Nghịch lý: Tại sao Covid-19 dù không nguy hiểm bằng SARS nhưng lại lây lan như vũ bão và giết chết nhiều người hơn hẳn?
Thực ra, chính vì không nguy hiểm bằng SARS nên Covid-19 mới làm được việc mà SARS và MERS đã không thể, đó là áp đảo nền y tế của cả thế giới.
Dù không phải loại virus đầu tiên lây lan ra nhiều quốc gia, cũng chẳng phải căn bệnh đầu tiên được gắn mác "đại dịch", nhưng Covid-19 đã gây ra quá nhiều thiệt hại. Sau 100 ngày kể từ khi "căn bệnh lạ" được báo cáo tại Trung Quốc, nền kinh tế thế giới đã đình trệ hẳn lại. Hàng triệu người mất việc làm, hơn 1,6 triệu người nhiễm bệnh, và con số tử vong cũng sắp chạm đến ngưỡng 100.000 người.
Chính phủ các nước trên thế giới đã phải rất vất vả để đối phó với virus corona, bất chấp một thực tế là tỉ lệ tử vong của nó thực chất thấp hơn khá nhiều so với các dịch bệnh nguy hiểm trong quá khứ, như SARS và MERS. Nhưng tại sao lại thế? Vì sao dù không chết chóc bằng, nhưng virus corona SARS-CoV-2 lại làm được chuyện mà SARS và MERS không thể, đó là áp đảo cả nền y tế của thế giới?
Nhiều thành phố trên thế giới vắng lặng sau lệnh cách ly xã hội
Covid-19 không chết chóc bằng SARS, và đó là lý do
Theo ABC News - trang tin uy tín tại Úc, thì việc không gây chết người bằng SARS là lý do khiến Covid-19 tước đi được nhiều sinh mạng hơn hẳn so với người anh em đi trước của nó.
Về mặt bản chất, Covid-19 và SARS (2003) có khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là các chủng thuộc virus corona, và đều có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, SARS chỉ chạm tới được 30 quốc gia trước khi bị kiểm soát, lây nhiễm cho 8000 người và giết chết 774 người - theo số liệu của WHO. Con số như vậy là rất lớn, nhưng bỗng trở nên thật nhỏ bé khi đặt cạnh những gì mà Covid-19 đã gây ra - lây nhiễm cho 1,6 triệu người, hơn 95.000 ca tử vong.
Về mặt tỉ lệ, SARS đã giết chết 14-15% người nhiễm bệnh. Với Covid-19, dù chúng ta không thể biết chắc tỉ lệ tử vong là bao nhiêu vì dữ liệu vẫn phải tiếp tục cập nhật, nhưng WHO ban đầu xác nhận tỉ lệ của dịch bệnh này chỉ là 3-4% mà thôi.
Vậy tại sao Covid-19 lại cướp đi nhiều sinh mạng hơn so với SARS? Theo giáo sư Peter Collignon, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại khoa Y ĐH Quốc gia Úc, nguyên nhân một phần nằm ở những ảnh hưởng của dịch bệnh lên cơ thể người. Virus có thể ẩn mình rất kỹ càng, khiến không ai phát hiện ra, bởi đa số người nhiễm bệnh chỉ phát ra triệu chứng nhẹ.
"Éo le là, một dịch bệnh gây tử vong nhanh như SARS sẽ có tốc độ lây lan chậm hơn, bởi loài người sẽ nhanh chóng nhận ra và kiểm soát nó," - Collignon nhận xét.
"Tương tự là Ebola. Khi có một lượng lớn người nhiễm virus phát bệnh nặng và tử vong, nó sẽ không thể lan đi quá xa vì con người sẽ có sự chuẩn bị."
Sanjaya Senanayake - phó giáo sư khoa Y tại ĐH Quốc gia Úc thì nhận định, Covid-19 sở dĩ lây lan nhanh vì nó giữ cho vật chủ - chính là loài người - còn sống.
"Trên thực tế, để là một virus lây lan hiệu quả, nó phải làm sao để giữ cho các vật chủ còn sống để tiếp tục lây bệnh," - Senanayake cho biết.
"Nó rất dễ lây nhiễm, và chẳng ai trong chúng ta có miễn dịch cả," - giáo sư nhận xét, đồng thời cho rằng đó là lý do chính phủ các nước cần phản ứng thực sự mạnh mẽ trước đại dịch lần này.
Stuart Tangye - chuyên gia từ Viện nghiên cứu Y học Garvan bổ sung thêm, rằng tỉ lệ tử vong chưa phải là tất cả. Ông cho biết, có những người nhiễm bệnh mà không bộc lộ bất kỳ triệu chứng nào - còn gọi là "mầm bệnh thầm lặng". Thời gian ủ bệnh quá lâu khiến họ không biết mình nhiễm, để rồi đến khi phát hiện ra thì đã muộn - họ đã tiếp xúc với quá nhiều người rồi.
"Về cơ bản, có rất nhiều người khỏe mạnh ngoài kia đang mang trong mình virus. Họ không biết rằng mình đang phát tán nó," - Tangye nhận định. "Du thuyền Ruby Princess tại Úc là một ví dụ điển hình."
"Trên tàu khi đó có một số người xuất hiện triệu chứng. Họ quyết định để hành khách rời tàu, và đột nhiên có hàng trăm người dương tính đã mang virus đi khắp nơi."
Nhiều người nhiễm bệnh mà không hề hay biết (Ảnh minh họa)
Theo giáo sư Tangye, điều này khác với các trường hợp của SARS và MERS. Với hai dịch bệnh này, người bệnh chỉ có khả năng lây nhiễm sau khi đã bộc lộ triệu chứng ra ngoài.
"Những dịch bệnh trên bộc phát triệu chứng rất nhanh sau khi nhiễm, qua đó các bệnh nhân sẽ được cách ly rất sớm."
Có thể so sánh với cúm mùa?
Khi Covid-19 mới nổ ra, rất nhiều người đã so sánh nó với dịch cúm thông thường - thứ vốn có thể giết chết tới 646,000 mỗi năm.
Tuy nhiên, giáo sư Tangye cho biết đó là hai trường hợp hoàn toàn khác biệt, liên quan đến 3 yếu tố chính: miễn dịch cộng đồng, vaccine và thuốc chữa. Cả 3 là những yếu tố có thể làm giảm thời gian phát dịch cúm, đồng thời tạo lá chắn cho những người chưa có miễn dịch. Nhưng với Covid-19, đây là một dịch bệnh mới, và nó chẳng có thứ gì trong cả 3 yếu tố trên: không vaccine, không miễn dịch cộng đồng, và chưa có cách điều trị hiệu quả.
Hơn nữa, tỉ lệ tử vong của Covid-19 được đánh giá là cao hơn quá nửa các chủng virus cúm hiện nay.
Tham khảo: ABC News