Nghẹn ngào lời tự sự của một người mẹ: "Cuối cùng, tôi cũng chấp nhận con tôi không cần thiết phải là con nhà người ta"

31/12/2020 13:31 PM | Sống

Chúng ta cần phải chấp nhận một sự thật rằng: Khi lớn lên, con chúng ta vẫn chỉ là một người bình thường mà thôi

01 

Một người mẹ đã nói với tôi rằng: "Chúng ta cần phải chấp nhận một sự thật rằng: Khi lớn lên, con chúng ta vẫn chỉ là một người bình thường mà thôi."

Tôi nghe mà thấy thấm thía biết bao. Tôi lại nhớ về chuyện thời đi học của con tôi. Đó là khi con tham gia ứng cử làm cán bộ lớp. Trong mắt của một đứa trẻ mới vào lớp một, được làm cán bộ lớp là một chuyện rất đỗi tự hào. Để khích lệ con hăng hái tham gia hoạt động và thể hiện bản thân, chúng tôi đã động viên con đi ứng cử. Chúng tôi đã kể cho con nghe chuyện mình được làm cán bộ lớp hồi đi học.

Ngày ấy, tôi được cô giáo chọn làm lớp phó lao động. Mọi người hay đùa rằng do tôi hay quét lớp hộ người khác nên mới được ngoại giao cho cái chức này. Vợ tôi thì được làm lớp trưởng trong nhiều năm liền. Nghe những lời này, chắc con cũng cảm nhận được sự kỳ vọng của bố mẹ vào mình. Con quyết định tham gia và hỏi tôi nên làm như thế nào. Tôi nghĩ con thích đọc sách và học tập nên khuyên con chọn làm lớp phó học tập. Không ngờ con đã làm theo lời tôi nói. Dù con đã rất hào hứng nhưng kết quả lại không như mong muốn. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến con.

Năm sau, con vẫn tiếp tục đăng ký ứng cử làm cán bộ lớp. Con còn phân tích tình hình lần này cho chúng tôi nghe. Ban đầu, cô quy định sẽ chọn ra hai bạn làm lớp phó học tập. Một bạn nữ vốn đã được chọn nhưng bạn ấy lại đang làm tổ phó. Theo suy nghĩ của con, bạn ấy sẽ không thể kiêm hai chức vì không còn thời gian để học tập, chức lớp phó học tập sẽ mặc định được giao cho con ngay cả khi số phiếu của con ít hơn. Nhưng kết quả, con đã thất bại và bạn nữ kia được kiêm hai chức. Chúng tôi khuyên con tích cực học tập và giao lưu với bạn học trong lớp để tiếp tục ứng cử vào năm sau.

Thực lòng tôi nghĩ con đã rất giỏi rồi, con luôn là số 1. Nhưng qua chuyện này, tôi mới nhận ra con mình cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường mà thôi.

Nghẹn ngào lời tự sự của một người mẹ: Cuối cùng, tôi cũng chấp nhận con tôi không cần thiết phải là con nhà người ta - Ảnh 1.


02

Vào tháng 10 mỗi năm, trường sẽ tổ chức hội thi thể thao. Đây chính là sự kiện mà con mong chờ nhất trong năm. Lần này, con tham gia thi đấu ở các bộ môn như: nhảy xa, chạy, … Dù đã rất cố gắng, con vẫn thất bại, thất bại ngay cả ở môn chạy tiếp sức – vốn là môn con tự tin nhất.

Hôm đó, tôi đã nói với con rằng: "Mỗi người đều có một thế mạnh. Những bạn trong đội tuyển đều là những bạn rất có năng khiếu."

Lúc ấy, con đã kể cho tôi nghe về chuyện bạn lớp phó thể dục đã xuất sắc đạt giải nhất ra sao. Rồi lại nói đến việc con ham đọc sách nên tích lũy được nhiều kiến thức. Trong đầu con là cả một quyển bách khoa toàn thư. Đúng vậy, dù con không có năng khiếu về thể thao nhưng lại có sở trường của riêng mình. Chúng ta cần phải chấp nhận sự thật này. Việc so sánh chỉ gây thêm phiền phức đến mà thôi.

Trước khi con đi học, mỗi bậc cha mẹ đều cho rằng con mình rất giỏi và thông minh. Từ viết chữ đến làm toán, cái gì con cũng giỏi. Con có thể đọc một bài mà không bị vấp chữ nào. Tiếng Anh con cũng biết nói được một vài từ. Nhưng khi con đi học, bố mẹ mới nhận ra có điều gì đó không đúng.

Trong khi con mình không dám, có những đứa trẻ bạo dạn lên sân khấu dẫn chương trình. Trong khi con mình vất vả học ngoại ngữ mới, có những đứa trẻ đã nói Tiếng Anh nhanh như gió. Càng lên lớp cao, khác biệt giữa con và những người bạn đồng trang lứa càng được nới rộng. Các bạn cùng lớp đã đánh được đàn piano, nhưng con học mãi vẫn không thể đánh nổi. Khi thi viết chữ đẹp, các bạn khác đều viết chữ đẹp hơn con. Nhìn thấy con mình kém hơn lứa bạn cùng tuổi, lòng bạn bắt đầu cảm thấy bồn chồn và lo lắng. Hôm thi toán thi văn, cứ ngỡ với đề dễ thế này, con phải được điểm 10 tuyệt đối. Kỳ thi ấy quả thực có rất nhiều điểm 10, nhưng trong số đó lại không có tên con. Nhìn vào đề bài, tự hỏi sao con có thể làm sai những câu này được chứ?

