Nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi 14 tỷ đồng để từ thiện khẩn cấp cứu trợ đồng bào miền Trung, tại sao tiền lãi phát sinh lại ngang tiền lãi gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng?

25/05/2021 14:53 PM | Kinh doanh

Việc cứu trợ bão lũ mang tính cấp bách không thể để dài hạn được cho nên xét về mặt logic, người kêu gọi từ thiện sẽ không chuyển số tiền vừa huy động từ các mạnh thường quân sang tài khoản tiết kiệm để hưởng lãi suất tiết kiệm.

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ lùm xùm giữa bà Nguyễn Phương Hằng và Nghệ sĩ Hoài Linh, đặc biệt liên quan đến số tiền từ thiện 13,4 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung vượt qua thiên tai năm 2020.

Cụ thể, từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2020, nghệ sĩ Hoài Linh từng kêu gọi tiền để ủng hộ đồng bào miền Trung gặp lũ lụt. Tại thời điểm ngày 11/11/2020, trên facebook cá nhân, anh cho biết tổng số tiền nhận được là 13,413 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong vài ngày gần đây, dư luận dấy lên nghi vấn kể từ ngày 11/11/2020 đến nay (5/2021) đã 6 tháng, dù vẫn sử dụng mạng xã hội, đăng tải nhiều clip, bài viết về các hoạt động trong cuộc sống trên fanpage hơn 12 triệu theo dõi nhưng Hoài Linh chưa từng có động thái thông báo về việc đã chuyển số tiền này tới bà con miền Trung. Chính điều này khiến dấy lên nghi ngờ NS Hoài Linh ăn chặn tiền từ thiện.

Đến tối 24/5, Nghệ sĩ Hoài Linh chính thức lên tiếng làm rõ việc. Theo đó anh cho biết hiện nay cộng luôn cả lãi suất và những khoản đã chi số tiền từ thiện là 13,770 tỷ đồng. Số tiền lãi ước tính khoảng 357 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên sự chậm trễ trong giải ngân tiền từ thiện, cũng như kém chủ động trong việc thông báo rõ ràng các thông tin, đang khiến nghệ sĩ này chịu chỉ trích gay gắt từ dư luận.

Nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi 14 tỷ đồng để từ thiện khẩn cấp cứu trợ đồng bào miền Trung, tại sao tiền lãi phát sinh lại ngang tiền lãi gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng? - Ảnh 1.

Số tiền sau khi có cả lãi suất tính đến thời điểm hiện tại.


Nghi vấn nghệ sĩ Hoài Linh đem tiền từ thiện gửi tiết kiệm?

Theo nghệ sĩ Hoài Linh khẳng định, tiền vẫn còn đang trong tài khoản của anh, số tiền chưa chuyển đi ủng hộ được là vì lý do dịch bệnh. 

Giả định 1: số tiền gửi ngân hàng này là tiền gửi không kỳ hạn. Thực tế, lãi suất không kỳ hạn ở các ngân hàng chỉ vào khoảng 0,1%/năm. Và với số tiền giả định khoảng 14 tỷ đồng, tiền lãi tiền gửi không kỳ hạn trong vòng 6 tháng được tính như sau: 

14 tỉ đồng x (0,1%/365) x 180 = 6,9 triệu đồng. 

Giải thích cụ thể hơn 0,1% là lãi suất tính theo năm nên phải chia cho 365 mới có lãi suất theo ngày. Và số tiền kêu gọi cho đến thời điểm hiện tại là 6 tháng nên ước chừng khoảng 180 ngày.

Tuy nhiên theo thông tin mà nghệ sĩ Hoài Linh đưa ra, số tiền lãi thực tế được công khai là hơn 350 triệu đồng. 

Số tiền lãi này lớn hơn rất nhiều số tiền lãi tiền gửi không kỳ hạn giả định phía trên. 

Giả định 2: số tiền từ thiện gốc đã được nghệ sĩ Hoài Linh gửi ngân hàng dưới dạng tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn và nhận lãi suất tiền gửi có kỳ hạn (cao hơn nhiều so với lãi suất không kỳ hạn). 

Cụ thể tại thời điểm tháng 11/2020, lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng MB là 0,1%, trong khi lãi suất có kỳ hạn 6 tháng là 5,1%. (Xem biểu lãi suất tại đây)

Thử tính toán trên số tiền gốc ban đầu là 13,413 tỷ đồng, nếu gửi ngân hàng với các mức lãi suất tương ứng (lãi suất không kỳ hạn cho đến lãi suất kỳ hạn 6 tháng), sẽ ra các khoản tiền lãi 6 tháng tương ứng như sau:

Nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi 14 tỷ đồng để từ thiện khẩn cấp cứu trợ đồng bào miền Trung, tại sao tiền lãi phát sinh lại ngang tiền lãi gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng? - Ảnh 2.

Giả định tính tiền lãi 6 tháng theo lãi suất ngân hàng MB tại thời điểm tháng 11/2020.

Nếu so sánh với kết quả tiền lãi thực tế được Nghệ sĩ Hoài Linh công bố, có thể thấy con số hơn 350 triệu đồng xấp xỉ bằng số lãi tạm tính trong phương án gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 5,1%.

Mục đích ban đầu là kêu gọi nhận tiền từ các mạnh thường quân và người dân cả nước, để ủng hộ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau lũ lụt. 

Việc cứu trợ bão lũ mang tính cấp bách không thể để dài hạn được cho nên xét về mặt logic, người kêu gọi từ thiện sẽ không chuyển số tiền vừa huy động từ các mạnh thường quân sang tài khoản tiết kiệm để hưởng lãi suất tiết kiệm.


Số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền từ thiện sẽ được xử lý ra sao?

Số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền đó về mặt danh nghĩa thuộc về chủ tài khoản. Tuy nhiên xét về thực tế, người đi làm từ thiện với tâm trong sáng thì số tiền lãi đó họ cũng sẽ dành cho việc từ thiện. 

Việc mạnh thường quân gửi tiền cho nghệ sĩ Hoài Linh không phải là một giao dịch tặng cho cá nhân nghệ sĩ, mà chỉ nhờ anh với uy tín của mình đi phân phát giúp họ tới những người khó khăn về lũ lụt. Chính vì vậy, từng khoản tiền nhỏ trong số 13,4 tỷ đồng không có khoản tiền nào thuộc quyền sở hữu của nghệ sĩ Hoài Linh, trừ khi trong giao dịch chuyển khoản có người nào đó xác nhận là cho anh thật. Chính vì tiền không phải của nghệ sĩ Hoài Linh cho nên tiền lãi phát sinh đương nhiên cũng không thuộc về anh, mà từng khoản lãi chia theo tỷ lệ sẽ thuộc về những mạnh thường quân đã đóng góp.

Tuy nhiên dưới góc độ các mạnh thường quân đã đóng góp khi đã góp tiền là từ thiện thì họ sẽ không quan tâm tới số tiền lãi này. Cho nên, trong thực tế số tiền lãi tiết kiệm có phát sinh từ con số 13,4 tỷ đồng kia cũng làm từ thiện theo ý chí ban đầu của các mạnh thường quân mà thôi.

Kết luận, xét dưới mọi trường hợp, tiền lãi phát sinh dù là lãi không kỳ hạn hay lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn thì số tiền lãi đó thuộc về các mạnh thường quân đã đóng góp.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM