Ngày Gia đình bàn chuyện hướng nghiệp Gen Z trong các công ty gia đình: Đừng nhầm lẫn kế thừa và thừa kế!
Câu chuyện hướng nghiệp cho con là một bài toán nan giải với nhiều bậc phụ huynh. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, những chia sẻ đầy tâm huyết và kiến giải thú vị của bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam – đã mang đến một góc nhìn giàu cảm hứng cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là thế hệ sáng lập các doanh nghiệp gia đình, đang đau đáu với bài toán hướng nghiệp cho con trong thế giới đầy biến động.
Mỗi thời đại đều ẩn chứa những yếu tố bất định. Tuy nhiên, đối với thời đại hiện nay, sự bất ổn đã lộ diện rõ nét hơn bao giờ hết dưới "cú hích" của khoa học công nghệ, sự bất định của thiên nhiên, những yếu tố không chắc chắn của môi trường sống cùng cuộc đại khủng hoảng COVID-19.
Theo các chuyên gia Deloitte, sự thay đổi của thế giới và bối cảnh thị trường đang trở nên ngày càng nhanh chóng. Nếu như trước đây, một chu kỳ thay đổi cần 5 năm thì nay chỉ mất 3 năm mọi thứ đã khác. Kéo theo đó, bức tranh việc làm toàn cầu với vô vàn những ẩn số đang tác động trực tiếp đến các bạn trẻ thuộc Gen Z và Gen Alpha.
"Kế thừa giá trị" hay "thừa kế tài sản"?
"Hướng nghiệp cho con trong thế giới đầy biến động: Kế nghiệp hay Lập nghiệp?" – chủ đề của một buổi hội thảo gần đây đã khơi gợi và chạm đến vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm. Đặc biệt, Chủ tịch HĐTV của Deloitte – Hà Thu Thanh nhấn mạnh đến câu chuyện kế nghiệp, bài toán mà hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp gia đình đều gặp phải.
Theo Báo cáo Giới Siêu giàu thế giới năm 2018 của Deloitte, có một thực tế được đúc rút từ hầu hết các công ty gia đình trên thế giới rằng chỉ 30% công ty gia đình được thế hệ F2 kế thừa thành công từ thế hệ đầu tiên, 13% vượt qua thế hệ F2 sang F3 và chỉ 3% vượt qua thế hệ thứ ba.
Trong khảo sát Doanh nghiệp gia đình toàn cầu năm 2019 của Deloitte, 68% lãnh đạo doanh nghiệp gia đình có ý định giữ quyền sở hữu doanh nghiệp cho các thành viên trong gia đình nhưng chỉ 41% tin tưởng việc kế nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng trước thách thức trong 10-20 năm tới.
Điều này được lý giải là do sự khác biệt lớn giữa các thế hệ cũng như thiếu đồng thuận giữa mục tiêu của công ty, của gia đình và của cá nhân. Chỉ có 35% các nhà lãnh đạo cho rằng mục tiêu của doanh nghiệp tương đồng với mục tiêu của các thành viên trong gia tộc.
Để giải quyết vấn đề khác biệt này, các nhà sáng lập cần phải tìm cách rút ngắn khoảng cách thế hệ, truyền tải tối đa giá trị và tinh thần doanh nghiệp cho các thế hệ tiếp theo. Từ nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Deloitte Private – khối dịch vụ chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, pháp lý, kiểm toán và đảm bảo cho các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp gia đình – tại Việt Nam, bà Thanh đưa ra kiến giải về "kế nghiệp".
Theo bà, kế nghiệp là kế thừa giá trị của gia đình, từ đó duy trì phát triển doanh nghiệp của cha mẹ, hoặc khởi nghiệp hay lập nghiệp trong một lĩnh vực khác ngoài kinh doanh. Việc này hoàn toàn khác với việc thừa kế tài sản hay chức vụ.
Các vị phụ huynh cần thay đổi tư duy, coi con cái là "đối tác" trong câu chuyện hướng nghiệp, tôn trọng tư duy và suy nghĩ của con, để con lựa chọn các giá trị con muốn cống hiến hơn là mục tiêu về tài chính. Cha mẹ trao lại cho con cái tài sản của họ, nhưng việc quản lý tài sản đó như thế nào lại là câu chuyện khác. Thế hệ sau có khả năng kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển, duy trì được di sản của gia đình là điều mong muốn cao nhất của người đi trước. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần hiểu rõ được khả năng con, cháu mình, nên có cái nhìn khách quan để phán đoán, bởi thành công của các con sẽ phụ thuộc vào giá trị mà các con gìn giữ và phát huy được, thay vì địa vị hay tiền bạc.
"Hướng nghiệp truyền thống chắc chắn phải thay đổi"
Ở thời đại của bà trước đây, hướng nghiệp còn là một khái niệm xa lạ. Các bậc phụ huynh thời bấy giờ theo bản năng thường định hướng nghề nghiệp cho con gắn với truyền thống gia đình và nhu cầu của thị trường. Bởi thế mà dù học chuyên văn từ nhỏ, cuối cùng bà lại chọn ngành kế toán chỉ bởi lời gợi ý của người mẹ là kế toán trưởng một công ty: "Học nghề nào dễ xin việc và dễ phân công công tác tốt!". May mắn thay, định hướng đó, cùng với rất nhiều nỗ lực tự thân và sự kiên định đầy giá trị của bà Thanh, đã góp phần tạo nên một vị nữ tướng tài ba, một nhà tư vấn chiến lược của hãng tư vấn và kiểm toán hàng đầu như ngày nay.
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV của Deloitte.
Trái với thế hệ của bà, các vị phụ huynh thời hiện đại quan tâm ngày một sâu sắc và bài bản hơn về định hướng nghề nghiệp của thế hệ tương lai. "Thay vì câu hỏi "Làm thế nào ta biết được sự lựa chọn của con phù hợp với định hướng của cha mẹ", chúng ta đã và đang bắt đầu tự vấn "Làm thế nào ta biết được sự định hướng của mình phù hợp với xu thế của thời đại và năng lực của con"", bà Thanh đưa quan điểm.
Bà cũng hé lộ một công cụ mà giới trẻ cần làm chủ để đứng vững trong thế giới nhiều biến động này: "Con người, giống như một doanh nghiệp hay một gia đình, cần dựa trên sự phát triển bền vững. Để làm được điều này, kỹ năng chấp nhận thất bại, hay còn gọi là quản trị rủi ro của cuộc đời, cần được chú trọng. Trong các hạng mục quản trị rủi ro ấy, cảm xúc trí tuệ - thứ giúp các bạn trẻ vững chãi hơn trước thử thách - là thứ cha mẹ chỉ định hướng được, còn các bạn phải tự mình rèn luyện."
Chủ tịch Deloitte Việt Nam chia sẻ, việc định hướng nghề nghiệp nên được bắt đầu sớm ngay khi con hình thành nhận thức về việc học hành. Trong bối cảnh như hiện nay, sự kết hợp càng sớm càng tốt giữa gia đình và nhà trường để tìm ra "điểm chạm" về kỹ năng, sở thích và để con được trải nghiệm trước khi lựa chọn con đường mà con mong muốn là cực kỳ cần thiết.
"Sự đồng hành của gia đình trong việc hướng dẫn các con chọn nghề nào, lập nghiệp như thế nào, kế nghiệp bằng những giá trị gì sẽ là hành trang để các con tự tin lựa chọn và kiên định với con đường của mình trong thế giới đầy bất ổn này!", bà kết luận.