Thế hệ Y và "giấc mơ vỡ vụn"

26/12/2012 16:10 PM | Nghề nghiệp

Thế hệ lao động trẻ tuổi của nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt với thời kỳ tồi tệ của nền kinh tế Mỹ và cũng là nhóm nhận được ít lợi ích nhất khi kinh tế hồi phục.

Sau khi bị sa thải ở Manhattan hồi tháng 9 năm 2010, Christina Tretter-Herriger đã vượt 1.638 dặm để tới Texas. Nữ luật sư 32 tuổi đã bán các sản phẩm chăm sóc da ở Houston trước khi tìm được công việc mới là trợ lý luật sư tại 1 công ty giao dịch hợp đồng tương lai.  

18 tháng sau, Christina – vốn là con gái của 1 nhà vật lý học đã nghỉ hưu trong khi mẹ của cô là cựu phóng viên của tạp chí danh tiếng Vogue – quyết định quay trở lại New York và làm việc trong 1 văn phòng luật qui mô nhỏ với mức lương chỉ bằng 1/4 mức lương cũ (165.000 USD). 

Những lao động chuyên nghiệp thuộc thế hệ Y (thuật ngữ chỉ những người sinh ra trong những năm 1980 đến năm 2000) đang nhận thấy rằng những công việc vốn đem đến thu nhập cao giờ đây lại trở thành ngõ cụt đối với họ. Kể từ tháng 12/2007, thu nhập trung bình của nhóm người có độ tuổi từ 25 đến 24 đã sụt giảm tới 8%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao hơn từ 0,5% đến 1% so với mức trung bình của cả nước. 

3,5 năm sau khi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, khoảng cách chênh lệch về thu nhập cũng như tỷ lệ việc làm giữa những người dưới 35 tuổi và cha mẹ cũng như ông bà của họ đang đe dọa sẽ phá hủy giấc mơ các thế hệ sau sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ trước của người Mỹ. Thế hệ lao động trẻ tuổi của nền kinh tế lớn nhất thế giới là nhóm nhận được ít lợi ích nhất từ sự phục hồi của nền kinh tế.

‘Mãi mãi chệch hướng”

 “Thế hệ này sẽ mãi mãi bị bỏ lại phía sau và thậm chí có thể chỉ đạt mức thu nhập thấp trong suốt cuộc đời của họ”, Cliff Zukin – vị giáo sư đến từ Trung tâm nghiên cứu phát triển lực lượng lao động John J. Heldrich – nhận định. Theo ông, những người có trình độ cao làm trái ngành có xu hướng làm trái ngành và do đó kiếm được ít tiền hơn. Hơn nữa, họ sẽ không muốn làm lại từ đầu với chuyên ngành được đào tạo. 

Michael Greenstone, người đã từng là chuyên gia kinh tế trưởng tại Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng trong năm 2009 và 2010, người Mỹ đang kiếm được ít tiền so với bố mẹ của họ trong khi bức tranh kinh tế hiện nay đang  “gieo mầm” cho sự tiếp diễn của xu hướng này trong tương lai. 

Theo 1 nghiên cứu mới được công bố hồi đầu năm nay, chỉ 1/5 trong số những người tốt nghiệp đại học kể từ năm 2006 đến nay hi vọng sẽ thành công hơn bố mẹ của họ. Chưa đến một nửa số lao động trẻ tuổi làm việc full time trong khi chỉ có 1 trong số 5 người được hỏi cho rằng công việc hiện tại giúp ích nhiều cho con đường sự nghiệp. 

Việc làm biến mất

Tình hình thảm hại hơn rất nhiều đối với những người mới chỉ tốt nghiệp cấp III. Gần 4 trong số 5 ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi suy thoái chủ yếu sử dụng lao động chỉ có bằng tốt nghiệp trung học hoặc thậm chí thấp hơn. 

Trong khi đó, các việc làm mang lại mức thu nhập trung bình đang biến mất. Theo số liệu từ Bộ Lao động, số nhân viên tư vấn tài chính có độ tuổi từ 25 đến 34 đã giảm 40% kể từ năm 2007, cao hơn cả mức trung bình 30% đối với tất cả các ngành nghề đòi hỏi lao động có trình độ cao. 

Elizabeth Hallock, 33 tuổi và đã tốt nghiệp ngành luật năm 2009, cho biết đã từng rất tin tưởng rằng thị trường chứng khoán luôn luôn tăng điểm và nếu bạn thực sự làm việc chăm chỉ, bạn sẽ đạt được mọi thứ. Hallock là 1 trong 14 nguyên đơn đã nộp đơn kiện một số trường luật nổi tiếng của nước Mỹ. Họ cho rằng các trường này đã thổi phồng con số thống kê và tình trạng việc làm và thu nhập của các sinh viên sau khi tốt nghiệp. 

Kỳ vọng quá cao

Được nuôi dưỡng bởi các bậc cha mẹ thuộc thế hệ Baby Boomer vốn được coi là thế hệ vàng của nước Mỹ đồng thời thừa hưởng thành công của thế hệ trước đó là thế hệ X, thế hệ Y đã được đặt rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm qua, họ phải đối mặt với sự thực trần trụi của 1 nền kinh tế èo uột. 

Có thể cảm nhận rõ nét điều này trên thị trường lao động. Khoảng 61 triệu người (tương đương với 1/5 dân số Mỹ), đang làm các công việc với mức thu nhập bị sụt giảm so với năm 2007. Thậm chí, theo dự đoán, vào năm 2020, số lao động trong độ tuổi 55 đến 64 sẽ vượt quá số lao động dưới 24 tuổi. Đây là lần đầu tiên tình trạng này xảy ra kể từ chiến tranh thế giới thứ 2. 

Tình hình trở nên ảm đạm đối với cả những ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Cách đây 2 năm, Daniel White đang trong kỳ nghỉ tới Vermont khi một đồng nghiệp ở Groupon gọi điện cho anh thông báo anh sắp bị đuổi việc. 

White hi vọng sẽ kiếm được 2.000 USD với công ty start – up mới tự thành lập có trụ sở đặt tại Burlington, Vermont. White xem công nghệ là 1 con đường để kết nối với thế hệ của cha anh. 

Sự sụp đổ của thị trường nhà đất cũng khiến 1 bộ phận không nhỏ bị ảnh hưởng, trong đó có các kiến trúc sư trẻ tuổi. Kể từ năm 2007 đến nay, số kỹ sư trong độ tuổi từ 25 đến 34 đã sụt giảm tới 41%. 

Còn Hardi, 28 tuổi và vừa tốt nghiệp chương trình thiết kế kéo dài 5 năm tại California, đã được chuyển từ vị trí được trả lương theo giờ sang trả lương theo tháng. Tuy nhiên, điều này lại khiến anh bị cắt hết các khoản làm thêm giờ và thu nhập hàng năm bị sụt giảm 12%. Theo Viện kiến trúc Mỹ, từ năm 2008 đến nay, các công ty thiết kế ở Mỹ đã phải chứng kiến doanh thu sụt giảm 40% và nhân sự bị cắt giảm 1/3. 

Thu Hương
Theo TTVN/Bloomberg

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM