Nghỉ việc có nên giữ mối quan hệ tốt với sếp và đồng nghiệp cũ?
Mối quan hệ với các đồng nghiệp ở môi trường công sở luôn là vấn đề gì đó rất khó để diễn tả. Ngay cả khi bạn quyết định dừng việc thì cũng còn vô số thứ kèm theo cần được xử lý.
Trong đó, thứ khiến nhiều người đau đầu nhất là nên duy trì mối liên hệ với sếp và đồng nghiệp ở mức nào và có thật sự cần thiết hay không? Chúng ta hãy cùng nghe một vài quan điểm đến từ các nhân viên văn phòng.
Nộp đơn là “chấm dứt” hết
Trong công ty, thường thì mỗi người sẽ phụ trách một công việc, lĩnh vực khác nhau. Có thể, ngay lúc còn đang làm việc ở đó, các nhân viên chỉ biết rằng chị này làm phòng này, anh kia làm ở ban kia… chủ yếu chạm mặt nhau trong thang máy hoặc những buổi liên hoan. Thậm chí, chưa từng nhắn tin riêng với nhau dù có kết bạn trên các mạng xã hội. Như vậy, khi bạn nghỉ việc, những mối quan hệ này cũng tự nhiên kết thúc mà thôi.
Anh Trịnh Công Sơn
Chị Phương Trang cho biết: “Tôi mới chuyển công ty một lần thôi nhưng hiện giờ đã không còn liên hệ với sếp hay đồng nghiệp ở chỗ cũ. Mà điều này đến từ phía tôi chủ động. Tôi sang môi trường mới, có công việc mới, đồng nghiệp mới, tôi chẳng còn điểm chung nào với các đồng nghiệp cũ, nếu cứ kết bạn với nhau mà không tương tác thì thà tôi hủy bỏ luôn”.
Cũng có một trường hợp tương đối phổ biến khác, chính vì không hài lòng với đồng nghiệp và lãnh đạo hiện tại nên nhân viên mới rời đi. "Sau khi tranh cãi với công ty mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng, tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Ngay lúc ấy, tôi cũng xóa hết thông tin liên lạc, out khỏi group chat của công ty. Tôi muốn kết thúc quá trình làm việc không vui vẻ ấy ngay lập tức”, anh Trịnh Công Sơn chia sẻ.
Đồng nghiệp cũ trở thành tri kỷ
Chị Vân Anh (bên trái) và người đồng nghiệp vẫn thân thiết dù không còn làm chung công ty.
Trái lại, có nhiều nhân viên dù không còn làm chung công ty nữa nhưng vẫn thân thiết, thường xuyên chia sẻ với nhau. Như câu chuyện mà chị Vân Anh kể: “Không phải là người giỏi giao tiếp nhưng nhờ quá trình làm việc chung mà trải qua 3 lần chuyển việc, tôi đã “thu thập” được tới 8 người bạn tốt mà trước kia đều là đồng nghiệp. Mỗi khi có chuyện gì, họ đều sẵn sàng lắng nghe tôi chia sẻ và giúp đỡ nhiệt tình. Thậm chí, có một cô em đã trở thành tri kỷ. Chúng tôi thường xuyên đi ăn, đi tập, đi du lịch và tâm sự với nhau về cuộc sống”.
Bạn Hải Ly: “Trước kia còn làm nhân viên, giữa mình và chị sếp còn có một khoảng cách nhất định. Nhưng khi mình quyết định rời đi, chị chính là người đưa ra lời khuyên, ủng hộ sự lựa chọn của mình. Và cũng từ hôm ấy, mình trò chuyện với chị thoải mái hơn, trở lên thân thiết như chị em ruột. Chị cũng không ngại truyền kinh nghiệm cho tôi để thích nghi với môi trường mới. Nhưng còn các đồng nghiệp thì mình đã hủy kết bạn vì vẫn còn ngại để họ thấy mình chia sẻ công việc mới trên mạng xã hội”.
Đừng chỉ phát triển bản thân mà bỏ quên các mối quan hệ
Anh Phạm Tiến Đạt
Sau 4, 5 lần nhảy việc, Trịnh Công Sơn đã thay đổi suy nghĩ: “Về cơ bản, khi chuyển sang công ty mới, chúng ta sẽ có lãnh đạo mới, đồng nghiệp mới, sẽ rất khó nói chuyện bởi còn quá ít điểm chung. Có những người mình đã ngắt liên lạc từ sớm, nhưng cũng giữ lại một số mà mình thấy thật sự thân thiết và cần thiết. Có đợt anh sếp cũ của mình làm trong công ty mới với đãi ngộ tốt hơn vẫn nhớ tới và gọi, muốn giới thiệu mình về đó. Cho nên, mình vẫn khuyên các bạn nên duy trì và phát triển những mối quan hệ tích cực”.
Phạm Tiến Đạt nêu quan điểm: “Tôi đã từng nghĩ rằng dù ở đâu chỉ cần làm tốt công việc của bản thân, không quan tâm, không giao lưu với ai thì cũng chẳng có chuyện gì. Nhưng sau này, tôi nhận ra đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm”.
“Một ngày chúng ta chỉ có 24 giờ, sức người có hạn và mỗi người có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Nếu như bạn có nhiều mối quan hệ tốt đẹp thì dù trong hoàn cảnh nào bạn cũng có thêm lời khuyên và sự giúp đỡ, bằng cách này hay cách khác. Và chúng ta nên cân bằng giữa sự phát triển của bản thân và mở rộng các mối quan hệ, chẳng phải người ta hay nói thêm bạn - bớt thù”.
Duy trì quan hệ với sếp và đồng nghiệp cũ có khó?
“Thật ra nhiều bạn cứ nghĩ phức tạp lên chứ để duy trì được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũ cũng đơn giản thôi. Nếu như không có quá nhiều thời gian để gặp nhau trực tiếp thì ta vẫn có thể nhắn tin để hỏi thăm nhau mà. Hoặc ví dụ, có một người bạn đã đi làm xa, không còn ở Hà Nội nữa, thì khi tôi đi du lịch tới nơi đó, tôi sẽ hẹn gặp mặt”, Vân Anh chia sẻ.
Chị Tuyết Hà cho hay: "Tôi chủ yếu giữ gìn các mối quan hệ với đồng nghiệp và cả với sếp thông qua mạng xã hội. Đôi khi chỉ một lần bấm like, hay bình luận một câu, hoặc không thì thi thoảng nhắc lại một kỷ niệm vui vui nào đó”.