Người trẻ châu Á: Từ bỏ "giấc mơ Mỹ" để trở về quê nhà

23/04/2013 13:58 PM | Nghề nghiệp

"Số phận" và "cơ hội" là lý do khiến Thomas Woo - Chủ tịch của chuỗi cửa hàng City Super - quyết định trở về quê nhà sau khi hoàn thành chương trình học ở Mỹ. 

Woo chỉ là một trong số nhiều doanh nhân thành công của châu Á. Họ là những người đã đi du học ở Mỹ hoặc đã từng làm việc trên phố Wall Street nhưng giờ đây quyết định trở về quê nhà. 

"Tôi đã định làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp nhưng sau đó định mệnh đã khiến mọi thứ thay đổi", doanh nhân gốc Hồng Kông trải lòng. Woo đã ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp trường Eastern Oregon State University. Tuy nhiên, năm 1996, anh trở về và cùng bạn bè thành lập City Super ở Hồng Kông, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên đối với các sản phẩm xa xỉ. 

"Tôi nhớ khi còn đang học ở Mỹ, mọi người đã bắt đầu nói về tương lai của khu vực vành đai Thái Bình Dương và Trung Quốc đang mở cửa. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã nhận ra rằng cơ hội đang mở ra", Woo cho biết thêm. 

Tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của châu Á và tầng lớp tiêu dùng ngày càng lớn mạnh ở những nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia chính là điều thôi thúc các doanh nhân gốc Á trở về quê nhà. Theo dự báo của OECD, đến năm 2022, qui mô tầng lớp trung lưu châu Á sẽ vượt qua cả tầng lớp trung lưu ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại. 

Danh sách các doanh nhân Trung Quốc thành đạt dưới 30 tuổi mà Forbes mới công bố có thể cung cấp một số ví dụ điển hình. 

Chen Ou, người đứng thứ hai trong danh sách, nhận bằng MBA từ đại học Stanford University trước khi quay trở lại Trung Quốc để thành lập trang bán lẻ mỹ phẩm trực tuyến jumei.com vào năm 2010. Hiện nay, jumei đã có tới 4 triệu người dùng, bán các sản phẩm đa dạng, từ Calvin Klein đến Elizabeth Arden.

Trong khi đó, Mykolas Rambus, CEO của Wealth-X (công ty nghiên cứu theo dõi tầng lớp siêu giàu), cho rằng châu Á mới chỉ trải qua 15 năm trong chu kỳ 150 năm tạo ra của cải. Điều đó có nghĩa là khu vực này vẫn là nơi lý tưởng để triển khai các ý tưởng kinh doanh. 

Khởi nghiệp 

Bắt đầu hoạt động kinh doanh ở nơi có triển vọng kinh tế sáng sủa không phải là yếu tố duy nhất tạo nên sức hấp dẫn của châu Á. Theo các chuyên gia, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cùng với mức thuế suất thấp và qui định lỏng lẻo ở Hồng Kông và Singapore khiến môi trường khởi nghiệp ở châu Á không khác mấy so với ở Mỹ. 

Dễ dàng tiếp cận nguồn vốn có nghĩa là các doanh nhân không cần phải đem ý tưởng của họ đến tận thung lũng Silicon xa xôi để chúng có thể trở thành hiện thực. 

Theo Rebecca Fannin (tác giả các cuốn sách Silicon Dragon và Startup Asia), kể từ năm 2005, số lượng công ty khởi nghiệp ở châu Á đã tăng vọt với ít nhất là 8.000 công ty được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm. Fannin  cho rằng một cuộc cách mạng đang diễn ra trên khắp châu Á, kể cả ở Hồng Kông - nơi vốn không phải là trung tâm cho các công ty khởi nghiệp. 

Trung Quốc đã trở thành thị trường đầu tư mạo hiểm lớn thứ 2 thế giới và theo sau là Ấn Độ. Trung Quốc cũng xếp thứ 4 về số lượng sáng chế mới được áp dụng, tăng mạnh so với số 10 của năm 2005. 

Các chuyên gia cũng nhận định những doanh nhân châu Á học tập hoặc được tôi luyện ở phương Tây có lợi thế rất lớn so với bộ phận còn lại. Theo Ringo Choi, chuyên gia đến từ Ernst&Young, để khởi nghiệp, bạn phải có đủ năng lực tài chính. Những người đã từng làm việc trên phố Wall hoặc ở thung lũng Silicon có thể tạo nên mô hình kinh doanh có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phương Tây. 

Tận dụng cơ hội

Từ xưa đến nay, Mỹ vẫn là nơi thu hút các nhân tài đến từ châu Á. Tuy nhiên, với luật nhập cư ngày càng chặt chẽ, mọi thứ thay đổi.

Theo Kauffman Foundation, ở thung lũng Silicon, tỷ lệ các công ty được thành lập bởi nhiều nhập cư đã giảm từ mức 52% trong giai đoạn 1995 - 2005 xuống chỉ còn 44% trong giai đoạn 2006 - 2012. Điều này cho thấy có vẻ như xu hướng dịch chuyển của nhân tài đang bị đảo ngược. 

Steven Pan, chủ tịch của Regent Hotel, đã rời khỏi vị trí tại một ngân hàng trên phố Wall để khởi nghiệp tại Đài Loan từ những năm 1990. Theo ông, Mỹ là môi trường lý tưởng để hoạt động trong ngành tài chính. Tuy nhiên, châu Á đem đến cơ hội ở nhiều lĩnh vực khác. 

Tuy nhiên, con đường từ bỏ "giấc mơ Mỹ" để quay trở lại quê hương không phải lúc nào cũng dễ dàng. Pan chia sẻ đã mất đi 50% thu nhập sau khi từ bỏ công việc tại phố Wall để quay trở lại châu Á. 

Một số người cho rằng môi trường ở châu Á khiến người ta khó chấp nhận rủi ro. Đồng thời, khó có thể tìm được chuyên gia bởi họ không muốn rời bỏ công việc hấp dẫn hiện tại để làm việc cho công ty khởi nghiệp còn non trẻ. 

Dẫu vậy, Pan vẫn cho rằng những lợi ích thu được trong dài hạn sẽ đánh bại rủi ro. Trở về quê nhà và tự làm chủ là điều tuyệt vời hơn nhiều so với việc bám trụ ở phố Wall.

Thu Hương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM