Y tá Việt Nam 'tiếp sức' cho các bệnh viện ở Nhật Bản
Trước tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản, lực lượng y tá ( điều dưỡng ) có trình độ từ nhiều nước châu á đang hứa hẹn mang đến những thay đổi cho các bệnh viện tại đất nước này.
"Sự có mặt của họ như một cú hích giúp chúng tôi thoát khỏi sự trì trệ", Sayaka Fujita - y tá 41 tuổi tại bệnh viện Sodegaura Satsukidai, thuộc quận Chiba, nói về những đồng nghiệp người Việt mà bà đang làm việc cùng.
Từ năm 1994, bệnh viện này đã đào tạo 10 y tá người Việt Nam theo một chương trình hợp tác giữa 2 quốc gia. Ngoài việc giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, sự có mặt của các y tá người Việt còn tạo hiệu ứng tích cực lên hoạt động của bệnh viện.
Người Việt, trong đó có nhiều phụ nữ được đào tạo chuyên môn bác sỹ ở Việt Nam, tỏ ra rất có năng lực. Họ theo học tại một trường điều dưỡng tại Nhật Bản trong vòng 3 đến 4 năm và vượt qua kỳ thi tuyển quốc gia dưới các điều kiện tương tự như các đồng nghiệp người Nhật Bản.
Họ cũng thành thạo các kỹ năng tiếng Nhật, một số thậm chí còn có thể dạy chữ Kanji (Hán) cho người Nhật.
Các y tá Việt cũng đã làm việc năng nổ tại nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm cả các phòng cấp cứu, nhưng đã một thời gian dài chưa về thăm quê nhà. Trong khi các nữ y tá Nhật thường ít do dự hơn khi rời công việc để đi nghỉ phép. Điều này đã tạo tác động tới các đồng nghiệp Nhật Bản, làm cho họ trở nên cân nhắc hơn đối với các kỳ nghỉ, và khiến cho khiến tỷ lệ nghỉ phép tại bệnh viện giảm sút đáng kể.
"Các Y tá Nhật Bản và nước ngoài giờ đây đã cùng tạo ra một môi trường giúp đỡ lẫn nhau để phát triển", Takahiro Yada, trưởng bộ phận kế hoạch của bệnh viện cho biết.
Bệnh viện Kashiwado, cũng ở quận Chiba, có hai y tá Việt Nam. Dinit Thị Chúc đã làm việc tại đây trong 11 năm, người còn lại là một y tá có thâm niên làm việc cũng đã 9 năm, người này hiện đang trong kỳ nghỉ thai sản. Chị Chúc, hiện nay 34 tuổi, đã chính thức được định cư tại Nhật Bản ba năm về trước và hiện đang sống tại Nhật cùng chồng và 2 con. Chị Chúc cũng được hưởng chế độ nghỉ thai sản đối với cả hai cháu bé.
Hai y tá người Việt Nam là "không thể thiếu đối với chúng tôi", y tá trưởng Kinuko Ogino nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo ra môi trường làm việc thân thiện đối với những nhân viên quan trọng".
Satsukidai và Kashiwado là 2 bệnh viện tiên phong triển khai chương trình thực tập viên bệnh viện tại Nhật Bản. Nhật Bản hiện đang trong tình trạng thiếu hụt y tá và nhân viên y tế, nguyên nhân chính là do có nhiều người dân Nhật không muốn làm việc trong môi trường khó khăn hoặc vì những lý do ngoại cảnh như hôn nhân hay sinh con, trong khi đó dân số Nhật Bản lại đang già đi nhanh chóng.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi ước tính phải cần đến 2 triệu y tá mới đủ đáp ứng nhu cầu tại các bệnh viện, cơ sở y tế hoặc các dịch vụ chăm sóc tại nhà vào năm 2025, tức là phải cần thêm 500.000 ý tá nữa mới đáp ứng được nhu cầu.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã bắt đầu chấp nhận những y tá có tham vọng và những phụ tá từ Indonesia cho mục đích đào tạo vào năm 2008 theo một thỏa thuận song phương giữa 2 nước. Kế sau đó là Philippines và Việt Nam cũng theo các thỏa thuận tương tự.
Khoảng 840 học viên đã được tuyển chọn từ 3 quốc gia trên cho đến nay và chỉ có 128 người đã vượt qua kỳ thi tuyển quốc gia, trong khi hơn 1.500 điều dưỡng viên cũng đã đặt chân đến Nhật Bản..
Tháng 8 mới đây, bệnh viện Satsukidai đã chấp nhận hai nam thực tập sinh người Việt thông qua một chương trình thỏa thuận giữa 2 nước. Cả hai đều đang nỗ lực học tập để có thể vượt qua kỳ thi quốc gia vào tháng 2 sắp tới.
"Tôi muốn làm việc tại Nhật Bản và học các kỹ năng điều dưỡng", học viên Nguyễn Sơn Hà, 27 tuổi, trả lời bằng tiếng Nhật, tuy chưa được "sõi" cho lắm. Hà mới chính thức học tiếng Nhật được 1 năm ở Việt Nam, trước khi đật chân đến Nhật Bản.
Việc tiếp nhận y tá người nước ngoài là một gánh nặng cho bệnh viện vì sẽ phải dạy tiếng Nhật cho họ gần như từ đầu, Yada - nhân viên thuộc bộ phận kế hoạch của bệnh viện cho biết.
Tuy nhiên, bệnh viện vẫn quyết định chấp nhận các thực tập sinh người Việt Nam bởi vì họ có bề dày kinh nghiệm và một hồ sơ tốt.
>> 5 điều không đâu làm tốt bằng Nhật Bản
Thái Nam