Nghề "phu gậy sân golf": Nơi của sự rạch ròi chủ - tớ

13/09/2012 07:21 AM | Nghề nghiệp

Có lẽ hiếm có sân chơi nào mà lại có sự rạch ròi của chủ - tớ như ở sân golf.

Theo đó, ông chủ là khách chơi, được mọi quyền với người phục vụ, còn caddy phải phục tùng một cách tuyệt đối, nếu không muốn bị đuổi việc hoặc bị quỵt tiền "bo" hậu hĩnh.

Caddy là phục tùng

Nguyễn Thị Phương, một caddy đã có gần 5 năm kinh nghiệm trong nghề (tại sân golf Đồng Mô, Hà Nội) tâm sự: "Gần 5 năm làm nghề, em phải trải qua những định kiến của người thân cũng như xã hội để tồn tại. Tất cả đều nghĩ chúng em là chân dài phục vụ đại gia, làm bệ cho người ta đánh, góp vui cho những trận cười nghiêng ngả...".

Theo Phương, đã chọn caddy là nghề thì phải chấp nhận sự phân định chủ - tớ rất rạch ròi. Và đã là phận phu gậy thì dù chân dài mấy đi nữa thì quy tắc chủ - tớ vẫn bất di bất dịch. Các caddy phải sống quen với những mệnh lệnh, chỉ phục tùng chứ không tranh luận. Các caddy làm việc trong tất cả các điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, nếu chủ yêu cầu. 

Caddy phải tuân thủ quy tắc và vị trí đứng của mình. "Caddy phải đứng trước mặt các golfer (gofl thủ) khi họ đánh bóng, không đứng sau lưng. Khi khách đánh, caddy phải vừa nhìn theo bóng vừa bước lại phía khách để nhận gậy và tranh thủ lau gậy! Đừng để khách chờ, họ sẽ bực. Với những ứng viên tập việc vào nghề, bị mắng, chửi là chuyện thường  như  cơm bữa. Caddy phải "nuốt" những ánh mắt lườm toé lửa hay câu chửi đến lơm giọng khi lỡ đưa nhầm gậy hoặc không tìm được bóng" - Phương chia sẻ.

Không phải, tất cả chủ đều thế. Có ông chủ rất tín mệnh và phong thủy. Caddy Phương kể: "Có lần, một khách VIP đánh mãi không vào được lỗ. Ông chủ hỏi tuổi của tôi. Ông ta nhẩm tính hồi lâu rồi nói: Tuổi cô và tôi khắc lắm, thảo nào tôi đánh mãi golf không vào lỗ. "Ông chủ này yêu cầu đổi caddy. Tôi hỏi, khách Việt, khách nước ngoài, ai "bo" và đánh độ nhiều hơn? Phương cho biết: "Khách nước ngoài đánh độ không thể hiện cho caddy biết. Khách Việt đánh độ, các caddy tự nhủ với nhau "chịu khó vậy", họ "bo" cũng sộp lắm. Nhưng có những ông chủ, máu hơn thua rõ ràng, họ trút cả sự thua vào caddy và xù luôn cả tiền "bo".

Caddy Trần Thị Nhung (làm tại sân golf  Đầm Vạc  - Vĩnh Phúc) ấm ức kể:  "Có lần banh cách cờ (đánh dấu lỗ golf) chừng gần 30m, báo khoảng cách xong, caddy đưa gậy để khách chip banh lên, nhưng cú đánh mạnh, banh bay về phía sau green, lăn dài xuống tận dưới chân dốc. Khách giận quá, mắng caddy: "Đ.M, bên kia green đổ dốc mà sao không nói." Nhung cho biết, bị chủ chửi, mắng và đánh nhẹ là chuyện thường.

Nếu như golfer phải tập luyện vài tháng mới cầm gậy ổn thì caddy cũng mất cả tháng học việc. Với caddy nữ, đường vào sân golf hành nghề và lập nghiệp đầy nhọc nhằn, cũng dài và xa như đường golf trên sân cỏ. Không chỉ vậy, tiêu chí đầu tiên để ứng tuyển vào làm việc tại các sân golf  là bạn phải sở hữu một đôi chân dài cùng với sức khỏe để có thể đi bộ trên 20 km/ca làm/ngày. Tại một sân golf nhiều khách nước ngoài chơi, các caddy phải vượt qua vòng sơ loại tiếng Anh. Song đó chỉ là bước đầu để trở thành các caddy thực thụ.

