Ngay tháng sau, tỉnh sẽ lên TP trực thuộc Trung ương sẽ cùng lúc có 2 quận mới, quy mô hơn 500.000 người
Từ 1/1/2025, sau khi lên TP trực thuộc Trung ương, Huế sẽ cùng lúc có 2 quận mới mang tên Phú Xuân và Thuận Hoá
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương và NQ thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hoá thuộc TP Huế.
Cụ thể, quận Phú Xuân được thành lập dựa trên 127,05km2 diện tích tự nhiên cùng dân số 203.142 người, tách ra từ TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Quận này nằm ở bờ Bắc sông Hương, gồm 13 phường: Đông Ba, Gia Hội, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Phú Hậu, Hương Vinh, Hương Sơ, An Hòa, Hương Long, Hương An, Kim Long, Long Hồ (được hình thành từ việc nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ). Quận Phú Xuân được xác định là khu vực đô thị cũ mở rộng gắn với hoạt động văn hóa, kinh tế, dịch vụ và du lịch.
Quận Thuận Hoá có diện tích tự nhiên 139,41km2 khi thành lập với quy mô dân số là 297.507 người.
Quận Thuận Hoá có phạm vi hành chính gồm 19 phường: Phú Hội, Phú Nhuận, Vĩnh Ninh, Phường Đúc, Thủy Xuân, Trường An, Phước Vĩnh, An Cựu, An Đông, An Tây, Xuân Phú, Vỹ Dạ, Thủy Vân, Phú Thượng, Dương Nỗ, Thuận An, Hương Phong, Thủy Bằng, Thủy Biều
Trong đó, thành lập phường Thuận An trên cơ sở nhập xã Hải Dương và phường Thuận An; thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập 3 xã Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương; thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Bằng; thành lập phường Hương Phong trên cơ sở địa giới hành chính xã Hương Phong.
Quận Thuận Hóa là trung tâm hành chính chính trị toàn đô thị và cấp quận; trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục cấp quốc gia và quốc tế; khu vực mở rộng đô thị trung tâm về phía nam.
Theo Báo Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thành phố đã chủ động đề xuất phương án tách thành phố hiện hữu theo hướng chủ động về phương án nhân sự, sắp xếp trụ sở làm việc, cơ sở vật chất cho các quận, ưu tiên trước mắt là nâng cấp chỉnh trang trụ sở làm việc của các cơ quan thuộc quận phía Bắc sông Hương (quận Phú Xuân) và sẵn sàng hoạt động ngay khi NQ số 175 ngày 30/11/2024 của Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, quận Phú Xuân sẽ tạm thời sử dụng trụ sở cũ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong tương lai, trụ sở chính của quận Phú Xuân sẽ đặt trên đường Nguyễn Hoàng nối dài giao nhau với đường Lý Nam Đế, phường Hương Long. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông tại đây sẽ mất vài năm, song sẽ thúc đẩy phát triển tại khu vực.
Quận Thuận Hóa sử dụng trụ sở của UBND TP Huế trên đường Tố Hữu. Các cơ quan khác của TP Huế sẽ vẫn được duy trì ở các trụ sở cũ.
Huế là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2025
Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương vừa được Quốc hội thông qua sáng 30/11, với 458/461 đại biểu tán thành (chiếm 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo báo cáo thẩm tra tờ trình và Đề án của Chính phủ thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đối chiếu với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã từng bước hoàn thiện một cách vững chắc các điều kiện, tiêu chuẩn của một thành phố trực thuộc Trung ương:
Đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô dân số, TP Huế trực thuộc Trung ương dự kiến thành lập có quy mô dân số là 1.236.393 người (đạt tiêu chuẩn - theo quy định là từ 1.000.000 người trở lên).
Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, TP Huế trực thuộc Trung ương dự kiến thành lập có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 (đạt tiêu chuẩn - theo quy định là từ 1.500 km2 trở lên).
Tiêu chuẩn về đơn vị hành chính (ĐVHC) trực thuộc, sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện thì TP Huế trực thuộc Trung ương dự kiến thành lập sẽ có 9 ĐVHC cấp huyện gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện (theo quy định là có từ 9 đơn vị trở lên).
Về tiêu chuẩn về phân loại đô thị, khu vực dự kiến thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I (theo Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 30.8.2024 của Thủ tướng Chính phủ). Đối với Tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội: tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Như vậy, từ thời điểm đó, Việt Nam sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ và thành phố Huế.