Ngành tài chính khuynh đảo BXH "50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2019"
Trong BXH "50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2019" của Forbes Việt Nam, ngành tài chính không chỉ có nhiều thành viên nhất mà còn có doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận là Vietcombank.
Forbes vừa chính thức công bố danh sách "50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2019". Theo đó, 50 công ty trong danh sách đạt 127.530 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 19,2% so với năm 2018. Tổng giá trị vốn hóa 50 công ty đạt 94 tỷ USD, tương đương 63% vốn hóa hai sàn niêm yết TP. HCM (HSX) và Hà Nội (HNX) vào trung tuần tháng 5/2019. Xét theo sàn, như thường lệ HSX chiếm áp đảo với 45 đại diện, HNX có 5 đại diện.
BXH năm nay có 13 sự thay đổi, trong đó có 11 cái tên lần đầu tiên xuất hiện, hai công ty quay lại danh sách. Vietnam Airlines và PV Power là hai cái tên đáng chú ý nhất trong giới tân binh.
Ngày 7/5/2019, Vietnam Airlines chính thức chuyển sang niêm yết trên HSX. Giá trị vốn hóa trong ngày giao dịch đầu tiên của hãng hàng không này đạt gần 2,5 tỷ USD và sau đó giá cổ phiếu giữ xu hướng tăng, đưa Vietnam Airlines nằm trong nhóm các công ty quy mô nhất thị trường chứng khoán xét theo vốn hóa. Công ty Điện lực Dầu khí - PV Power niêm yết từ đầu năm 2019 và họ được Công ty chứng khoán ACB đánh giá là nhà cung cấp điện lớn thứ hai cả nước (sau EVN).
Cũng như năm trước, năm nay, khối ngành tài chính vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện đông đảo của mình trong BXH "50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2019" với 10/50 doanh nghiệp, gồm: 2 công ty bảo hiểm Bảo Việt – PVI, 3 công ty chứng khoán SSI – HSC – Bản Việt, 5 ngân hàng Vietcombank – Techcombank – ACB – VP Bank – Quân Đội. Mặc dù Vietinbank bị văng ra khỏi BXH, nhưng nhờ việc Techcombank mới niêm yết trên sàn chứng khoán cùng sự góp mặt của PVI, đã giúp ngành tài chính tăng lên 1 thành viên.
Đứng sau ngành tài chính là ngành bất động sản - xây lắp và dịch vụ vận tải - logistic, mỗi ngành có 6 doanh nghiệp.
Trong tất cả, lần đầu tiên Vietcombank vượt lên dẫn đầu BXH về lợi nhuận sau thuế, vị trí mà Vinamilk nắm giữ trong 3 năm liên tiếp gần đây. Năm 2018 Vietcombank ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 14.605 tỉ đồng, tăng 60%, dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Con số này thậm chí cao hơn 2.000 tỉ đồng so với tổng lợi nhuận của cả hai ngân hàng Vietinbank và BIDV cộng gộp.
Đặc biệt danh sách năm nay ghi nhận sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân: Tập đoàn Vingroup đưa Vinhomes lên niêm yết, đứng thứ hai thị trường về lợi nhuận sau thuế và là một trong bốn công ty có giá trị vốn hóa vượt 10 tỷ USD. Lần đầu tiên Hòa Phát vươn lên lọt vào top 5 công ty niêm yết dẫn đầu về lợi nhuận. Ngân hàng mới niêm yết Techcombank vươn lên đứng thứ hai trong hệ thống ngân hàng xét về lợi nhuận sau thuế, đứng thứ sáu trên thị trường chứng khoán...
Trong danh sách có 4 công ty có giá trị vốn hóa trên 10 tỷ USD, ngoài Vingroup và Vietcombank còn có Vinamilk cùng PV Gas.
Phương pháp tính của Forbes Việt Nam:
Forbes xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX và HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành. Ở vòng sơ loại những công ty đang thua lỗ, hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô giá trị vốn hóa và doanh thu dưới 500 tỉ đồng, các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã được xem xét) đều bị loại.
Ở vòng tính toán định lượng, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2014 - 2018. Phần tính toán định lượng theo phương pháp của Forbes được sự hỗ trợ của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Tiếp theo, vòng định tính, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững. Các công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của hai sở giao dịch chứng khoán, có nghi vấn thao túng giá cổ phiếu hoặc có dấu hiệu kém minh bạch sẽ bị loại.