Sếp nhân sự ngân hàng: 'Làm NH không nhất thiết ban đầu phải học NH'

09/04/2013 08:35 AM | Nghề nghiệp

Kinh tế khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp gia tăng, làm thế nào để tìm được việc, nhất là đối với sinh viên mới ra trường? Trong một buổi tư vấn vừa diễn ra trong cuối tuần qua tại TPHCM với chủ đề “Làm thế nào để tìm được việc trong thời kỳ khủng hoảng”, lãnh đạo một số ngân hàng - nơi có nhiều… khủng hoảng trong thời gian qua - đã chia sẻ bí quyết.

Giúp sinh viên khởi đầu tốt cho sự nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cảnh tỉnh các bạn trẻ: “Đừng nghĩ vào ngân hàng là phải làm một chức gì đó! Một số bạn học giỏi, có may mắn nên có chức vụ, nhưng đại bộ phận chúng ta là người rất bình thường - như tôi chẳng hạn, vậy hãy bắt đầu bằng bất cứ công việc nào”. 

Là cựu sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, liên tưởng 20 năm trước mình cũng như các bạn sinh viên đang ngồi đây, ông Toàn kể thêm, ra trường, ông ngược xuôi xin việc. Khi vào ACB, ông cũng làm nhân viên bình thường ở nhiều bộ phận.

Điểm khác biệt quan trọng, ông nuôi ước mơ bằng mọi cách sau “5 năm lần thứ nhất” sẽ trở thành trợ lý tổng giám đốc. Theo ông Toàn, bằng mọi cách không phải là bằng thủ đoạn mà là kiên định với mục tiêu của mình. 

“Mục tiêu rất quan trọng. Nếu bạn không xây dựng một mục tiêu cho bạn thì người khác sẽ thuê bạn để thực hiện mục tiêu của họ” - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) Trần Xuân Hoàng bổ sung. 

Cũng như ông Toàn, ông Hoàng khuyên các bạn trẻ thay vì đặt ra câu hỏi “làm chức gì trong ngân hàng” thì hãy tìm cách “làm sao để bước vào trong cánh cửa ngân hàng”. Khi đã bước vào trong rồi thì hãy chấp nhận bất cứ công việc nào, bất cứ thử thách nào; có nhiều vị trí ở các bộ phận khác nhau cho các bạn thử thách và hãy làm tốt công việc được giao, dù bạn không thích.

Sau một thời gian, bạn sẽ được luân chuyển để hoàn thiện mình và có cơ hội thăng tiến. Trong thời gian đó, bạn trẻ hãy bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm. Đó là khoản đầu tư lớn nhất và chắc chắn bạn có lãi vì không ai lấy đi của bạn được.

“Làm ngân hàng không có nghĩa ban đầu tôi phải học đúng chuyên ngành ngân hàng. Vấn đề bạn là ai, bạn có giá trị gì? Bạn phải chứng minh được bạn có là cái nhà tuyển dụng cần, có giá trị cho tương lai của nhà tuyển dụng. Đó là năng lực, tố chất, tiềm năng của bạn. Nhà tuyển dụng muốn bạn tỏa sáng trong tương lai chứ không chỉ tỏa sáng trong buổi phỏng vấn” - ông Lê Hồng Phương, Giám đốc Khối Nhân sự Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chia sẻ.

Lãnh đạo các ngân hàng TMCP cũng bật mí, ngoài kiến thức, kỹ năng, nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao ý thức ứng viên. Ý thức ở đây là bạn trẻ phải tự tìm hiểu, tự trả lời khoảng cách cái bạn có và cái nhà tuyển dụng cần, chứ không phải ngồi trước nhà tuyển dụng rồi mới hỏi.

Ngoài bằng cấp, quan trọng là bạn trẻ phải tự học, không ngừng bổ sung kiến thức, kỹ năng để phát triển. Đơn vị tuyển dụng luôn tặng thêm “ngôi sao hy vọng” cho những bạn tự lập, có tư duy nhạy bén trước các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Theo Mạnh Hòa

duchai

Cùng chuyên mục
XEM