10 quốc gia trả lương khủng nhất thế giới
Dẫn đầu danh sách này là Mỹ với hơn 42.000 USD mỗi năm, theo sau là Ireland và Luxembourg. Hàn Quốc là đại diện duy nhất của châu Á trong top 10.
Lương bình quân là thước đo tình hình tài chính của người dân một quốc gia. Con số này càng cao, họ càng được lợi do có nhiều tiền hơn để chi tiêu và tiết kiệm. Tuy còn nhiều yếu tố phải cân nhắc, như thuế, chi phí sinh hoạt, an ninh, phúc lợi, 10 quốc gia sau đây chắc chắn là sự lựa chọn định cư an toàn cho mỗi người dân.
Lương bình quân năm: 42.050 USD
Mỹ là quốc gia quyền lực nhất thế giới với tài chính và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và năng suất lao động tại đây cũng thuộc top đầu. Mỹ là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và xuất khẩu thứ nhì thế giới. Người dân nước này có mức lương trung bình 54.450 USD và lương khả dụng 42.050 USD, cao hơn năm ngoái 242 USD.
Lương bình quân năm: 41.170 USD
Ireland là nền kinh tế tri thức với các ngành dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao. Lực lượng lao động ở đây có dân trí tương đối cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng khá thấp. Với lương trung bình năm 50.764 USD và mức thuế phí thấp nhất châu Âu - 18,9%, lương khả dụng tại đây năm nay tăng 531 USD so với năm ngoái.
Lương bình quân năm: 37.997 USD
Tài chính và ngân hàng đóng góp phần lớn vào GDP nước này. Đây cũng là nơi tập hợp các quỹ đầu tư lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Từng nổi tiếng với thép, Thụy Sĩ hiện đã chuyển sang sản xuất hóa phẩm và cao su. Thu nhập bình quân năm của người dân nước này là 52.847 USD, cao hơn cả Ireland. Tuy nhiên, sau khi trừ thuế phí 28,1%, lương khả dụng chỉ còn khoảng 38.000 USD, giảm gần 1.500 USD so với năm ngoái.
Lương bình quân năm: 35.471 USD
Quốc gia này hoạt động mạnh trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, hóa phẩm và các nhạc cụ xa xỉ. Kinh tế Thụy Sĩ cũng phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, bảo hiểm, du lịch và các tổ chức quốc tế. Thu nhập bình quân năm là 50.242 USD, còn thu nhập khả dụng giảm 50 USD so với năm ngoái.
Lương bình quân năm: 34.952 USD
Australia chú trọng xuất khẩu hàng hóa trong 10 năm trở lại đây. Việc này đã cải thiện đáng kể cán cân thương mại của họ. Nước này đạt thu nhập bình quân năm 44.493 USD. Thu nhập khả dụng tăng 800 USD lên 34.952 USD năm nay.
Lương bình quân năm: 33.513 USD
Dịch vụ chiếm gần 75% GDP của Anh. Nước này cũng là điểm du lịch lớn thứ 6 và trung tâm tài chính lớn thứ hai trên thế giới. Thu nhập bình quân của người Anh là 44.743 USD một năm. Thu nhập khả dụng là hơn 33.000 USD, giảm 1.272 so với năm ngoái.
Lương bình quân năm: 32.662 USD
Canada là một trong số ít những quốc gia phát triển xuất khẩu ròng năng lượng do có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào. Họ cũng sở hữu các mỏ dầu lớn nhì thế giới, chỉ sau Ảrập Xêút. Ngoài ra, quốc gia Bắc Mỹ này còn là nhà sản xuất chính các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản. Thu nhập bình quân năm là 42.253. Thu nhập khả dụng là 32.662, giảm 648 USD so với năm ngoái.
Lương bình quân năm: 31.101 USD
Na Uy giàu tài nguyên dầu mỏ, thủy điện, thủy sản, lâm sản và khoáng sản. Nước này còn có hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí, tỷ lệ thất nghiệp thấp và năng suất lao động cao. Phần lớn các lĩnh vực chủ chốt trong nước đều do Chính phủ kiểm soát. Thu nhập bình quân năm là 43.990 USD, trừ thuế phí còn hơn 31.000 USD, tăng 913 USD so với năm ngoái.
Lương bình quân năm: 31.051 USD
Hàn Quốc là nước có xếp hạng cao nhất của châu Á trong danh sách này. Đây là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ đầu thập niên 60 đến thập niên 90. Hàn Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ 6 và nhập khẩu thứ 10 thế giới, do kinh tế phụ thuộc phần lớn vào ngoại thương. Đây cũng là nước sản xuất năng lượng nguyên tử nhiều thứ 5 thế giới, tạo ra 45% điện năng trong nước. Thu nhập bình quân của người dân nước này là 35.046 USD một năm, trừ thuế phí 12,3%. Lương khả dụng tại đây tăng 1.341 USD so với năm ngoái.
Lương bình quân năm: 29.269 USD
Thu nhập bình quân năm của người dân nước này là 47.056 USD. Sau khi trừ các khoản thuế phí lên tới 37,8%, thu nhập khả dụng của họ vẫn đạt gần 30.000 USD. Thực phẩm, thiết bị điện, du lịch, máy móc và hóa phẩm là các lĩnh vực thống trị nền kinh tế nước này. Hà Lan sở hữu cảng biển lớn nhất châu Âu tại Rotterdam, có vị trí chiến lược do nằm gần Anh và Đức.