Dù đang rất giận, nhưng bố mẹ vẫn phải cố giữ bình tĩnh để dặn dò con: "Lần sau con nhớ phải cẩn thận hơn nhé". Nhưng rồi mọi nỗ lực kiềm chế cơn giận của bố mẹ đều vô ích khi nhìn thấy con vẫn nhởn nhơ, chẳng mảy may quan tâm gì. Bố mẹ giận không chỉ vì sự vô tư đó của con mà còn bởi chính bố mẹ cũng đang bị vỡ mộng.

Nghẹn ngào lời tự sự của một người mẹ: Cuối cùng, tôi cũng chấp nhận con tôi không cần thiết phải là con nhà người ta - Ảnh 2.


03

Một người bạn cũ của tôi vốn là con một. Bố làm hiệu phó, mẹ làm giáo viên trong trường. Vì vậy, cậu ấy luôn được các thầy cô ưu ái, là ngôi sao sáng của trường. Thầy giáo từng nói sau này lớn lên, cậu nhất định sẽ không thể nào là một người tầm thường.

Hồi tiểu học, thành tích của cậu luôn đứng nhất lớp, nhất trường. Đến trung học, cậu cũng được vào học ở một trường điểm. Ai cũng nghĩ cậu ấy sẽ chọn thi vào một trong những trường đại học lớn của cả nước. Nhưng nghe nói, cậu ấy đã chọn học ở một trường nghề và rồi trở thành một công nhân cơ khí.

Thật ra có thể sống một cuộc sống bình thường và chăm chỉ như cậu ấy cũng rất tốt rồi. Nhưng bố mẹ cậu thì lại không thể chấp nhận được chuyện con mình chỉ là một công nhân. Họ cứ nghĩ là do cách giáo dục của mình có vấn đề nên con mới như vậy. Bố của cậu còn nói, cuộc đời này ông có một nuối tiếc chính là không thể nuôi dưỡng cậu nên người. Con tôi thông minh như thế này mà lại chỉ là một công nhân bình thường thôi sao? Mọi người đều nghĩ là do cậu lười nên mới thành ra như vậy. Nhưng chẳng ai biết nguyên nhân thực sự là gì. Vì ai cũng sẽ quên mất rằng, đa số chúng ta chỉ là người bình thường mà thôi. Lúc nhỏ, chúng ta giỏi nhưng không có nghĩa là sau này chúng ta vẫn sẽ giỏi.

Nghẹn ngào lời tự sự của một người mẹ: Cuối cùng, tôi cũng chấp nhận con tôi không cần thiết phải là con nhà người ta - Ảnh 3.


04

Chúng ta cần phải chấp nhận sự thật này dù không muốn. Con của mình chỉ là đứa trẻ bình thường và sau này nó vẫn sẽ là một người bình thường. Thần đồng chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng triệu trẻ em trên Trái Đất này.

Bố mẹ đừng tùy tiện chê bai cũng như khen ngợi con vô cớ. Bởi sự tung hô của bố mẹ sẽ dung túng cho thói ham hư vinh của con trẻ. Hơn nữa, nó cũng sẽ khiến các bậc phụ huynh quên đi ý định nuôi dạy con cái của mình. Trước khi con đi học, chỉ cần có thể đọc được một câu chuyên là cả nhà đã không ngớt lời khen con. Có ngày, con hỏi ông bà: "Ông bà có biết nơi lạnh nhất trên thế giới là ở đâu không ạ?" Một câu hỏi nghe thôi là đã biết đứa trẻ ham học hỏi đến mức nào. Khi con đưa ra đáp án, con lại nhận được một cơn mưa lời khen từ ông bà.

Nhưng bạn cũng không cần phiền lòng khi thấy con mình chẳng có gì nổi bật. Hãy thử nghĩ xem chính bạn cũng chỉ ước là con có thể khỏe mạnh và vui vẻ mà trưởng thành thôi sao? Đây không phải là lời từ an ủi mình. Vì nhiều lúc, bình thường hóa ra lại là hay nhất.

Nhiều người nói phải ép con học cái này học cái kia, không ép thì không được. Họ còn sợ sau này con sẽ quay ra trách mình vì năm xưa đã không ép con học. Trách nhiệm của bố mẹ chính là nuôi dưỡng con cái để con trở thành người có ích cho xã hội. Bố mẹ không thể không nghiêm khắc với con. Nhưng chúng ta cũng cần lắng nghe những mong muốn và suy nghĩ của con. Để biết được con giỏi ở đâu và thích làm cái gì. Bên cạnh đó, bố mẹ vẫn cần phải cân bằng hai khía cạnh nghiêm và hiền trong việc giáo dục con. Dù đây vẫn luôn là vấn đề nan giải của các bậc phụ huynh.

Bố mẹ đừng quá ép con, yêu cầu con nhất định phải thế này thế kia. Sau cùng, con có thể sống một cuộc đời bình an hạnh phúc mới là điều tốt đẹp nhất. Tham vọng cũng không thể quan trọng bằng hạnh phúc của con. Mong các bậc cha mẹ hãy vững tâm trong hiện tại và hãy nuôi dưỡng con bằng cả trái tim mình.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM