Nhân sự ngân hàng không còn “hot”?
Số lao động tuyển dụng thêm trong ngành ngân hàng đã giảm xuống đáng kể trong nửa đầu năm 2012.
Giai đoạn 2006-2007 có thể xem là thời kỳ sôi động của thị trường lao động ngân hàng. Theo ghi nhận của Vietnamwork về xu hướng cung cầu nhân lực trực tuyến thông qua trang web, nhu cầu về nhân lực các ngành bán hàng và tài chính/kế toán luôn thay phiên nhau dẫn đầu trong giai đoạn 2006-2007. Đồng thời, ngân hàng cũng dẫn đầu danh sách ngành có lượng hồ sơ nộp vào nhiều nhất.
Sở dĩ có sự tăng trưởng nhanh như thế là vì các ngân hàng thương mại trong giai đoạn này đã mở rộng quá nhanh, cả về quy mô tài sản lẫn mạng lưới chi nhánh, dẫn đến việc thiếu hụt nhân viên.
Chẳng hạn, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã tăng thêm 974 nhân viên trong năm 2006 và 900 nhân viên năm 2007 để đáp ứng nhu cầu mở thêm 33 chi nhánh và phòng giao dịch.
Hay Ngân hàng Quốc tế (VIB) trong năm 2006 cũng đã tăng số nhân viên từ 900 lên 1.700 người. Tính chung cả giai đoạn 2000-2010, lực lượng lao động của ngành ngân hàng đã tăng từ 67.500 người lên 175.000 người. Tốc độ tăng trưởng nhân sự hằng năm của giai đoạn này lên đến 10%.
Ngân hàng là ngành trả lương cao nhất, chỉ sau ngành dầu khí - khai khoáng trong năm 2012
Thế nhưng, suy giảm kinh tế trong những năm gần đây đã khiến cho nhân sự các ngân hàng biến động mạnh mẽ. Nếu như năm 2011, các ngân hàng tăng thêm hơn 11.000 người thì sang nửa đầu năm 2012, con số này chỉ khiêm tốn ở mức hơn 2.600 người (theo số liệu CafeBiz thu thập từ 14 ngân hàng). Tuy nhiên, ngay giữa các ngân hàng lại có sự phân nhóm rõ rệt. Chẳng hạn, Techcombank có số nhân viên giảm gần 500 người, trong khi ACB vẫn tiếp tục tuyển dụng, với gần 800 lao động.
Năm 2011-2012, ngân hàng đã rớt khỏi top nhu cầu nhân lực trực tuyến cao nhất trên trang Vietnamwork. Thay vào đó là ngành marketing. Xu hướng này có vẻ hợp lý, khi trong bối cảnh lượng hàng tồn kho cao như hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn đẩy mạnh quảng cáo để bán hàng.
Số liệu từ công ty cung cấp dịch vụ nhân sự Talentnet cũng cho thấy năm 2012, ngành dược phẩm có tỉ lệ tăng lương cao nhất, theo sau là ngành bảo hiểm, hàng tiêu dùng, vốn là những ngành “phòng thủ” trong giai đoạn khủng hoảng. Trên thực tế, theo Talentnet, các ngành này đều có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trở lại từ năm 2011, do hoạt động hiệu quả và có thêm nhiều công ty mới gia nhập ngành. “Xu hướng nhân sự trong vòng 5 năm qua rõ ràng có sự dịch chuyển theo biến động của nền kinh tế.” Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet, nhận xét.
Theo bà Trinh, hiện nay, đi cùng với sự thay đổi của nền kinh tế, các lĩnh vực như công nghệ thông tin, sản xuất, tiếp thị trực tuyến ngày càng phát triển. Do đó, nhu cầu nhân sự trong các lĩnh vực này cũng tăng đáng kể. Đây là những công việc thuộc khối sản xuất - công nghệ, đòi hỏi chuyên môn cao như kỹ sư phần mềm, kỹ sư nhiệt điện…
Một điều khá thú vị là cho dù rớt khỏi top về nhu cầu, nhưng ngân hàng vẫn là ngành trả lương cao nhất, sau dầu khí và khai khoáng, theo khảo sát của Talentnet. Đồng thời cũng là ngành có mức phụ cấp lao động cao nhất và có tỉ lệ tăng lương nằm trong top đầu. Thậm chí, mức chênh lệch giữa thu nhập lao động ngành ngân hàng với thu nhập trung bình của các ngành khác còn tăng mạnh trong giai đoạn 2011-2012.
Trong cuộc hội thảo nhân sự ngành ngân hàng gần đây, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ cắt giảm bớt nhân sự, nhưng chú trọng nâng cao chất lượng. Đây sẽ là tiêu chí mới cho việc tuyển dụng lao động ngành ngân hàng.
“Ngân hàng vẫn là trái tim của nền kinh tế, nên nhu cầu về lao động luôn cao. Khi kinh tế phục hồi, ngành ngân hàng - tài chính sẽ nóng trở lại. Vì vậy, sự chuyển dịch cơ cấu lao động chỉ thể hiện sự chuyển dịch của nền kinh tế trong một thời gian nhất định mà thôi”, bà Trinh nhận xét.
Theo Nhịp cầu đầu tư