Nghệ thuật làm mẹ thâm thúy của người Do Thái: Đừng làm quản gia, hãy là một quân sư cho con
Cha mẹ không tin con, chuyện gì cũng quyết định thay con chẳng khác nào tự tước mất cơ hội phát triển của con. Nếu tiếp tục "sống thay" con theo cách đó, đừng hỏi vì sao những đứa trẻ cứ lớn lên những mãi chẳng thể trưởng thành.
Hãy cho con quyền tự lựa chọn
Sinh con, nuôi dạy con nên người quả thực là một niềm hạnh phúc nhưng cũng là một cuộc chiến đối với những người làm cha mẹ. Có người vì quá nuông chiều, chăm sóc cho con từng chút một mà đứa trẻ lớn lên như một "thai nhi quá hạn", lớn về thể xác nhưng chẳng hề trưởng thành, không đủ kỹ năng để sống độc lập. Khi đó, họ lại tiếp tục che chở, "sống thay" cả cuộc đời cho con.
Theo người Do Thái, nghệ thuật làm mẹ thâm thúy nhất không phải là trở thành một tổng quản ôm đồm hết mọi việc, mà phải là một quân sư có trách nhiệm "quan sát, nhắc nhở, tham mưu" cho con. Cha mẹ luôn xác định mình ở vị trí tham mưu, đề cao kỹ năng tự phán đoán, tự lựa chọn nên trẻ có thể đối thoại thẳng thắn với cha mẹ.
Người Do Thái có một câu danh ngôn chí lý: "Cha mẹ không tin con, chuyện gì cũng quyết định thay con chẳng khác nào tước mất cơ hội phát triển tự do của con. Đợi đến khi con cần tìm đến bạn để hỏi ý kiến hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, bạn hãy đưa ra quyết định của mình cũng chưa muộn, ngược lại còn mang lại hiệu quả tốt hơn những gì bạn mong đợi."
Cách giáo dục phổ biến của nhiều gia đình hiện nay thường nhìn vào khía cạnh tương lai con có tiền đồ không, có tìm được việc tốt không, cuộc đời có suôn sẻ hay không. Nên hễ thấy trên truyền hình xuất hiện ca sĩ xuất sắc thì cho rằng làm nghệ thuật có thể tương lai sang chói nên cho ép con theo học các lớp năng khiếu...
Nào biết những người ấy nổi danh vì tìm được hướng phù hợp và trải qua biết bao nhiều khó khăn, phiền não và bài học xương máu mới có được thành công. Các bậc phụ huynh đừng chỉ sắp đặt cuộc đời con theo giá trị quan của mình.
Không ít phụ huynh thích chi phối, an bài, sắp đặt tất cả hướng đi của con em mình, bọn trẻ chỉ cần yên tâm học hành là được, còn những kỹ năng tự suy xét, kỹ năng tự lựa chọn, kỹ năng tự tìm kiếm bị xếp vào loại kỹ năng hạng hai, không được coi trọng.
Trong các gia đình Do Thái thì hoàn toàn khác, điểm nhìn của họ là buông tay con và bồi dưỡng kỹ năng suy nghĩ độc lập cho con. Họ coi học tập là nền tảng, chìa khóa mở ra cánh cửa trí tuệ, nhưng khả năng suy nghĩ mới có thể giúp trẻ bước ra thế giới rộng lớn. Do vậy, cha mẹ Do Thái rất coi trọng việc trao đổi tư tưởng, tình cảm với con, họ đối thoại, thảo luận cùng con, dẫn dắt khơi gợi con suy nghĩ.
Cha mẹ hãy làm "tham mưu" của con
Cha mẹ chỉ nên là quân sư, cung cấp sự giúp đỡ như định hướng chứ không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con hay ép chúng chấp hành mệnh lệnh. Không ít cha mẹ muốn ở bên con, không ngại lựa chọn, lo toan mọi điều cho con. Nhưng thực tế, họ không thể quyết định được mọi việc thay trẻ.
Cuộc đời không có công thức để tìm đáp án chính xác như một bài toán, nên cha mẹ chỉ có thể cung cấp cho trẻ nhiều động lực, rèn kỹ năng tự lựa chọn cho trẻ nhiều hơn, còn mọi phán đoán và lựa chọn đều phải do trẻ quyết định.
