Nghị sỹ Mỹ chỉ trích thói "nghiện" Twitter của ông D.Trump
Người đứng đầu phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đã chỉ trích thói quen đưa các tuyên bố về mọi vấn đề lớn của đất nước lên trang mạng xã hội Twitter của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội khóa 115 ngày 3/1, Thượng nghị sỹ Schumer cho rằng để "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại cần nhiều hơn 140 ký tự (số từ tối đa cho mỗi bài đăng trên Twitter) cho mỗi vấn đề."
Ông nhấn mạnh nước Mỹ đang đối mặt với những thách thức thật sự và phải được giải quyết một cách thực sự. Chính khách đảng Dân chủ cũng khẳng định không có gì sai trong việc sử dụng Twitter để giao tiếp với người dân Mỹ, song theo ông, có những vấn đề phức tạp và đòi hỏi sự cân nhắc và hành động cẩn trọng mà không thể được diễn giải chỉ bằng 1 bài đăng trên trang mạng xã hội này.
Đề cập cụ thể đến việc Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố đã "cứu" được 800 việc làm ở nhà máy Carrier tại bang Indiana, Thượng nghị sỹ Schumer nhấn mạnh hàng nghìn việc làm vẫn đang "rời khỏi" nước Mỹ mỗi tháng, cho rằng nỗ lực của ông Trump chỉ giải quyết phần "ngọn" của vấn đề chứ không phải vấn đề cốt lõi, và hoàn toàn không phải là một chính sách kinh tế.
Thượng nghị sỹ Schumer cũng khẳng định ông Trump và nội các mới sẽ không thể thành công nếu chỉ thông qua những chính sách mang lại lợi ích cho tầng lớp thượng lưu, những nhóm lợi ích đặc biệt hay những doanh nghiệp Mỹ.
Chính khách đảng Dân chủ cam kết các nghị sỹ của đảng này sẽ phối hợp với Tổng thống và đảng Cộng hòa để tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện hệ thống giao thông của nước Mỹ.
Sáng 3/1 theo giờ Mỹ (rạng sáng 4/1 theo giờ Việt Nam), Quốc hội lưỡng viện khóa 115 của Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã họp phiên khai mạc.
Hạ nghị sỹ Cộng hòa Paul Ryan đã được bầu lại làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ và sẽ tiếp tục lãnh đạo Hạ viện nước này trong vòng 2 năm tới.
Dự kiến, ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử vào ngày 20/1 tới, Quốc hội khóa 115 sẽ bắt tay vào một chương trình nghị sự bận rộn. Các vấn đề được cho là sẽ trở thành “điểm nóng” của chính trường Mỹ thời gian tới đó là số phận của chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare), chấn chỉnh lại các sắc lệnh và quyết định hành pháp mà phe Cộng hòa cho rằng đã bị lạm dụng dưới thời Tổng thống Barack Obama, xử lý nghi vấn Nga can dự vào cuộc bầu cử Mỹ và phê chuẩn hàng loạt đề cử nhân sự của tỷ phú Trump.