Nghề ngồi "chơi" đất, kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày giáp Tết
Mỗi ngày, một người có thể làm được 1.000 đến 1.200 bịch bầu đất ươm cây với giá tiền công được trả khoảng 250 nghìn đồng.
Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được xem là "thủ phủ" ươm cây giống của xứ Nghệ. Thông thường nơi đây sẽ ươm các loại cây giống như tràm, keo, các giống cây công nghiệp...
Trong số đó, các xã như Kỳ Sơn, Tân Hương, Nghĩa Hành và dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh là nơi có nhiều trại ươm cây nhất huyện.
Nghề ươm cây rất đơn giản nhưng rất quan trọng bởi cây có tốt, khỏe hay không là nhờ vào giống lúc ươm cây.
Công đoạn ươm cây cũng khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự cẩn thận và kho léo. Trong đó công đoạn quan trọng nhất là đóng đất vào từng bịch nhỏ để ươm cây.
"Đất đạt tiêu chuẩn ươm cây thì phải chọn nơi phù hợp, giàu chất dinh dưỡng. Sau khi đưa về phải cho vào máy xay mịn đất rồi mới có thể đóng vào bịch để ươm cây", chị Lê Thị Nhàn chia sẻ.
"Làm cái này đơn giản, nhẹ nhàng như ngồi chơi với đất thôi nhưng tốn thời gian. Làm đất thì cũng bụi và bẩn. Ngày chúng tôi làm nhiều cũng kiếm được vài trăm nghìn", chị Trần Thị Hương (45 tuổi) chia sẻ.
Do phải tiếp xúc với đất, bụi bẩn nên các lao động sẽ dùng các găng tay, khẩu trang bị kín mặt mũi.
Đến giai đoạn chọc lỗ ươm hạt lại phải dùng bằng tay trần.
Mỗi chiếc bầu ươm cây hoàn chỉnh, người lao động sẽ được trả 200 đồng. Trung bình mỗi người một ngày có thể làm từ 1.000 đến 1.200 bịch bầu ươm cây.
Sau công đoạn đóng bịch đất, gieo hạt thì vườn ươm sẽ chăm sóc, bón phân, tưới nước để cây phát triển và mang ra thị trường bán.
Những ngày giáp Tết, khi mùa màng đã ổn định thì người dân lại tranh thủ ra các vườn ươm để làm kiếm thêm thu nhập để mua sắm tết. Tuy công việc đơn giản nhưng giúp được nhiều lao động có việc làm.