Điều mà cha mẹ cần làm là dựa vào kinh nghiệm sống của mình để giãi bày tâm sự cùng con: Con à, con hãy xem mình có hứng thú với cái gì, có năng khiếu gì? Con có thể có cuộc sống vui vẻ hay không? Con đã chuẩn bị tinh thần học tập suốt đời chưa? Là người cha người mẹ, chúng ta cần phải rèn luyện kỹ năng tự suy xét, kỹ năng tự lựa chọn, kỹ năng xây dựng hình tượng, kỹ năng tìm kiếm giá trị cho trẻ.
Phụ huynh hãy giao cuộc đời của con trẻ cho chúng tự chịu trách nhiệm, hãy để chúng tự phân bổ thời gian học tập và giải trí, tự lựa chọn ngành nghề tương lai, tự quyết định sử dụng hai mươi bốn giờ mỗi ngày như thế nào… Làm vậy có rất nhiều điểm tốt, nhất là về bồi dưỡng kỹ năng tự lập cho trẻ, một loại kỹ năng mà có dùng tiền chúng ta cũng không mua được.
Khi con trẻ có kỹ năng tự lập, cha mẹ sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm hơn, vì chúng biết tự giác làm việc mà không cần cha mẹ phải yêu cầu nhắc nhở, như vậy phụ huynh còn lo lắng điều gì nữa? Nhưng để đạt được hiệu quả này, các bậc cha mẹ cần phải nhớ, dù con trẻ có đưa ra những quyết định và hành động không giống với sự kỳ vọng của chúng ta, thì chúng ta cũng phải tin tưởng và ủng hộ chúng.
Bồi dưỡng kỹ năng lựa chọn cho con như thế nào?
1. Cha mẹ vừa khuyến khích con chấp nhận thử thách, vừa rèn luyện cho con sự can đảm khi đối mặt với hậu quả.
2. Cha mẹ nên bồi dưỡng trí tò mò cho con, không nên dạy chúng tất cả mọi việc. Cha mẹ hãy để cho con em mình tự trải nghiệm, thất bại cũng là bài học.
3. Cha mẹ phải trao quyền lựa chọn cho con cái để chúng tự làm chủ cuộc đời mình.
4. Cha mẹ phải tin tưởng con. Tin tưởng có tác dụng kích thích tinh thần trách nhiệm hơn so với trừng phạt.
5. Con trẻ cần phải luyện tập, phải mắc sai lầm và phải làm lại lần nữa. Cha mẹ bồi dưỡng kỹ năng lựa chọn cho con cái cũng giống như bồi dưỡng các kỹ năng khác, trẻ có thể phải ngã vài lần, sau đó mới có thể leo lên một nấc. Thất bại sau mỗi sự lựa chọn đều có thể bồi dưỡng tinh thần tự chịu trách nhiệm cho trẻ.
6. Cha mẹ hãy lắng nghe những ý nghĩ nhiều khi là kỳ quặc của con. Chưa biết chừng, những phát kiến lạ lùng của con trong mắt cha mẹ sau này sẽ trở thành những sáng kiến làm chấn động cả thế giới. Cha mẹ đừng giam giữ trẻ trong quan niệm cố định, chúng ta cần từ bỏ ý nghĩ bảo thủ, tiếp nhận "đứa trẻ làm việc theo sở thích", tán đồng và khen ngợi chúng nhiều hơn.
7. Khi bàn về kế hoạch tương lai của con, cha mẹ đừng tỏ ra lo lắng, sốt ruột, chúng ta hãy suy nghĩ cùng con và chọn thái độ đồng tình với ý kiến của con, không nên quá đề cao ý kiến của mình, vì những thứ cha mẹ cho là con đường tắt duy nhất để đi đến thành công, đôi khi lại trở thành vật cản trên con đường đi tới thành công riêng của chúng.
8. Tạo cho con cơ hội tìm hiểu thông tin và tự thể nghiệm, như chăm chỉ đưa con đi tham gia các cuộc triển lãm, trải nghiệm nghề nghiệp sinh động. Phụ huynh cùng con chú ý tới các thông tin về nghề nghiệp, giúp đỡ con xác định mục tiêu và kế hoạch cụ thể của mình.
* Tham khảo cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương, tác giả Sara Imas