28 Tết: Đắng lòng nhân viên cửa hàng ‘dài cổ’ ngóng lương, thưởng

09/02/2013 10:00 AM | Nghề nghiệp

Ngày 28 Tết Nguyên đán, thời điểm này năm ngoái Liên đã ở quê trông nồi bánh chưng cho mẹ nhưng đến giờ này cô vẫn ‘đóng đinh’ đất thủ đô, ruột nóng như hơ mong ngóng lương, thưởng.

Khách tranh thủ săn hàng đại hạ giá

Thời điểm cận tết, nếu là một tín đồ mua sắm hoặc ham của rẻ, đảo qua mấy shop thời trang có thể bạn sẽ ôm về cả tá món quần áo với số tiền chưa quá 500.000 đồng. Chị Trần Bích Ngọc, nhân viên văn phòng tòa nhà VTC Online, 18 Tam Trinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hào hứng kể: “Tối qua tranh thủ đảo qua mấy cửa hàng mua quần áo làm quà cho mấy đứa cháu, dù không chủ ý mua nhưng mình đã lượm được 5 chiếc váy và một chiếc áo véc, mỗi cái giá 80.000 đồng”.

Còn bạn Tạ Thị Thu, sinh viên trường Đại học Ngoại thương, cho biết: “Nửa buổi về qua phố Chùa Láng, thấy cửa hàng đề biển giảm giá 40%, mình vào xem thử. Không ngờ mình lựa được một chiếc váy len giá 130.000 đồng và một chân váy công sở 70.000 đồng trong khi giá ghi trên mác phải từ 300.000 – 450.000 đồng mỗi chiếc mà chất cũng khá đẹp, chưa bị lỗi mốt. Mình còn mua được vài bộ đồ cho con nhỏ chỉ 100.000 đồng/bộ”.


Giải thích về chuyện tổng xả hàng này, hầu hết các chủ cửa hàng đều nói rằng họ cần thanh lý hết những hàng đã cũ để sang năm đánh hàng mới. Nhiều mặt hàng do để trưng lên cửa hàng nên bám bụi, khách chịu khó mua về giặt sạch đi mặc vẫn rất sang. 

Theo khảo sát của PV tại các cửa hàng Made in Vietnam trên phố Đại La, Minh Khai, Chùa Láng, Thái Hà, Chùa Bộc, có đến 90% các cửa hàng treo biển xả hàng với những cụm từ ấn tượng như “rẻ như cho”, “tổng xả hàng”, “thanh lý hàng Tết” khiến một số tín đồ mua sắm không có nhu cầu cũng tò mò vào xem. 

Nhân viên bán hàng dài cổ ngóng tết

Kinh tế khó khăn, hàng loạt shop thời trang ế ẩm mặc dù tích cực tung ra các chiêu khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút sự chú ý của người qua đường. 

Đi đến bất cứ con phố, ngóc ngách nào ở Hà Nội người ta cũng dễ dàng bắt gặp các biển giảm giá ở shop quần áo, đến nỗi cửa hàng nào không treo biển giảm giá mới bị cho là “kỳ cục”. Các chiêu khuyến mãi như mua 1 tặng 1, giảm 30-50% đã trở nên “lỗi thời”. Giờ đây, người mua chỉ dừng lại ở những cửa hàng treo biển giảm giá siêu độc, đôi khi còn thấy “tội nghiệp” như “thanh lý tết giá nào cũng bán”, “rẻ như cho”,…


Chân váy bò giảm còn 80.000 đồng tại một cửa hàng trên phố Đại La.

Tuy nhiên, có khi được giảm giá mạnh nhưng tâm lý khách hàng vẫn thích mặc cả thêm. Chị Nga (Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi “tia” chiếc quần jeans mặc tết với giá siêu mềm vẫn mặc cả thêm. Thấy nhân viên bán hàng đồng ý bán hai chiếc quần jeans và một chân váy bò với giá 210.000 đồng, chị bảo 200.000 trả tiền cho chẵn khiến nữ nhân viên thực sự bức xúc. “Chị đừng làm thế với em được không? Lương chưa được nhận. Em còn về quê nữa. Coi như năm nay em mất tết rồi”, cô nhân viên buồn bã nói. 


Váy Zara xuất đi nước ngoài được xả bán với giá 70.000 đồng.

Tại một cửa hàng bán đồ “made in Vietnam” trên phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Liên và Thùy, hai nhân viên bán hàng dường như không thể tập trung vào công việc nữa. Cả hai đang chờ chủ shop về thanh toán nốt tiền lương để về quê ăn tết.

Thùy, quê ở Phú Thọ, tâm sự: “Em chỉ mong họ trả đủ lương cho em là tốt lắm rồi. Có phải công chức như các chị đâu mà mong thưởng”. Còn Liên (sinh năm 1994), cho biết quên tận Nghệ An mà vẫn làm đến hết ngày 28. "Lương của em chỉ được 1,5 triệu, làm toàn thời gian, thu nhập chủ yếu từ hoa hồng nhưng bán cũng không được là bao. Chị chủ dặn hai đứa em chịu khó bán một chút, chị đi công chuyện tiện mua ít quà về cho hội em. Nhưng em không cần quà chị ạ, em chỉ cần được trả đủ lương thôi”.

Nghe đến đây người nghe không khỏi nhói lòng và thông cảm với những nhân viên này. Thiết nghĩ, giá những tiểu thương có thể đặt mình vào hoàn cảnh của những cô gái trẻ này để san sẻ phần nào những khó khăn, giúp nhân viên mình có thể hưởng một cái tết an vui thì ý nghĩa biết bao.

Diệp Vi

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM