Diễn viên đóng thế: Nghề "ba không"

27/02/2013 14:40 PM | Nghề nghiệp

Không cơ hội nghề nghiệp, bảo hiểm tai nạn, sinh mạng hay đào tạo bài bản là những hạn chế của nghề đóng thế.

Vụ tai nạn thảm khốc của ông Lê Minh Phương - chuyên gia khói lửa - khi nhiều đoàn làm phim đặt ra câu hỏi: "Những người làm các công việc nguy hiểm trong phim sẽ được bảo hiểm như thế nào nếu xảy ra sự cố?". Bởi ngoài những người đảm nhận công việc nguy hiểm như ông Phương, trong điện ảnh còn một lực lượng khác đảm nhận những công việc có khi nguy hiểm bội phần - diễn viên đóng thế.

Trong một bộ phim, diễn viên đóng thế (cascadeur) là những người chịu nhiều nguy hiểm nhất từ các cảnh cháy nổ, nhảy lầu, đánh đấm, đâm xe… Thế nhưng, tại Việt Nam hiện nay, nghề diễn viên đóng thế không được bất kỳ đơn vị nào chịu bán bảo hiểm cho họ.

Không hội nghề nghiệp

Theo số liệu của Hội Điện ảnh TP.HCM, hiện nay tại TP.HCM có hơn 300 người tham gia đóng thế trong các đoàn làm phim, trong số đó có khoảng 100 diễn viên đóng thế chuyên nghiệp. CLB Cascadeur TP.HCM được thành lập từ năm 1992 và từng có ý định phát triển thành một chi hội cascadeur trực thuộc Hội Điện ảnh TP.HCM nhưng bất thành.

Năm 2009, việc thành lập chi hội cascadeur TP.HCM từng được đề cập. Ông Nguyễn Văn Đây, lúc đó là Bí thư chi bộ kiêm Phó Thanh tra Hội Điện ảnh TP.HCM, được nhiều trưởng nhóm cascadeur tín nhiệm đề cử làm chi hội trưởng cascadeur. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay chi hội này vẫn còn là dự kiến.

 
Cascadeur Anh Tuấn trong cảnh quay phóng xe máy chui qua gầm xe container trông như một vụ tai nạn giao thông.

Ước nguyện nghề cascadeur có được một mái nhà chung, có tiếng nói chung để bảo vệ quyền lợi của những người làm nghề là có thật. Những quyền lợi đó, ông Nguyễn Văn Đây cho biết: "Cascadeur là một nghề nguy hiểm, khó khăn mà diễn viên không dám hoặc không thể thực hiện nên họ cần người đóng thế. Trong khi đó, quyền lợi của cascadeur hiện nay không xứng đáng với công sức, sự mạo hiểm phải đối mặt. Chưa kể những quyền lợi khác của anh em làm nghề như giải thưởng hàng năm của hội chẳng hạn cũng không có. Nếu không có chi hội, anh em không được công nhận lao động bằng các giải thưởng. Còn tổ chức nơi tập luyện cho cascadeur vì hiện nay các nhóm đang rất khó khăn về sân tập".

Không bảo hiểm tai nạn, sinh mạng

Khó khăn lớn nhất của các cascadeur là việc mua bảo hiểm tai nạn và sinh mạng cho mình. Gần như không có công ty bảo hiểm nào dám ký hợp đồng với những người làm nghề đóng thế.

Nhà báo - cascadeur Lữ Đắc Long cho biết, anh từng liên lạc với một công ty bảo hiểm lớn tại Việt Nam để thảo luận về việc bán bảo hiểm cho các cascadeur. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu nghề cascadeur tại Việt Nam, công ty bảo hiểm này từ chối.

Anh cho biết thêm: "Nghề này quá nguy hiểm trong điều kiện làm phim ở ta còn lạc hậu. Việc giá bảo hiểm như thế nào, giám định tai nạn ra sao khi đóng thế cũng rất rắc rối. Do vậy công ty bảo hiểm tôi liên lạc đã từ chối bán bảo hiểm cho cascadeur".

Việc bảo vệ cascadeur tránh khỏi thương vong tại phim trường đều do chính các cascadeur tự… nghiên cứu. Cascadeur Hồ Hiếu thuộc nhóm cascadeur AXN, cho biết: "Chúng tôi đọc kịch bản rồi thỏa thuận với đạo diễn về các hành động diễn xuất. Sau đó tự lo phương án bảo vệ cho mình, ví dụ như nhảy lầu phải tự kiếm thùng giấy lót bên dưới để giảm chấn thương. Cách bảo vệ mình tốt nhất là tập luyện thật kỹ trước khi đóng thế nhưng không có gì đảm bảo là tai nạn không xảy ra".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đây vẫn có công ty chịu bán bảo hiểm cho cascadeur với điều kiện người làm nghề đóng thế phải là hội viên thuộc chi hội cascadeur. Đến nay, chi hội này của những người làm nghề đóng thế vẫn chưa thành lập được. Anh Lữ Đắc Long nói: "Người làm nghề cascadeur ai cũng cho mình là số 1 Việt Nam, thậm chí số 1 thế giới. Không thể thành lập chi hội cascadeur khi mỗi người đều cho mình là đệ nhất thiên hạ như thế".

Không được đào tạo bài bản

Hầu hết cascadeur ở ta hiện nay đều xuất phát từ tình yêu điện ảnh, ít người được đào tạo bài bản. Cascadeur Anh Tuấn, thường gọi là Tuấn "cầu mây" đến với nghề từ một vận động viên môn… cầu mây. Trong nhóm cascadeur của Anh Tuấn cũng mỗi người mỗi nghề khác nhau: Mai Song Tùng làm nghề xuất nhập khẩu, Lê Ngọc Nguyên - huấn luyện viên nhào lộn, Trần Minh Thường - sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Nguyễn Văn Cữu, Phạm Huy Sắc - huấn luyện viên võ thuật…

Cascadeur Hồ Hiếu cho biết, trong nhóm của anh, đa phần cũng đều đến với nghề đóng thế một cách "tự phát" như thế. Các thành viên đa phần học hành rất ít, trình độ lớp 10, 11 trở lại bởi một cascadeur giỏi võ thuật đâu có nhiều thời gian để học văn hóa và không có điều kiện để học diễn xuất.

Để tự nâng cao nghề nghiệp, đa phần các cascadeur phải tự học hoặc như nhóm cascadeur của Hồ Hiếu đã thuê thầy về dạy tại nhà. Anh đang định hướng cho các thành viên trong nhóm riêng trở thành những diễn viên hành động được diễn xuất trên phim thay vì chỉ đóng thế đầy nguy hiểm không ai biết danh.

Nói đến trình độ học vấn cũng như học nghề một cách bài bản của các cascadeur để thấy rằng, làm bất kỳ nghề gì nếu có trình độ văn hóa và học nghề đàng hoàng sẽ giảm thiểu tai nạn rất nhiều. Trước đó, vụ cháy thảm khốc tại trung tâm thương mại ITC ở TP.HCM hơn 10 năm trước xuất phát từ người làm nghề thợ hàn không qua trường lớp gây ra. Học hành bài bản cũng là cách hữu hiệu để tránh thương vong, nhất là nghề cascadeur nguy hiểm.

Theo Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM