Nghịch lý ở Ấn Độ: 99% khổ cực vì dịch bệnh nhưng các tỷ phú vẫn ung dung kiếm hàng tỷ USD

23/07/2021 14:18 PM | Kinh doanh

Khoảng cách giàu nghèo đã gia tăng rõ rệt ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, nơi chiếm hơn phân nửa số người nghèo gia tăng trên toàn cầu trong năm 2020.

Ấn Độ: nơi kẻ ăn không hết, người lần không ra

Ấn Độ đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế và làn sóng virus corona tàn khốc mà nghiên cứu mới cho thấy đã đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói.

Tuy nhiên, khi những người Ấn Độ này phải vật lộn để sống nhờ vào vài USD mỗi ngày, giới siêu giàu của đất nước này thậm chí còn giàu hơn và có ảnh hưởng hơn, khi tổng tài sản của họ đã tăng lên hàng chục tỷ USD trong năm ngoái.

Mukesh Ambani, chủ tịch của tập đoàn Reliance Industries, hiện có tài sản hơn 80 tỷ USD, tức nhiều hơn khoảng 15 tỷ USD so với một năm trước, theo Bloomberg Billionaires Index. Xếp sau ông không xa là người sáng lập tập đoàn Adani, Gautam Adani, người có khối tài sản tăng vọt từ mức chưa tới 13 tỷ USD vào thời điểm này năm ngoái lên 55 tỷ USD hiện nay.

Tính ra, tài sản của hai tỷ phú trên - hiện là người giàu thứ nhất và thứ tư ở châu Á - còn cao hơn cả GDP của một số quốc gia. Điều này cho thấy khoảng cách giàu nghèo đã gia tăng rõ rệt ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, nơi chiếm hơn phân nửa số người nghèo gia tăng trên toàn cầu trong năm 2020.

Các tỷ phú hàng đầu châu Á khác

Suốt phần lớn thời gian đại dịch, Ambani vẫn giữ được vị trí người giàu nhất châu Á, vượt qua nhiều tài phiệt Trung Quốc và là người giàu thứ 12 thế giới - hơn cả ông trùm Carlos Slim của Mexico và người sáng lập hãng máy tính Dell là Michael Dell.

Công ty của Ambani đã có một năm 2020 tuyệt vời khi huy động được hàng tỷ USD từ những gã khổng lồ ở thung lũng Silicon như Google và Facebook, những người đang đặt cược vào tầm nhìn thống trị Internet của ông tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới.

Và Ambani không quá "cô đơn" trên đỉnh cao. Gần đây, người giàu thứ hai châu Á cũng là một người Ấn Độ: Gautam Adani. Người sáng lập tập đoàn Adani hiện kiểm soát các công ty khác nhau, từ cảng và hàng không vũ trụ đến năng lượng và than đá.

Giống như Reliance, tập đoàn Adani thể hiện cực kỳ tốt trên thị trường chứng khoán Ấn Độ khi cổ phiếu của Adani Enterprises đã tăng hơn 800% trên Sở giao dịch chứng khoán quốc gia ở Mumbai kể từ tháng 06/2020, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư lạc quan về khả năng "đặt cược" của Adani vào các lĩnh vực then chốt trong mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ tướng Narendra Modi.

Cả hai tỷ phú Ấn Độ này đều có gốc gác từ Gujarat, quê hương của ông Modi.

Cổ phiếu các công ty của Adani đã sụt giảm vào tháng trước sau khi tờ Thời báo Kinh tế nói rằng các quỹ nước ngoài nắm giữ cổ phần trị giá hàng tỷ USD đã bị Trung tâm lưu ký chứng khoán quốc gia của nước này đóng băng.

Mặc dù tập đoàn này cho rằng bài viết trên là "sai lầm trắng trợn", nhưng người sáng lập của nó đã mất gần 20 tỷ USD trong vòng chưa đầy một tháng. Tuy vậy, Adani vẫn nằm trong số những người giàu nhất châu Á, sau ông trùm nước đóng chai Trung Quốc Zhong Shanshan và CEO Tencent là Pony Ma, theo Bloomberg.

Các tỷ phú Trung Quốc khác, trong đó có Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, đã bị ảnh hưởng nặng khi Bắc Kinh "mạnh tay" với các doanh nhân công nghệ.

Theo Saurabh Mukherjea, người sáng lập Marcellus Investment Managers, sự thống trị hoàn toàn của Ambani và Adani không có gì đáng ngạc nhiên. Ông nói thêm rằng hầu hết mọi lĩnh vực chính ở Ấn Độ đều được một hoặc hai công ty lớn nắm giữ.

99% còn lại ở Ấn Độ

Trong khi Adani có thể dễ dàng kiếm lại được khoản lỗ 6 tỷ USD, phần lớn đất nước này đang phải đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế khiến cuộc sống thay đổi trong thời kỳ đại dịch.

Khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động kinh doanh và đi lại để kiểm soát sự lây lan của Covid-19, tỷ lệ tài sản do nhóm 1% của quốc gia này nắm giữ đã tăng 40,5% vào cuối năm 2020, tăng 7 điểm phần trăm so với năm 2000, theo một báo cáo của Credit Suisse về sự giàu có toàn cầu được công bố hồi tháng Sáu.

Báo cáo lưu ý rằng hệ số Gini - một thước đo phổ biến về sự bất bình đẳng - đã tăng từ 74,7 vào năm 2000 lên 82,3 vào năm ngoái. Con số này càng cao thì sự chênh lệch về thu nhập càng lớn. Mức 0 có nghĩa là thu nhập được phân bổ đồng đều trong toàn xã hội, trong khi mức 100 nghĩa là tất cả thu nhập sẽ nằm trong tay một người.

Ấn Độ đã rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế hiếm có vào năm ngoái, sau một đợt phong tỏa kéo dài gần 4 tháng. Mặc dù nền kinh tế phục hồi trong năm nay, nhưng số người thất nghiệp đã đạt mức kỷ lục vào tháng 5 này sau khi số ca Covid tăng mạnh vào mùa xuân năm nay.

Theo một phân tích của trung tâm nghiên cứu Pew, nếu so với khi không có đại dịch, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đã giảm 32 triệu người vào năm ngoái do hậu quả của suy thoái kinh tế.

"Trong khi đó, số người nghèo ở Ấn Độ (với thu nhập từ 2 USD trở xuống mỗi ngày) ước tính đã tăng 75 triệu người do suy thoái Covid-19", nhà nghiên cứu cấp cao Rakesh Kochhar của Pew viết trong một bài đăng vào tháng 3. Ông nói thêm rằng con số đó chiếm gần 60% lượng người nghèo gia tăng trên toàn cầu và mức gia tăng đó là không tính đến làn sóng thứ hai.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Azim Premji, bang Karnataka, Ấn Độ, nhiều hộ gia đình đã đối phó với việc mất thu nhập vào năm ngoái bằng cách cắt giảm lượng thức ăn, bán tài sản và vay mượn từ bạn bè, người thân và những người cho vay. Họ ước tính rằng khoảng 230 triệu người Ấn Độ đã bị rơi vào cảnh nghèo đói (mà theo định nghĩa là có thu nhập dưới 5 USD một ngày) vì đại dịch.

Hiện tại, khi Ấn Độ chuẩn bị cho đợt Covid-19 thứ ba, các nhà nghiên cứu hy vọng chính phủ nước này có thể đưa ra một số biện pháp táo bạo để giảm bớt tác động đến những người yếu thế nhất thế giới.

Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM