Vui buồn thưởng Tết

31/01/2015 16:30 PM | Nghề nghiệp

Vẫn còn không ít doanh nghiệp, đơn vị chỉ thưởng bằng hiện vật “cây nhà lá vườn”...

Mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay cao hơn khoảng 15% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đó chỉ là tổng thể. Nếu đi vào chi tiết mới thấy xung quanh câu chuyện muôn năm cũ này lại có không nhiều nụ cười...

Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tới giữa tháng 1/2015 phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước đã có kế hoạch thưởng Tết cho nhân viên, với mức bình quân là 5 triệu đồng/người.

Trước đó, đã có hơn 80% doanh nghiệp thưởng Tết Dương lịch cho nhân viên với khoảng 1,5 triệu đồng/người.

Khó có bức tranh chính xác

Thống kê mới nhất cho thấy, kỷ lục thưởng Tết năm nay thuộc về doanh nghiệp tại Tp.HCM với mức thưởng Tết Dương lịch là 583 triệu đồng và doanh nghiệp FDI tại Bình Dương với mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Mùi là 482 triệu đồng.

Trong khi đó, mức thưởng Tết cao nhất tại Hà Nội chỉ là 85,6 triệu đồng. So với năm ngoái là 709 triệu đồng, mức thưởng cao nhất còn thua khá xa.

Nếu chia bình quân thì theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức thưởng năm nay khoảng 5 triệu đồng/người, tương đương 1 tháng lương của người lao động.

Tuy nhiên, con số 13.000 doanh nghiệp được khảo sát chỉ chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, nên khó lòng coi con số 5 triệu đồng tiền thưởng bình quân nói trên là mức đại diện mà tất cả người lao động được hưởng.

Một thực tế tồn tại từ nhiều năm, đó là chỉ những doanh nghiệp có mức thưởng Tết tạm ổn thì mới báo cáo lên cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy sẽ rất khó có một bức tranh chính xác về tình hình thưởng Tết ở tất cả mọi doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh những doanh nghiệp có mức thưởng cao ngất ngưởng, còn nhiều doanh nghiệp chỉ thưởng cho người lao động những khoản tiền hết sức tượng trưng.

Ví dụ, một doanh nghiệp tư nhân ở phía Nam thưởng Tết với mức 30.000 đồng/người, được cho là mức thấp nhất. Qua khảo sát tại một số địa phương, vẫn còn không ít doanh nghiệp, đơn vị chỉ thưởng bằng hiện vật “cây nhà lá vườn”, hoặc thậm chí không có thưởng!

Ngay trong nội bộ một ngành cũng có sự phân hóa rất mạnh về khoản thưởng Tết.

Đơn cử như ngành giáo dục, mức thưởng Tết cho cán bộ, giảng viên các đại học năm nay khá cao. Giữ kỷ lục thưởng Tết cao nhất trong khối các trường tới thời điểm này là Đại học Công nghệ Tp.HCM, với mức hơn 100 triệu đồng/người. Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng thưởng tới 60 triệu đồng.

Ở khối đại học công lập, mức thưởng cũng từ 8-20 triệu đồng/người. Trong khi đó, mức thưởng Tết cho giáo viên tại tỉnh Nghệ An dao động 500.000 - 600.000 đồng/người đối với khối trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng khối trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì chỉ thưởng giáo viên vẻn vẹn 100.000 đồng.

Ngoài hai trường không thưởng Tết, còn có một vài trường nợ lương giáo viên từ 1 - 2 tháng.

Người ăn Tết to, kẻ lo... không có Tết!

Ông Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá: “Tình hình thưởng Tết vẫn không khả quan. Mặc dù kinh tế có hồi phục, tuy nhiên doanh số và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tốt. Mức thưởng Tết cao vẫn có nhưng mức trung bình và thấp còn nhiều”.

Do chế độ thưởng Tết hiện chưa được luật hóa, nên việc thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay ít đều chỉ phụ thuộc vào hảo tâm của người sử dụng lao động, hoặc tốt hơn thì tùy thuộc vào những thỏa thuận giữa giới chủ với người lao động.

Dù vậy, thưởng Tết lâu nay vẫn được mặc nhiên coi như một tập quán để giới chủ, người sử dụng lao động bày tỏ sự cảm ơn đối với người lao động, những cộng sự đã cùng chung sức vượt qua khó khăn trong suốt cả một năm.

Với quy định thưởng Tết căn cứ vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm, các chủ doanh nghiệp hoàn toàn nắm thế chủ động trong việc quyết định mức thưởng. Với cơ chế như hiện nay, người lao động không thể đòi hỏi sự minh bạch và công khai về tình hình tài chính. Do đó, họ không có căn cứ để đòi hỏi một mức thưởng Tết tương xứng.

Đáng chú ý, hiện không ít chuyên gia đã đề xuất cần luật hóa vấn đề thưởng Tết.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý: theo quy định pháp luật thì thưởng Tết không phải là một khoản bắt buộc, đây là khoản khuyến khích. Nhưng tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp khi làm ăn được đều có phương án lương thưởng.

Theo Bộ trưởng, nếu đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin, trước tiên người lao động nên kiểm tra lại xem trong hợp đồng đã ký có khoản thưởng hay không, khoản thưởng đó có công khai ở nơi làm việc không. Nếu có mà chưa thực hiện thì cần phản ánh với công đoàn để đôn đốc chủ doanh nghiệp thực hiện.

Trường hợp đã có trong quy chế mà chủ doanh nghiệp không thực hiện thì cần báo cáo với sở hoặc phòng lao động - thương binh và xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đóng, để can thiệp theo đúng quy chế của doanh nghiệp về vấn đề lương thưởng trong hợp đồng với người lao động.

>> Lương VN ở đâu trong 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á?

Theo Việt Huy

Cùng chuyên mục
XEM