Ngành nông nghiệp khó “lớn” vì trông chờ thương lái, sản xuất lại manh mún

19/07/2017 09:28 AM | Kinh tế vĩ mô

“Chúng ta thấy một bức tranh nông nghiệp sản xuất tốt, khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng chúng ta không biết bán ở đâu bởi vì từ trước tới nay chúng ta cứ ngồi chờ vào thương lái. Chúng ta quen với cách thức làm đó và cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ...”, một đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) 2017 dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2017 với sự chủ trì và điều hành đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc .

Năm 2017, từ kết quả các phiên làm việc của doanh nghiệp và căn cứ các ngành kinh tế mũi nhọn mà Chính phủ xác định, VPSF đã lựa chọn ra 3 nội dung để đối thoại, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp .

Trước khi phiên toàn thể diễn ra, Nhóm công tác về Nông nghiệp của VPSF đã có cuộc trao đổi về các vấn đề nổi bật cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nội dung liên quan đến vấn đề thị trường, chính sách đất đai... được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp VPSF, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, đã đến lúc không thể chần chừ việc tổ chức hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng đi phù hợp.

“Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất manh mún. Với các doanh nghiệp như chúng tôi, muốn có 100 ha đất để sản xuất nông nghiệp thì phải ký với 1000 hộ dân. Điều này gây nhiều trở ngại cho quá trình sản xuất kinh doanh”, ông Trần Mạnh Báo nói.

Theo Chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp VPSF, điều mà các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất là thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đầu tư như thủ tục tiếp cận thuê đất, thủ tục thu hút đầu tư mua máy móc công nghệ hay thủ tục về thuế.

“Ngoài ra doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro nên chính sách về thuế cần phải khác”, ông Trần Mạnh Báo nêu kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc The Pan Group cho rằng quan trọng nhất với doanh nghiệp vẫn là thị trường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng được mùa mất giá của một số mặt hàng nông sản trong thời gian qua.

“Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp rất manh mún, nhỏ lẻ vì chưa có người đứng ra kiểm soát và làm đầu tàu trong chuỗi giá trị, tức là chưa có doanh nghiệp đủ lớn”, ông Hải nói.

Do vậy, ông Hải cho rằng Chính phủ cần có chính sách khuyến khích cơ chế hợp tác, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến gặp gỡ để doanh nghiệp có cơ hội trao đổi và hiểu về thị trường xuất khẩu tốt hơn.

“Nhà nước chỉ cần làm vai trò định hướng và doanh nghiệp là trọng tâm của hệ thống sản xuât nông nghiệp thì sẽ hạn chế được tình trạng được mùa rớt giá và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn”, ông Hải nói.

Đề cập đến câu chuyện phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề thị trường.

“Chúng ta thấy một bức tranh nông nghiệp sản xuất tốt, khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng chúng ta không biết bán ở đâu bởi vì từ trước tới nay chúng ta cứ ngồi chờ vào thương lái. Chúng ta quen với cách thức làm đó và cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ”, ông Viên nói.

Theo ông Viên, muốn bức tranh này thay đổi thì phải quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường. “Các tập đoàn của các quốc gia trên thế giới họ đi tới từng nước để đầu tư, bỏ tiền hàng triệu đô, hàng tỷ đô để đầu tư cho thị trường. Đó là câu hỏi, là con đường để đầu tư phát triển”, ông Viên nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị này, Chính phủ đã có chính sách khuyến nông tốt nhiều năm nay nhưng chính sách về cho thị trường thì chúng ta hoàn toàn thiếu. Trong khi đó, lẽ ra chúng ta phải có chính sách thị trường tốt rồi mới đẩy mạnh khuyến nông.

Cũng theo ông Viên, doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam tới nay vẫn chưa bùng nổ ở quy mô lớn là bởi yếu tố chất lượng. Muốn bán được nhiều thì sản phẩm phải hấp dẫn. Muốn sản phẩm hấp dẫn cần nguồn nguyên liệu tốt. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa làm được vì một nền nông nghiệp còn manh mún, chuyên phục vụ thương lái là chủ yếu chứ chưa hướng nhiều tới việc phục vụ thị trường đẳng cấp cao, chất lượng tốt.

“Yếu tố đó một phần bắt nguồn từ việc bản thân các doanh nghiệp không có khả năng có diện tích đất đai với quy mô canh tác lớn và có những cánh đồng lớn để sản xuất. Đó là nút thắt quan trọng”, ông Viên cho biết.

Theo N.Mạnh

Cùng chuyên mục
XEM