Ngành xe máy Mỹ đang chật vật sống ra sao trong một xã hội toàn xe bốn bánh?
Doanh số bán xe máy tại Mỹ đã từng đạt đỉnh vào năm 2006 với 716.268 chiếc nhưng tiệc vui chóng tàn khi suy thoái kinh tế vào năm 2008 đã khiến ngành kinh doanh này lao dốc nhanh chóng. Doanh số bán xe máy giảm 41% trong năm 2009 và 14% trong những năm tiếp theo.
Đối với nhiều người dân Mỹ, việc sở hữu một chiếc xe máy là một khoản chi tiêu xa xỉ không cần thiết bởi phương tiện đi lại chủ yếu và thuận tiện nhất vẫn là ô tô. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này là vô cùng lớn với ngành xe máy khi dù thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục và phá nhiều kỷ lục còn ngành ô tô cũng tăng trưởng như vũ bão nhưng mảng xe máy vẫn chưa có nhiều đột phá.
Năm 2016, khách hàng Mỹ chỉ mua 371.403 chiếc xe máy, bằng một nửa so với cách đây 10 năm. Tồi tệ hơn, những thiết kế cho lứa khách hàng cũ của các hàng xe máy có vẻ không còn được lòng giới trẻ. Năm 2003, khoảng 1/4 số người mua xe máy có tuổi đời trên 50 thì đến năm 2014, tỷ lệ này đã đạt 50%.
Doanh số xe máy tại Mỹ giảm mạnh từ sau khủng hoảng 2008 (nghìn chiếc mỗi loại)
Kể từ đây, các hãng xe máy Mỹ buộc phải nghiên cứu hướng đi mới nhằm thu hút những khách hàng trẻ, có phong cách và quan điểm thẩm mỹ khác so với thế hệ trước và đặc biệt là túi tiền không nhiều.
Ngay lập tức, hãng xe máy hàng đầu của Mỹ là Harley Davidson đã thực hiện các chiến lược thay đổi khi doanh số bị ảnh hưởng mạnh. Trong khoảng 2006-2010, số xe máy bán ra của công ty này đã giảm 50% và buộc hãng phải nghiên cứu những thiết kế mới phù hợp hơn cho giới trẻ ngày nay.
Vào năm 2013, chiếc Street 500 được chào bán với động cơ chưa đến 500cc, ghế ngồi thấp và giá chỉ vào khoảng 7.000 USD. Ngay lập tức, chiếc xe này thu hút được sự chú ý của giới trẻ Mỹ với túi tiền eo hẹp và tiêu thụ được 65.000 chiếc trong cùng năm.
Khách hàng mua xe máy ngày nay chủ yếu là ng có tuổi và các hãng xe không muốn như vậy
Không chịu kém cạnh, hãng Kawasaki cũng tung ra dòng xe Ninja 300 kiểu thể thao với cùng dạng động cơ và thiết kế chỉ với 5.000 USD. Hãng Ducati năm 2014 thì tung ra dòng Scrambler còn BMW thì cho ra dòng G310R với giá cố định 4.750 USD. Trong khi đó, hãng Honda tung ra dòng Rebel 500 chỉ với giá 6.800 USD, thấp hơn nhiều so với những chiếc Honda Gold Wing F6B có giá 20.500 USD.
Trong khoảng 2011-2016, doanh số của những chiếc xe phân khối dưới 600cc tăng trưởng 11,8% trong khi những sản phẩm phân khối lớn hơn thì lại chỉ tăng 7,4%. Năm 2014, doanh số của dòng Scrambler đạt 15.000 chiếc, chiếm 28% doanh số của hãng Ducati.
Rõ ràng, trước sự thay đổi thị hiếu thị trường, ngành xe máy Mỹ đang phải có chiến lược đối phó tương ứng. Giờ đây, những chiếc xe phân khối lớn rú ga ầm ĩ trên đường không còn là thị hiếu của giới trẻ, thay vào đó là một phong cách thể thao, giá cả phù hợp và không nhất thiết phải là phân khối lớn.