'55 tuổi nghỉ hưu, chị em chưa kịp cất cánh đã phải hạ cánh'

27/02/2013 22:09 PM | Nghề nghiệp

Góp ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Lao động, nhiều đại biểu cho rằng rất bất công cho phụ nữ khi phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm, chưa kể mất 5 năm sinh đẻ, cơ hội nghề nghiệp vì thế giảm đi nhiều.

Phát biểu tại hội thảo tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tổ chức ngày 27/2 tại Hà Nội, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt lên 5 năm so với quy định hiện nay.

"Mọi người thường than thở có ít chị em làm lãnh đạo. Thế nhưng với quy định tuổi nghỉ hưu 55 như hiện nay, chị em chưa kịp cất cách thì đã phải hạ cánh. Và trong khoảng 30 năm làm việc cống hiến thì chị em đã mất 5 năm để sinh đẻ", bà Ninh nói.

Bà Ninh đề nghị, tuổi nghỉ hưu không phân biệt đối tượng, không nên đặt vấn đề có nguyện vọng thì mới được xem xét tăng tuổi nghỉ hưu vì sẽ không ai bày tỏ nguyện vọng đó. Cũng không nên đặt vấn đề có sức khỏe và đơn vị có yêu cầu vì thực tế có lao động nam 57 tuổi mà trình độ thấp vẫn làm, trong khi đó phụ nữ 55 tuổi còn sức khỏe, trình độ nhưng vẫn phải nghỉ hưu.

"Có người lo ngại cho sức khỏe của phụ nữ khi họ phải làm việc quá sức, nhưng lập luận đó là không ổn, nên tiếp cận theo hướng hiện đại. Còn nếu nói nữ nghỉ hưu sớm để tạo đầu vào thì không được, cả nam và nữ sẽ cùng nghỉ mới đảm bảo công bằng", bà Ninh nói.

Còn theo nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nam nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 60 là rất phù hợp, như vậy sẽ đỡ lãng phí nguồn lao động đang độ cống hiến tốt, bền vững quỹ bảo hiểm khi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng lên.

Theo nguyên Thủ tướng, cần đảm bảo quyền nghỉ hưu của lao động nữ, chỉ có phụ nữ được hưởng quyền ưu tiên lựa chọn về hưu ở độ tuổi 50 nếu ở các ngành nghề nặng nhọc độc hại, ở độ tuổi 55 ở môi trường làm việc bình thường, và được bảo đảm lương hưu như quy định. Nếu chị em có điều kiện tiếp tục làm việc thì sẽ làm cho đến 60 tuổi.

"Khi phụ nữ không sử dụng quyền nghỉ hưu ở độ tuổi ưu tiên là 50 hoặc 55 thì việc tham gia quản lý cần rà soát thời gian bổ nhiệm của nhiệm kỳ đó và lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá năng lực rồi mới quyết định việc có tham gia quản lý hay không", ông Khải đề xuất.

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cũng cho rằng, xu hướng lao động trí óc ngày càng chiếm tỷ lệ cao và phụ nữ không hề thua kém nam giới nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ là hoàn toàn thỏa đáng. Ngược lại, những người lao động chân tay thì cần được nghỉ hưu sớm hơn.

Ông Trọng dẫn chứng, theo báo cáo mới đây của Liên hợp quốc thống kê 142 quốc gia thì 51 nước tuổi nghỉ hưu của lao động nữ kém nam giới (thường là 5 tuổi, trong đó có Việt Nam), còn 91 nước tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như nhau. Khi kinh tế tri thức ngày càng phát triển, lao động trí óc chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế xã hội nên tuổi nghỉ hưu của nam và nữ ngày càng gần nhau.

Việt Nam kỳ vọng tuổi thọ trung bình đạt 80-83 tuổi. Như vậy nếu về hưu ở tuổi 60 thì nam giới còn được hưởng hưu trí 20 năm nữa, còn nếu về hưu ở tuổi 55 thì người phụ nữ được hưởng hưu trí 28 năm, đó là một con số rất dài. Trong khi đó, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiền đóng bảo hiểm xã hội trong 20 năm kể cả tiền lãi chỉ đảm bảo trả lương hưu cho 8 năm. Như vậy nếu nam giới sống thêm 20 năm kể từ khi nhận sổ hưu còn nữ giới sống thêm 28 năm thì nguy cơ vỡ quỹ là rất lớn, chưa kể tỷ lệ giữa người đóng bảo hiểm và người hưởng bảo hiểm đang giảm xuống một cách trầm trọng.

"Theo thống kê, năm 1996, cứ 217 người đóng bảo hiểm mới có 1 người hưởng bảo hiểm; đến năm 2000 thì có 34 người đóng bảo hiểm thì có 1 người hưởng và đến 2011 thì 9,9 người đóng bảo hiểm có 1 người hưởng. Vì vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một cách để chúng ta bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đó mới chỉ là yếu tố đầu ra. Yếu tố đầu vào của lực lượng lao động là rất lớn nên phải cân đối hài hòa giữa 2 độ tuổi này", ông Trọng lưu ý.

Điều 187, Bộ Luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 16/8/2012, có hiệu lực từ 1/5/2013 quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định trên. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Theo Hoàng Thùy
vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM