Lương nhân viên ngân hàng sụt giảm
Cùng với làn sóng cắt giảm nhân sự, các nhà băng cũng tiết kiệm chi lương, có nơi giảm hàng nghìn tỷ đồng so với năm ngoái. Một số vị trí tưởng là hấp dẫn trong ngân hàng chỉ hưởng lương vài triệu đồng.
Chị Thúy, cựu nhân viên tại một ngân hàng cổ phần chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ làm ngân hàng thì lương cao, nhưng thực tế thì tôi cũng không dư giả mấy, phải tiết kiệm rất nhiều mới trang trải hết mọi nhu cầu cá nhân. Cảm giác chung là không đáng với công sức mình bỏ ra”.
Tốt nghiệp đại học và làm tại một vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng, lương khởi điểm của chị Thúy khi mới bước chân vào ngân hàng này là 3,5 triệu đồng, nửa năm sau tăng lên 4,5 triệu đồng, sau khi trừ đi các loại chi phí bảo hiểm, còn 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, chị cũng cho biết, không có cơ sở hay bất cứ văn bản nào đề cập chuyện tăng lương.
Hiện, theo chị Thúy, lương cơ bản mỗi tháng cho nhân viên quan hệ khách hàng dao động ở mức 4,5 triệu đồng, còn vị trí giao dịch viên tại nhà băng trên khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng.
Theo nhiều nhân viên ngân hàng, lương chưa hợp lý so với sức ép và cường độ công việc. |
Tại Ngân hàng ACB, một số nhân viên cho biết, cứ 6 tháng nhà băng này lại điều chỉnh tăng lương một lần, dựa theo năng lực cá nhân từng người, mỗi đợt tăng 10-20% lương cơ bản. Vị trí tuyển nhiều nhất là chuyên viên quan hệ khách hàng có mức lương bình quân 3-4 triệu đồng mỗi tháng.
"Thu nhập phụ thuộc vào năng lực từng cá nhân, nhưng nếu cả phòng mà hoàn thành đủ hoặc vượt chỉ tiêu thì mức tăng lương sẽ còn cao hơn", một nhân viên ACB chia sẻ. Người này cho biết, hiện, mức lương cứng của anh vào khoảng 3- 4 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể lương kinh doanh, và đã tăng 3 lần kể từ thời điểm vào ngân hàng.
Cũng theo anh này, mức lương bình quân cho vị trí giao dịch viên ở các ngân hàng cũng có sự khác nhau. Trong đó, một nhân viên giao dịch tại quầy của ACB sẽ có lương trung bình 6-7 triệu đồng mỗi tháng. "Trong 2 năm vừa qua, nhà băng đã tăng lương cho vị trí này khoảng 3 lần, mỗi lần ước tính 15%", nhân viên này nói.
Nhân viên một ngân hàng quốc doanh thuộc loại lớn nhất Việt Nam cho biết, thời điểm năm 2010, lương bình quân của nhà băng này là 11-12 triệu một người. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, mức bình quân xuống thấp chỉ còn vài triệu. "Nói chung vào ngân hàng bây giờ cũng không có nhiều tương lai", nhân viên này chia sẻ.
Theo báo cáo tài chính 9 tháng, khoản lương và phụ cấp của nhân viên Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank - mã chứng khoán CTG) đã bị cắt giảm trên 2.380 tỷ đồng (gần 47%), từ 5.084 tỷ đồng năm ngoái về 2.071 tỷ đồng năm nay. Với việc cắt này, trung bình thu nhập mỗi nhân viên Vietinbank bị cắt giảm gần 162 triệu đồng, khoảng từ 267,8 triệu về hơn 106 triệu đồng.
Cũng giống Vietinbank, lương và phụ cấp trung bình của Vietcombank (mã chứng khoán VCB) cũng giảm khoảng 23 triệu đồng trong 9 tháng, từ 174 triệu đồng năm ngoái về 151 triệu đồng năm nay. Tuy nhiên, mức giảm của Vietcombank là do lượng nhân viên năm nay cao hơn năm ngoái tới gần 1.900 người, còn tổng mức lương và phụ cấp của Vietcombank tăng thêm 42 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết, mức trả lương của ngân hàng phụ thuộc vào từng vị trí và theo năng lực của nhân viên. "Đầu năm nay, ngân hàng đã có đợt điều chỉnh lương cho nhân viên. Tùy vị trí sẽ có sự điều chỉnh khác nhau, có vị trí được điều chỉnh tăng 30%", ông Toại nói.
Một chuyên viên cao cấp ngân hàng cổ phần cũng cho biết, trên thực tế, mức bình quân lương chung tính cho toàn bộ nhân viên trong các nhà băng chưa thể phản ánh chính xác. Chẳng hạn, bộ phận quản lý, lãnh đạo lại có bình quân thu nhập cao hơn hẳn so với các vị trí nhân viên, thậm chí, mức thu nhập còn lên tới cả tỷ đồng, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Thừa nhận lương trong ngành không còn cao như trước đây, nhưng theo đại diện một ngân hàng cổ phần, dù sao mức thu nhập hiện nay của nhân viên ngân hàng vẫn cao hơn các doanh nghiệp khác 20%.