Vui buồn nghề “tiên cá”
Muốn làm được nghề này, các nữ nhân viên phải buộc hai chân lại, mang một chiếc đuôi cá nặng 45 cân Anh (hơn 20 kg) và bơi trong các bể kính để cho khách tham quan thưởng thức.
Trên thế giới hiện đã có các hội nghị, các lớp huấn luyện và các buổi trình diễn về nghề “tiên cá”. Vậy chúng ta hãy xem thử bên trong nghề này có gì thú vị nhé.
Vài năm qua, nghề này đang có xu hướng phát triển mạnh. Muốn làm được nghề này, các nữ nhân viên phải buộc hai chân lại, mang một chiếc đuôi cá nặng 45 cân Anh (hơn 20 kg) và bơi trong các bể kính để cho khách tham quan thưởng thức.
Theo một ước tính của công ty Fast, ở Mỹ hiện có khoảng 1.000 người đang kiếm sống bằng nghề này. Đó không phải là một con số khổng lồ, nhưng chắc chắn là nó đang tồn tại, dù cho hơi thiếu ổn định. Kéo theo đó là sự ra đời của các công ty chuyên sản xuất các đuôi cá, các lớp huấn luyện và những hội nghị về nghề này. Thậm chí là vào tháng 9 năm 2016 sẽ có cả một lễ hội dành riêng cho các nàng tiên cá.
Dù không phải chịu áp lực ngồi trong văn phòng cả ngày, lại được tung tăng bơi lội dưới nước, nhưng nghề này cũng có nhiều điểm khiến các cô gái “chùn chân” khi muốn bước vào: chỉ cái đuôi cá bằng silicon phù hợp với mình cũng đã mất 2.700 USD, và để bơi được thì hầu như ai cũng phải qua vài khóa học với chi phí thêm khoảng 40 USD.
Tạp chí Fortune đã có cuộc trò chuyện với ba cô gái đang làm nghề này và được nghe họ kể về những vui buồn của mình.
1. Linden Wolbert - “Tất cả những gì tôi có thể làm là mơ về đại dương”
Linden Wolbert luôn cảm thấy thoải mái khi ở dưới nước hơn là trên cạn. Mặc dù học về điện ảnh và đã có tấm bằng từ trường đại học Emerson danh giá nhưng cô vẫn chọn trở thành một “nàng tiên cá” chuyên nghiệp. Hiện nay, cô cũng đã tự sản xuất những video về nghề này.
Cô được xem là “người tiên phong” trong lĩnh vực này vì đã biến nó thành một nghề có thể sống được. Trong lúc hành nghề cô tập trung giáo dục cho trẻ con về bảo tồn biển và những quy tắc an toàn khi ở dưới nước. Mặc dù không tiết lộ thu nhập nhưng cô cho biết là quãng thời gian khổ cực mà mình phải chịu đựng đã xa. “Cuối cùng thì tôi cũng có được chiếc xe hơi lần đầu tiên trong đời,” cô chia sẻ.
Dù cuộc sống tạm ổn về mặt thu nhập nhưng cô cũng thừa nhận rằng nghề này cũng khiến cho cô thỉnh thoảng cũng “trả giá” vể mặt sức khỏe. “Ra khỏi chỗ làm là tôi bị đau lưng, viêm xoang, và những loại mẩn ngứa khác,” cô nói.
Gần đây, cô hợp tác với công ty Body Glove International để cho ra đời một loại đuôi cá dành cho trẻ con, giúp chúng thỏa mãn được mơ ước làm tiên cá chỉ với giá 29,99 USD. Cô cũng thường xuyên được những vị khách nổi tiếng như Jessica Alba, Justin Timberlake và Jessica Biel mời đến trình diễn đều đặn. “Tôi biễu diễn tại nhiều tiệc sinh nhật của con cái họ. Đó là đam mê của tôi,” cô hạnh phúc cho biết.
2. Carli Goodworth - “Đó là giấc mơ của mọi bé gái”
Carli Goodworth là một trong nhiều “nàng tiên cá” đang làm việc tại công viên quốc gia
Weeki Wachee Springs ở Spring Hill, Florida. Công viên này đã có những buổi trình diễn của tiên cá tại nhà hát dưới nước của họ từ năm 1947. Goodworth hiện là một giáo viên thể dục toàn thời gian ở một trường trung học, nhưng suốt 11 năm qua cô vẫn theo đuổi giấc mơ từ thời niên thiếu của mình là được làm tiên cá ở đây, cho dù mỗi tuần cô chỉ làm có vài giờ.
Dù đôi lúc hoàn cảnh không ủng hộ và cũng phải trải qua nhiều nghể để kiếm sống và trang trải học phí nhưng nghề làm tiên cá bán thời gian này cũng giúp cô thỏa mãn được ước mơ của mình. “Mọi người đều biết đến các nàng tiên cá và có thể nói rằng tôi giống như là một người nổi tiếng ở đây vậy,” cô nói.
Goodworth kiếm được 13 USD/giờ, vì thế cô không xem nghề này là để kiếm tiền. cô cũng cho biết thêm là nghề này có những đòi hỏi rất cao về thể chất. “Để trở thành tiên cá, bạn cần phải khỏe. Để trình diễn được lần đầu tiên, hầu hết các cô gái phải luyện tập nhiều tháng trước đó, và phải mất cả năm mới bơi được khắp mọi nơi trong bể.”
Hiện Goodworth chưa có ý định bỏ nghề vì lòng nhiệt tình của cô dành cho nghề này vẫn còn. “Đó là một nghề kì diệu, vì nó mang cuộc sống trong câu chuyện thần tiên vào đời thực. Tôi thật sự hạnh phúc khi thấy khuôn mặt của các cô bé sáng lên khi chúng thấy một nàng tiên cá thật sự,” cô chia sẻ.
3. Mermaid Melissa - “Tôi chào đón sự hiếu kì”
Từng trải qua các nghề như huấn luyện nhân viên giải trí dưới nước, huấn luyện các động vật biển và cứu hộ, nên việc trở thành “tiên cá” cũng không có gì là ngạc nhiên lắm với Mermaid Melissa. “Trước giờ tôi vẫn được gọi là tiên cá vì tôi bơi giỏi và rất yêu đại dương,” cô nói.
Dù không tiết lộ mức lương nhưng cô cho biết công việc của cô đòi hỏi phải di chuyển thiết bị đến nhiều nơi và phải đi lại nhiều, và cô thừa nhận rằng chi phí cho chuyện đó là không hề rẻ.
“Những vụ thuê bể bơi có tiên cá như thế đòi hỏi chúng tôi phải huy động cả nhóm để thực hiện. Hầu hết những gì tôi đang làm đều dính dáng đến chuyện đi lại,” cô cho biết.
Ngoài những yêu cầu cao về mặt thể chất, theo cô còn có một điều khác gây trở ngại không ít cho những cô gái muốn theo nghề này, đó là khả năng rất dễ bị bệnh do phải ngâm mình cả ngày trong nước lạnh. Tuy nhiên, cô thích nói đến những mặt tích cực của nghề này hơn: “Tôi thích phản ứng của đám đông trong suốt buổi trình diễn, và tiếp xúc với mọi người ngay sau đó. tôi luôn chào đón sự hiếu kì của họ.”