Nếu có đủ tiền, mua bằng quá dễ

08/10/2015 11:08 AM | Nghề nghiệp

Vùng Trung Á, rất nhiều sinh viên gần như không thể xin được việc hoặc khó theo học các chương trình cao học ở nước ngoài bởi bằng cấp của họ không được công nhận.

Mariam Malak là một học sinh giỏi 19 tuổi đến từ một ngôi làng ở miền Nam Ai Cập. Suốt những năm học phổ thông, cô đều đạt điểm cao gần như tuyệt đối trong tất cả các môn học, cô mơ ước mình sẽ trở thành bác sỹ.

Tháng 7 vừa rồi, Malak đã tham dự kỳ thi vào đại học Y. Cô đã làm bài rất tốt. Thế nhưng khi kết quả thi được công bố, cô nhận điểm 0 cho tất cả các môn thi. Như vậy có nghĩa là cô đã không làm được một câu nào trong tất cả 7 bài thi đầu vào.

Malak không khỏi hoài nghi về việc bài thi của cô đã được tráo với một ai đó đã dùng tiền và để mua chuộc kết quả thi để đạt điểm cao. Cô đã nộp đơn phúc khảo, tuy nhiên cô nhận được kết luận rằng chính cô đã viết ra những bài thi điểm 0 đó.

Không chấp nhận kết quả này, cô tiếp tục nộp đơn kiện lên tòa án yêu cầu thanh tra độc lập các bài thi viết tay. Luật sư của cô, ông Ihab Ramzi, tuyên bố: “Chúng tôi đang đấu tranh đại diện cho những sinh viên bị đối xử bất công trong hệ thống giáo dục của Ai Cập. Trường hợp này là minh chứng cho tình trạng tham nhũng tràn lan trong giáo dục ở Ai Cập.” Khi được phóng viên Bloomberg liên lạc để đề nghị làm rõ về vụ việc, Bộ Giáo dục Ai Cập đã từ chối.

Malak giờ được coi như nữ anh hùng của giới trẻ Ai Cập vì cô đã dám thẳng thắn đấu tranh với tình trạng hối lộ và gia đình trị tại nước này. Hàng chục nghìn người đã đăng tin nhắn ủng hộ trên tài khoản Facebook có tên “Chúng tôi tin Mariam Malak”. Nhiều người nổi tiếng tại Ai Cập đồng ý sẽ chung tiền để cho Malak đi học ở một trường đại học ở nước ngoài.

Trong kết quả nghiên cứu về tham nhũng của của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Ai Cập đứng ở vị trí 94 trên tổng số 175 nước được khảo sát. 67% số người được hỏi trả lời rằng họ tin tình trạng tham nhũng trong hệ thống giáo dục của Ai Cập là đáng lo ngại. Theo một báo cáo nghiên cứu khác cũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố năm 2013, tình trạng tham nhũng diễn ra tại phần lớn các cấp học tại nhiều nước trên thế giới.

Tham nhũng trong giáo dục không chỉ tác động tiêu cực đến những sinh viên giỏi, gia cảnh khó khăn, tệ nạn đó còn gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu về kinh tế, đó là nhận xét của ông Stephen Heyneman, giáo sư tại đại học Vanderbilt University, cựu chuyên gia nghiên cứu tại Ngân hàng Thế giới và cũng là người có nhiều năm nghiên cứu về tham nhũng trong giáo dục.

Ông Heyneman chỉ ra bất bình đẳng thu nhập vì thế sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi những sinh viên nghèo sẽ không thể thay đổi được cuộc sống của mình, bởi với nhiều người trong số họ, học là con đường thoát nghèo tốt nhất.

Cũng theo ông Heynemen, tình trạng mua bán bằng cấp ở nhiều nước phổ biến đến nỗi ở khu vực Trung Á, các tập đoàn đa quốc gia tự đưa ra các bài kiểm tra riêng để tuyển người làm nhằm tránh tuyển phải người mua bằng từ các tổ chức bán bằng ở địa phương.

Những ứng viên thi qua được các vòng kiểm tra này sẽ được đưa vào chương trình học nghề để nâng cao trình độ, kỹ năng. Khi phải tiến hành tuyển dụng qua quá nhiều khâu và tốn kém như vậy, nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn cách đưa quản lý của họ ở nước ngoài sang để tiết kiệm chi phí. Vì vậy những người có bằng cấp và kỹ năng tốt thực sự ở bản địa không có điều kiện để được tuyển dụng mà chỉ có thể làm những công việc bàn giấy. Theo ông Ararat Osipian, một chuyên gia kinh tế tại Ukraina, đó là một sự lãng phí nhân lực khủng khiếp.

Chính tại Ukraina, tình trạng gian lận bằng cấp diễn ra rất phổ biến. Mới chỉ năm ngoái, hiệu trưởng trường National Medical University in Kiev đã bị cách chức sau khi ông này bị phát hiện đã nhận hối lộ để nâng điểm cho sinh viên và phát hành khống các giấy chứng nhận y tế. Hiện nay Mỹ và châu Âu không công nhận bằng cấp trong lĩnh vực y dược của Ukraina.

Tại Nga năm 2011, một số giáo sư tại trường đại học Dược Pirogov đã bị cách chức sau khi Chính phủ phát hiện ra khoảng 2/3 trong số 700 suất học bổng của trường đã bị trao khống cho những sinh viên chưa hề tồn tại hoặc chưa bao giờ nộp đơn xin học bổng đó. Trên thực tế, các suất học bổng đó đã bị bán ra ngoài với giá 14 nghìn USD/suất. Trong quá trình dậy học, thậm chí nhiều giáo sư còn ăn tiền của sinh viên để cho phép sinh viên thi lại bao nhiêu lần tùy thích cho đến khi thi đỗ.

Việc nâng lương cho các giáo sư và giáo viên thường được coi như cách để giảm tiêu cực. Thế nhưng theo giáo sư Izhak Berkovich chuyên nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục tại đại học Open University of Israel, biện pháp đó không giúp giải quyết tận gốc vấn đề. Trong nghiên cứu mới nhất của mình được công bố vào tháng 9, tỷ lệ tiêu cực tại những nước đầu tư cao cho giáo dục lại khá cao. Ông chỉ ra càng bơm tiền vào một hệ thống vốn đã nhiều tiêu cực sẽ càng khiến tiêu cực tăng cao.

Chính vì tình trạng học giả bằng thật mà tại nhiều nước, trong đó có những nước vùng Trung Á, rất nhiều sinh viên gần như không thể xin được việc hoặc khó theo học các chương trình cao học ở nước ngoài bởi bằng cấp của họ không được công nhận.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM