Startup sữa thực vật L’Orchata: Thừa nhận làm marketing chưa tốt nhưng vẫn chấp nhận, vì sản phẩm mới là ưu tiên đầu tiên

16/02/2018 10:00 AM | Kinh doanh

"Chỉ cần cái nắp chai bẩn thôi là ngay hôm sau vi sinh vật sẽ phát triển. Có những lúc phải đổ đi hàng trăm lít sữa vì khâu xử lý tiệt trùng (cho chai, nắp) không tốt," Chị Hoàng Thùy Dương, co-founder của sữa hạt L’Orchata chia sẻ.

Từng làm trong một chuỗi cà phê nhưng đóng cửa và muốn làm một cái gì mới, khác biệt trong ngành đồ uống, chị Dương đã tìm ra sữa hạt. Theo chị Dương, điểm nổi bật của sữa hạt thanh trùng là tươi, sạch, không có chất bảo quản. Khách hàng mục tiêu là người có thu nhập cao, có mối quan tâm tới sức khỏe và khá kén chọn.

Chị Dương cho biết sản phẩm là khâu khó và chiếm nhiều nguồn lực nhất của doanh nghiệp. Lợi thế của L’Orchata so với các doanh nghiệp sữa thực vật khác là có quy trình chuẩn được chuyển giao từ bên Tây Ban Nha, từ nguồn nguyên liệu đến máy móc, thiết bị. Nhưng trong việc làm sản phẩm, vẫn còn nhiều cái khó khác.

Làm sữa thanh trùng rất khó ở khâu vệ sinh. "Chỉ cần cái nắp chai bẩn thôi là ngay hôm sau vi sinh vật sẽ phát triển. Có những lúc phải đổ đi hàng trăm lít sữa vì khâu xử lý tiệt trùng (cho chai, nắp) không tốt," Chị Dương chia sẻ.

Việc nghiên cứu sản phẩm mới cũng tốn nhiều thời gian và công sức. Theo chị Dương, sữa là sản phẩm khó làm nhất trong các loại đồ uống. Hơn nữa, sữa hạt thường cần phải mix nhiều vị với nhau, mỗi khi mix thì cần biết vị này kết hợp với vị kia có tạo ra chất gì có hại cho cơ thể hay không. Mỗi lần nghiên cứu ra sản phẩm mới thì phải gửi đi phòng thí nghiệm để kiểm tra vi sinh.

Vì nguồn lực hạn chế, giai đoạn đầu tập trung nhiều vào nghiên cứu sản phẩm nên phần marketing và làm thương hiệu hiện là điểm cần khắc phục của startup này. Chỉ kể riêng Fanpage của L’Orchata, hình ảnh và nội dung chưa thu hút, chưa truyền tải được tinh thần của L’Orchata.

Nhưng đó là điều doanh nghiệp chấp nhận. Chị Dương cho biết, L’Orchata sẽ khắc phục mặt này, nhưng nhấn mạnh rằng marketing, thương hiệu sẽ là ưu tiên của giai đoạn sau: "Sẽ cần có một list ưu tiên, và cái nào là đầu tiên thì phải làm cái đó trước, và rõ ràng sản phẩm là ưu tiên đầu tiên."

Thành lập từ 11/2016 và tung ra sản phẩm đầu tiên vào 5/2017, đến nay sản phẩm L’Orchata đã có mặt trên kệ các siêu thị cao cấp. Hiện chỉ mới có mặt tại Hà Nội, mục tiêu của L’Orchata trong 5 năm tới là tăng quy mô thị trường, phủ từ bắc vào nam. Chị Dương còn muốn tăng về sản lượng để hạ giá thành, nhằm L’Orchata và sữa thực vật tiếp cận với nhiều người hơn.

Vì sản phẩm không có chất bảo quản, chất ổn định nên có thời gian bảo quản ngắn, là bài toán đau đầu cho doanh nghiệp trong mở rộng kinh doanh. "Nếu mà sản phẩm được xử lý từ A đến Z thì có thể giữ được trong kho với nhiệt độ ổn định trong 20 ngày, còn trong tủ lạnh của khách hàng là từ 3 đến 5 ngày," chị Dương cho biết. Giải pháp của L’Orchata sắp tới là phát triển sản phẩm sữa tiệt trùng để gia tăng thời hạn sử dụng cho sản phẩm.

Sữa hạt, hay sữa từ hạt, sữa từ thực vật đã hiện diện từ lâu. Đại diện quen thuộc nhất là sữa đậu nành trên những chiếc xe đẩy ven đường, rồi đến sữa bắp, sữa hạt sen… Trong 1, 2 năm gần đây, các cơ sở sản xuất sữa thực vật, sữa từ hạt xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng hơn về các loại hạt và giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là vẫn là các cơ sở homemade với quy trình sản xuất chưa nghiêm ngặt. Làm sản phẩm chất lượng, ổn định; xây dựng hệ thống và mở rộng thị trường là những khó khăn chính của doanh nghiệp sữa thực vật nếu muốn làm lớn và làm bài bản.

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM