãi nhau.

Nhiều phụ huynh cho rằng, những đứa trẻ còn nhỏ chưa đủ nhận thức nên sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều nếu chứng kiến cảnh tranh cãi. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc cha mẹ cãi nhau trước mặt con sẽ gây tác động rất lớn tới trẻ. Kể cả những trẻ chỉ mới 6 tháng tuổi cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý, cảm xúc, tình cảm. Điều đó làm cản trở đến tương lai, sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Hơn thế, dựa vào kết quả một số nghiên cứu chuyên khoa khác, những trẻ ở độ tuổi vị thành niên, cũng như dưới 19 tuổi tuy đã có đủ nhận thức để đánh giá sự việc nhưng vẫn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nếu liên tục chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, đánh nhau. Tâm lý của độ tuổi cũng bị tác động một cách nghiêm trọng, thậm chí làm gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nếu thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, trẻ sẽ có nhiều xu hướng trở nên hung hãn, chống đối, thậm chí là sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề cá nhân. 

Một người cho biết, cô 26 tuổi và đã chứng kiến cha mẹ cãi nhau suốt 20 năm, mệt mỏi đến mức có lúc muốn chấm dứt mọi thứ. Người khác kể rằng cha mẹ mình đã đánh nhau từ lâu lắm rồi, có khi tiếng động lớn đến mức hàng xóm phải sang xem. Hậu quả của việc này là bây giờ anh không thể chịu được việc ai đó nói to. Mỗi khi nghe thấy giọng người khác cất lên, anh vô thức muốn trốn tránh, trong đầu tràn ngập cảnh tượng cha mẹ cãi nhau ngày nào.

Cuối cùng, những cuộc cãi vã của cha mẹ biến thành mâu thuẫn nội tâm ở con cái, để lại cho chúng những ký ức kinh hoàng và căng thẳng. Những ký ức này dù lớn lên vẫn sẽ là bóng đen đeo bám, khiến trẻ sợ hãi mâu thuẫn, tranh chấp trong các mối quan hệ thân mật.

Ngoài ra, đứa trẻ có thể hình thành cảm giác xấu hổ, tự ti vì không có một gia đình hòa thuận, cảm thấy tội lỗi vì không thể ngăn cản cha mẹ cãi nhau.

Hãy tranh luận văn minh, đừng tranh cãi

Adam Grant, Giáo sư tâm lý tại Trường kinh doanh Wharton cho biết, nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ sáng tạo lại thường được nuôi dạy trong các gia đình thường xuyên có tranh luận. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là gào thét vào mặt nhau những chuyện vô nghĩa hay cãi vã thô lỗ, mà là phê bình với thiện chí xây dựng và để những cảm xúc này được bộc lộ trước mặt trẻ. Việc này cũng dạy trẻ rằng bất đồng là bình thường và không khiến hôn nhân bất hạnh hay ở với người không cùng quan điểm là điều không chịu nổi.

Để việc tranh luận có lợi, Grant nói với Today rằng hãy coi nó như một cuộc thảo luận, nơi mọi người đều có tư duy cởi mở và thực sự học hỏi lẫn nhau. "Hãy tranh luận như thể bạn đúng và lắng nghe như thể bạn sai", ông gợi ý. Nhà tâm lý cho rằng vai trò của bố mẹ là làm gương để tranh luận trở nên đa chiều chứ không phải sự thù địch hay áp đặt kiểu "Tôi đúng, anh sai".

Grant cũng nói rằng đây là điều mà rất ít bố mẹ dạy con. "Chúng ta muốn dành cho trẻ một mái nhà yên ấm nên cố ngăn các con cãi nhau với anh chị em chúng và giấu cuộc tranh luận với bạn đời sau cánh cửa", ông viết.

Bạn thử nghĩ xem, liệu trẻ sẽ học cách bày tỏ ý kiến hay tranh luận một cách thấu đáo ở đâu nếu khi còn nhỏ chúng không hề có tấm gương nào để nhìn vào? 

"Nếu hiếm khi nhìn thấy cãi cọ, chúng ta sẽ e ngại tránh xa những mâu thuẫn. Chứng kiến tranh luận văn minh - và tham gia vào đó - giúp chúng ta mạnh dạn hơn", ông bày tỏ.

Theo Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
XEM