Nghị quyết Xử lý nợ xấu tác động ra sao tới ngành ngân hàng?

21/06/2017 19:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Điểm tích cực nhất trong nội dung Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này theo CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá là việc khẳng định lại quyền thu giữ TSĐB của TCTD.

Nghị quyết xử lý nợ xấu đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày hôm nay 21/06/2017 với tỷ lệ tán thành 86%. Theo đó, Nghị quyết có hiệu lực trong 5 năm và áp dụng từ 15/8/2017.

Nghị quyết xác định rõ không dùng tiền Ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu đồng thời tạo cơ chế cho các Ngân hàng xử lý nợ xấu. Phạm vi nợ xấu xử lý sẽ là toàn bộ nợ xấu ngân hàng, không kể nợ xấu thuộc TCTD yếu kém hay không, xử lý nợ xấu phát sinh đến 15/8/2017.

Mở nhiều cơ chế cho ngân hàng

Theo BSC, Nghị quyết xử lý nợ xấu khi được thông qua kỳ vọng sẽ giúp giải phóng 600.000 tỷ đồng nằm trong các khoản nợ xấu. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng nhận định xử lý nợ xấu nhằm giảm chi phí giá vốn tại các TCTD, qua đó giảm lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Hàng loạt các cơ chế sẽ được áp dụng cho ngân hàng, tổ chức tín dụng theo Nghị quyết này bao gồm quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến TSĐB; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu; cho phép mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cao, thấp hơn giá trị ghi sổ và phân bổ lãi dự thu, chênh lệch lỗ khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, …

Cụ thể, Nghị quyết xử lý nợ xấu khẳng định lại quyền thu giữ TSĐB của TCTD, bên nhận đảm bảo với thời hạn là 10 ngày sau khi bên giữ TSĐB không giao tài sản đảm bảo.

Nghị quyết cũng quy định cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng TSĐB của khoản nợ xấu của TCTD mà không yêu cầu văn bản xác nhận bên bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

Điều này, kỳ vọng giải quyết vướng mắc lớn nhất trong quá trình thu giữ TSĐB của TCTD, cũng như giúp các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn, với giá bán cao hơn. Đây là điểm mà BSC đánh giá tích cực nhất trong nội dung Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này.

Đồng thời, Nghị quyết cũng cho phép bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ nợ xấu của TCTD có quyền nhận thế chấp, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là TSĐB của khoản nợ đã mua, qua đó gỡ được các vướng mắc liên quan đến các khoản nợ có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đã được bán cho VAMC và các bên mua nợ khác.

Nghị quyết cũng giải quyết các vướng mắc theo quy định của pháp luật hiện tại liên quan đến các khoản nợ xấu bán cho VAMC có TSĐB là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà các dự án BĐS chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án đã được phê duyệt” hoặc chủ đầu tư chưa có đủ giấy chứng nhận “quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Việc được áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo cũng đã cho phép cho phép rút ngắn hơn trình tự giải quyết vụ án dân sự thông thường từ 3-7 tháng. Hiện tòa án áp dụng thủ tục rút gọn đối với các khoản nợ xấu đầy đủ hồ sơ, và có giá trị dưới 500 triệu đồng nhỏ hơn nhiều so với quy mô thực tế nhiều khoản nợ xấu của Việt Nam.

Nghị quyết cho phép mua bán nợ xấu, TSĐB của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường mở rộng đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ xấu, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. BSC kỳ vọng quy định này sẽ giúp giá bán nợ xấu, tài sản đảm bảo cao hơn và thời gian xử lý nhanh hơn.

Cùng đó, Nghị định cho phép phân bổ lãi dự thu và chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán khoản nợ từ 5-10 năm. Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính đối với các TCTD có gánh nặng lãi dự thu dồn tích lớn, giá trị các khoản nợ được bán dưới giá trị ghi sổ.

Nghị quyết tạo cơ chế cho tất cả các TCTD xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, do vậy, đối tượng tác động của Nghị quyết là toàn bộ các TCTD. Các cơ chế trong Nghị quyết được đánh giá có nhiều điểm tích cực, nhưng công ty chứng khoán này cho rằng các quy định này vẫn cần có nhiều văn bản hướng dẫn để hình thành cơ chế mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường công khai, minh bạch và đủ sức hút đối với nhà đầu tư.

Nhóm ngân hàng có nợ xấu , lãi, phí phải thu cao và TSĐB lớn được hưởng lợi?

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của Nghị quyết tới các ngân hàng thương mại, BSC xem xét dựa trên 2 phương diện, gồm quy mô tuyệt đối và tương đối của các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn và năng lực, kinh nghiệm xử lý nợ xấu thực tế của các NHTM.

Theo nhận định của BSC, Nghị quyết sẽ tác động mạnh đến nhóm các NHTM có nợ xấu nội bảng ngoại bảng, nợ xấu bán cho VAMC, lãi, phí phải thu cao và nhóm có giá trị TSĐB lớn.

Nghị quyết Xử lý nợ xấu tác động ra sao tới ngành ngân hàng? - Ảnh 1.

Quy mô nợ và tài sản đảm bảo - Nguồn: BSC

Thống kê của BSC cho thấy một số ngân hàng có quy mô các tài sản lớn như STB, BID, CTG và một số ngân hàng có tỷ lệ tài sản nói trên so với dư nợ cao là STB, VPB, SHB, EIB.

Các ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2, nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC, lãi, phí phải thu cao trên tổng dư nợ cao phải kể đến như ngân hàng Quốc dân (NVB), Sacombank (STB), Eximbank (EIB), SHB,....

Nhiều ngân hàng hiện đang giữ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản nợ ở mức cao. Tỷ lệ này ở NVB là 324%, MBB là 320%.

Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM