Nghề huấn luyện viên bóng rổ: Đánh đổi nhiều, còn thu nhập thì sao?
Bóng rổ đang dần trở thành môn thể thao hút khán giả, bạn có tò mò về nghề nghiệp của những người đứng sau thành công của những cầu thủ trẻ không?
Tại SEA Games 30, giấc mơ chạm đến huy chương của bóng rổ Việt dường như chỉ là viển vông. Đến SEA Games 31, dù đánh rơi huy chương vàng vào tay đối thủ Thái Lan đầy duyên nợ, tuyển bóng rổ nam và nữ vẫn được đánh giá cao khi vào đến chung kết SEA Games và thành công đổi màu huy chương.
Bước ra từ những giải đấu lớn, bóng rổ cũng đang là bộ môn có sức hút với giới trẻ. Có thể nhìn thấy rõ nhất sức ảnh hưởng của quả bóng cam từ những khán đài chật kín chỗ ngồi, sập trang mua vé trong các trận đấu thuộc khuôn khổ giải VBA đang diễn ra ở các thành phố lớn.
Bóng rổ cũng là môn thể thao được yêu thích, lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường, trung tâm huấn luyện bóng rổ được mở ra ngày càng nhiều.
Không quá lời khi nhận định bóng rổ đang có bước chuyển mình rõ rệt, kỹ năng thi đấu lẫn công tác huấn luyện ngày càng thăng hoa. Vậy nên giờ đây không chỉ vận động viên mà huấn luyện viên bóng rổ cũng trở thành một ngành nghề được đông đảo bạn trẻ quan tâm, theo đuổi.
Để trở thành một huấn luyện viên bóng rổ: Điều kiện cần là gì?
Lê Trần Minh Nghĩa (HLV Đội bóng rổ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, thành viên Ban huấn luyện Đội tuyển bóng rổ Việt Nam) chia sẻ: “Đối với cá nhân mình, để trở thành một huấn luyện viên bóng rổ thì trước tiên bạn phải có niềm đam mê môn thể thao này. Quan trọng không kém đó chính là trình độ chuyên môn (bằng cấp chuyên ngành), năng lực sư phạm, kĩ năng sử dụng ngoại ngữ cũng như có được tinh thần làm việc tập thể và khả năng lãnh đạo.”
Anh Lê Trần Minh Nghĩa
Võ Kim Hậu (Giáo viên môn bóng rổ Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký, Huấn luyện viên CLB bóng rổ The Bee, quận Tân Phú, TP.HCM) cũng chia sẻ quan điểm: “Theo mình thì để trở thành một huấn luyện viên bóng rổ thì điều kiện tiên quyết phải có chính là chuyên môn về bóng rổ, có kỹ thuật về các động tác bóng rổ và quan trọng hơn đó chính là phải có bằng cấp chuyên môn về huấn luyện bóng rổ. Ngoài ra mình còn phải đặt cái tâm của bản thân vào việc huấn luyện nữa.”
Anh Võ Kim Hậu (đứng thứ 5 từ trái sang)
Một huấn luyện viên bóng rổ giỏi có phải là vận động viên bóng rổ giỏi hay không?
Bên cạnh thi đấu chuyên nghiệp, nhiều cầu thủ bóng rổ còn tham gia công tác huấn luyện tại đội bóng chủ quản, CLB phong trào... để làm phong phú chuyên môn cũng như tạo thêm nguồn thu nhập. Vậy câu hỏi được đặt ra là: “Một huấn luyện viên bóng rổ giỏi có cần xuất phát điểm từ một vận động viên bóng rổ giỏi?”
Trả lời cho câu hỏi này, chị Đổng Minh Thanh Trúc (Huấn luyện viên bóng rổ tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao Quận 6, TP.HCM) cho biết: “Theo quan điểm từ trước đến nay của mình thì một huấn luyện viên giỏi chưa chắc đã chơi bóng rổ giỏi và một vận động viên giỏi chưa chắc đã có thể làm một huấn luyện viên giỏi.
Nên bạn muốn làm huấn luyện viên thì bạn cần chuẩn bị tố chất của huấn luyện viên như đảm bảo được chuyên môn, tham gia các khóa học để bổ sung thêm kiến thức và có cho mình những bằng cấp tương quan, hiểu được tâm sinh lý của vận động viên, có lương tâm, đạo đức, tôn trọng nghề mà mình đang theo đuổi.
Và đương nhiên đây chỉ là phần nhỏ trong rất nhiều tố chất khác mà một huấn luyện viên cần phải có. Vì thế bạn cần phải trau dồi thường xuyên để luôn nâng cao bản thân mình hơn nữa.”
Chị Đổng Minh Thanh Trúc (áo đen)
Gần như đồng tình với ý kiến trên, anh Hoàng Minh Tuấn (hiện là Huấn luyện viên bóng rổ, đồng thời cũng đang công tác tại Eazy Ball, công ty chuyên tổ chức sự kiện thể thao, đặc biệt là bóng rổ) cho rằng: “Theo mình thì một huấn luyện viên khác hoàn toàn với cầu thủ, cầu thủ thì cần chơi giỏi, tròn vai. Còn huấn luyện viên thì cần nhận biết cầu thủ nào sẽ chơi tốt ở vị trí nào. Điều đó dễ dàng nhận thấy khi có rất nhiều huấn luyện viên giỏi trên thế giới chẳng hề chơi tốt môn thể thao mà họ theo đuổi công tác huấn luyện.”
Anh Hoàng Minh Tuấn
“Vận động viên thì thường sẽ tập trung vào kỹ thuật cá nhân, chạy chiến thuật khi thi đấu. Tóm lại huấn luyện viên sẽ có những cái nhìn rộng hơn và nhiều kinh nghiệm hơn các vận động viên.” - Anh Võ Kim Hậu nói.
Một buổi huấn luyện của anh Võ Kim Hậu tại CLB The Bee
Chị Đổng Minh Thanh Trúc cũng chia sẻ thêm: “Huấn luyện viên bóng rổ sẽ khác vận động viên bóng rổ ở những điểm như huấn luyện viên sẽ là người chịu trách nhiệm toàn bộ trong công tác huấn luyện, đào tạo, triển khai chiến thuật thi đấu, họ luôn tìm kiếm, phát hiện và đào tạo các vận động viên tiềm năng. Ngoài ra, huấn luyện viên sẽ là người nhìn ra được ưu, khuyết điểm của vận động viên để từ đó hướng dẫn vận động viên phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Đặc biệt, huấn luyện viên chính là người luôn biết cách nhìn nhận trận đấu, đọc tình huống và lên phương án xử lý tốt nhất để mang đến kết quả tốt nhất cho đội của mình.”
Bóng rổ mang lại những gì và mức thu nhập như thế nào?
Trở lại với câu hỏi này, anh Lê Trần Minh Nghĩa tâm sự: “Đến với bóng rổ cũng như trở thành một huấn luyện viên bóng rổ, mình có được thêm một sức khỏe tốt, thêm nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế thông qua công tác tập huấn và thi đấu trong và ngoài nước. Ngoài ra công tác huấn luyện cũng đem lại cho mình một công việc và thu nhập ổn định.
Bên cạnh những thành công và lợi ích mà vai trò huấn luyện viên bóng rổ mang lại thì để có được sự nghiệp huấn luyện như hiện tại, bản thân mình cũng đã phải đánh đổi rất nhiều thứ như mất khá nhiều thời gian để bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ, xa gia đình khá nhiều để đi đào tạo, huấn luyện…
Bản thân mình từng là một vận động viên bóng rổ, bóng rổ lấy đi khả năng thi đấu của mình bằng chấn thương, nhưng mà tuyệt đối không phản bội mình, nó bù đắp lại bằng nghiệp huấn luyện viên, có vẻ đó mới là vị trí của mình. Những kinh nghiệm, kiến thức thu thập được khi còn thi đấu là hành trang để mình bước vào sự nghiệp huấn luyện và gìn giữ tình yêu cùng bóng rổ.”
Anh Lê Trần Minh Nghĩa (bìa trái) cùng các thành viên đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 31
“Bóng rổ mang lại cho mình sức khỏe, niềm vui… rất nhiều thứ mà tiền bạc không thể mua được. Tuy nhiên ở Việt Nam thì nghề huấn luyện viên bóng rổ chưa được phổ biến nên sự quan tâm của cộng đồng là chưa cao. Các huấn luyện viên đa số đều rất yêu nghề và muốn truyền ngọn lửa đam mê lại cho thế hệ sau. Nên với bản thân mình, mình phải cố gắng cân bằng được 2 hoặc 3 việc làm cùng lúc vì nếu chỉ làm huấn luyện viên bóng rổ thì nguồn thu nhập của bản thân chưa thể đảm bảo.” - Anh Hoàng Minh Tuấn cũng chia sẻ.
Anh Võ Kim Hậu thì cho biết bản thân anh cảm nhận rằng thu nhập cho công việc này chưa cao nên những người đến với công việc này thường do đam mê là chủ yếu. Chưa kể, bản thân anh cũng xuất thân từ vận động viên, những năm đầu tiên thử sức với vai trò mới lại không có đủ kinh nghiệm dẫn dắt các bạn thi đấu nên toàn thất bại.
Ngoài ra, các bạn học viên của anh không phải là vận động viên chuyên nghiệp nên còn nhiều việc làm, việc học khác nhau, khá khó tập trung các bạn tập luyện và chạy chiến thuật cùng nhau, đến khi tập trung lại được thì không chọn được sân bãi…
Thế nhưng bên cạnh đó thì công việc huấn luyện viên bóng rổ đã đem lại cho anh nhiều sức khỏe, niềm vui, cho anh được thân thiết, gần gũi hơn với các bạn học viên mà mình huấn luyện, những người bạn luôn cùng nhau thi đấu và cùng nhau tập luyện như một gia đình.
Tạm kết
Có thể bóng rổ vẫn chưa thể trở thành môn thể thao vua trong lòng người hâm mộ, nghề huấn luyện viên bóng rổ cũng chưa thể trở thành nghề nghiệp đem lại thu nhập cao chót vót. Thế nhưng vẫn còn đó rất nhiều những con người có đam mê cháy bỏng với trái bóng cam và sẵn sàng hy sinh rất nhiều cho môn thể thao tuyệt vời kia. Họ được sống và làm việc mà mình yêu thích. Họ có thể mưu sinh bằng đam mê của chính mình và quan trọng nhất là được truyền cảm hứng ấy cho những lứa trẻ có chung niềm yêu thích.