'Chưa thể để mại dâm thành một nghề'
Cục phó Lê Đức Hiền. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Chiều 2/11, Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi. Phó cục trưởng Lê Đức Hiền cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, từ 2/7 cả nước đã dừng làm hồ sơ đưa người vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và thả dần những người đang ở các trung tâm này. Hà Nội có 209 người bán dâm đang ở các trung tâm, và dự kiến sẽ được thả trong khoảng 2 tuần tới.
Trước mối lo ngại tình hình an ninh trật tự bị ảnh hưởng và tệ nạn mại dâm bùng phát sau khi những người bán dâm được tự do, ông Hiền cho hay, đến ngày 2/7 cả nước có 803 người làm nghề mại dâm trong các trung tâm chữa trị, chỉ chiếm 5-6% so với số người bán dâm có hồ sơ quản lý, và chiếm 2-3% so với tổng số người bị nghi vấn bán dâm.
Số lượng này khi ra ngoài ít nhiều có tác động đến xã hội, nhưng hơn 90% người bán dâm đang ở ngoài xã hội, họ vẫn có bệnh, vẫn hành nghề. Theo ông Hiền, để đỡ lây lan bệnh tật, để giảm mại dâm, phải kìm hãm số người bán dâm mới, cung cấp kiến thức để họ sinh hoạt tình dục an toàn, đặc biệt, người mua dâm phải tự bảo vệ bản thân.
"Cách đây 2 ngày, tôi trò chuyện với nhóm Tự Lực ở Đê Tô Hoàng (Hai Bà Trưng) và họ thừa nhận ở một số nơi khi đưa người bán dâm ra ngoài thì tệ nạn này có xu hướng phát triển. Tuy nhiên, ngay cả khi không thả thì số người ở ngoài vẫn hoạt động. Trước bị bắt đưa vào trung tâm, họ bán dâm dưới sự bảo kê của nhóm xã hội đen và chia phần trăm, giờ bị bắt chỉ bị phạt nên họ cứ thế hành nghề mà không qua trung gian. Vậy vấn đề cốt lõi ở đây là quản lý", ông Hiền nói.
Theo vị Cục phó, mại dâm phải phòng ngừa từ xa bằng cách phát động phong trào tuyên truyền trong quần chúng, nói rõ tác hại, ảnh hưởng. Đặc biệt, phải tiếp cận với những người có nguy cơ cao như đang bị khủng hoảng gia đình, kinh tế khó khăn, kiểm soát các cơ sở dịch vụ và thay đổi bổ sung chính sách pháp luật về phòng chống mại dâm.
Khi được thả về cộng đồng những người này sẽ được phát tiền ăn đường, tàu xe, hỗ trợ tái hòa nhập. Người đang điều trị ARV thì được giới thiệu về địa phương tiếp tục chữa trị. Gái mại dâm trở về cộng đồng, số lượng vẫn không thay đổi, nên các cơ quan chức năng phải nỗ lực để tránh tăng thêm. Còn những người đang hành nghề thì cần bảo vệ họ không bị ma cô chèn ép...
"Phải duy trì biện pháp mạnh để mại dâm không thể bùng nổ. Số lượng mới không tăng, số lượng cũ giảm đi thì công tác phòng chống mại dâm sẽ giảm đáng kể", ông Hiền nói.
Nhiều năm qua, Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội đã nghiên cứu hợp pháp hóa nghề mại dâm, lấy ý kiến dư luận nhưng xét khía cạnh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, truyền thống đạo đức thì vẫn chưa thể thực hiện. Ông Hiền cho rằng, không đơn giản chỉ là vấn đề tập hợp gái bán dâm vào khu đèn đỏ rồi thu thuế, mà việc quản lý xã hội, ma túy, bóc lột, những khó khăn về luật pháp và thực thi luật pháp khiến chúng ta chưa thể để mại dâm thành một nghề.
Hiện cả nước có 3 trung tâm chuyên biệt chữa trị bệnh cho gái mại dâm, những trung tâm còn lại có cả cai nghiện ma túy. Sau khi thả gái mại dâm, các trung tâm xem xét chuyển đổi mục đích thành những trung tâm hỗ trợ chị em tự nguyện vào chữa trị, hoặc nương náu khi khó khăn, tư vấn bệnh tật, công ăn việc làm...
Theo báo cáo của Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, tháng 9/2012, cả nước đã giáo dục, chữa trị cho hơn 1.400 người bán dâm. 50 tỉnh, thành phố đang xây dựng thí điểm mô hình về phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Cả nước đã kiểm tra hơn 26.300 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện gần 8.400 cơ sở vi phạm và phạt tổng số tiền hơn 6,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo của 60/63 tỉnh thành, công an đã triệt phá 528 vụ hoạt động mại dâm, bắt giữ gần 2.000 người (gần 900 người bán dâm, gần 500 người mua dâm, còn lại là chủ chứa, môi giới). Tại các tuyến biên giới, bờ biển, bộ đội biên phòng đã bắt giữ, tiếp nhận và xử lý 133 vụ hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, giải cứu 177 nạn nhân.
Theo quy định của Luật xử phạt hành chính được Quốc hội thông qua, không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Đây là thay đổi lớn về quan điểm trong việc xử lý tệ nạn mại dâm. Sự thay đổi về mặt pháp lý này đã tạo điều kiện cho việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với nhóm người bán dâm, đồng thời giúp họ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội ở cộng đồng. |