Một "chiêu" cũng được coi là kinh nghiệm của caddy lớp trước truyền lại là, từ khi là ứng viên vòng tuyển đầu tiên phải bộc lộ được bản lĩnh "trơ", không khoan nhượng trước mọi tình huống giả định của người quản lý sân golf đặt ra. Ngoài ra, ứng cử viên caddy phải tự tin bộc lộ vẻ sexy qua phong cách ăn mặc, trang điểm  để nhanh chóng lọt vào mắt xanh của người quản lý sân. Nhung cho biết, vòng sơ tuyển đầu tiên gồm các khâu: Đi lại vài vòng, đăng ký tờ khai và giới thiệu về bản thân, quê quán... Vòng này được đánh giá là "đơn giản" nhất nhưng quá  nửa ứng viên  "rụng".

Qua tìm hiểu của PV Người đưa tin, phần lớn những caddy "lành nghề" ở những sân golf nổi tiếng trong nước, ngoài chân dài ra, họ còn phải "hội tụ" các yếu tố như biết nghe lời người quản lý sân, biết "chiều" khách, biết nhịn nhục và "trơ". Chuyện caddy bị đại gia véo, cắn, tát má, tạt tai là "thường ngày ở huyện". Caddy Phương tâm sự: "Không biết nhịn nhục, không biết chiều lòng ông chủ thì chắc chắn ngoài lương là 70.000/phi/ngày thì không bao giờ có tiền "bo". Với chân dài thực thụ, hơn 2 triệu đồng/tháng, chỉ đủ tiền son phấn, làm sao có tiền để tồn tại, mua quần áo đẹp, hợp thời trang... Vì thế, muốn trụ được với nghề thì caddy bắt buộc phải nhẫn và "trơ".

Bài học đầu tiên là đi bộ và... nhổ cỏ

Caddy Phương cho biết: "Bài học đầu tiên của các caddy là dạo bộ khắp sân golf rộng vài ha để ... nhổ cỏ. Người quản lý phát dụng cụ để đi nhổ cỏ sân golf đồng thời giải thích để những caddy mới phân biệt được cỏ nhân tạo để giữ lại, nhổ đi cỏ tự nhiên. Công việc này tưởng đơn giản song để được coi là hoàn thành nhiệm vụ cũng vắt kiệt sức của caddy trong ca làm việc đầu tiên".

Theo caddy Phương, đi bộ, nhổ cỏ xong thì học lý thuyết và địa hình sân. Công việc của caddy không chỉ là mang túi gậy đi theo các đại gia chơi golf mà phải học thuộc địa hình sân, đoán hướng gió, nhìn hướng bóng để chỉ cho khách. Ngoài ra còn phải học đủ thứ "luật" rắc rối khác. Với nhiều khách không biết đánh golf, caddy đương nhiên trở thành người hướng dẫn cho khách. Ngoài ra, để gây áp lực phải thuộc bài cho caddy, quản lý sân thường tổ chức kiểm tra bất chợt. 

Sân golf  có khách là người nước ngoài đông thì caddy bắt buộc phải nhanh chóng thuộc những câu tiếng Anh thông dụng theo kiểu học bồi. Thật ra trước mỗi buổi kiểm tra tiếng Anh, caddy rất căng thẳng. Họ thường nhắc bài cho nhau theo kiểu người cầm vở, người nhắm mắt đọc các từ: one, two, three, What your name?... một cách vu vơ để bạn có thể nhại theo. 

Địa hình sân golf, caddy phải thuộc như lòng bàn tay để khi quản lý viên hỏi vị trí lỗ golf phải trả lời đúng ngay lập tức nếu không muốn bị sa thải, đuổi việc. Vì thực tế, caddy không có bất cứ ràng buộc nào với sân golf ngoài việc lãnh tiền lương cho mỗi phi (18 lỗ) là 70.000 đồng (trung bình một caddy làm mỗi ngày được một phi, tiền công tính vào cuối tháng).         

Theo Văn Hoàng - Đức Kế
Người đưa tin

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM