Ngành mía đường Ðồng bằng sông Cửu Long: Trước nguy cơ xóa sổ
Giá mía không thể nuôi sống người dân, nhiều nhà máy đường đóng cửa hoặc thoi thóp hoạt động… Ðó là thực trạng của ngành mía đường tại Ðồng bằng sông cửu Long (ÐBSCL).
Những năm gần đây, diện tích trồng mía tại các tỉnh ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp, nguyên nhân là người dân không mặn mà với loại cây trồng từng giúp xóa đói giảm nghèo này. Theo một số người trồng mía tại Hậu Giang, tại địa phương có rất nhiều hộ dân chỉ trồng và cung cấp mía nguyên liệu cho làm nước mía giải khát, chứ không bán cho nhà máy sản xuất đường như trước đây.
“Do giá mía thấp nên phần lớn người trồng mía chỉ bán cho thương lái chở đi các nơi bán, ép nước mía giải khát. Họ cho nhân công đến đốn, cân và chở đi, mình không cần phải tốn thêm chi phí thu hoạch nữa. Nếu bán cho nhà máy đường thì phải tốn tiền thuê nhân công”, một người dân cho hay.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại Hậu Giang, nếu như trước đây có 3 nhà máy đường hoạt động thì hiện chỉ còn 1 nhà máy (Nhà máy đường Phụng Hiệp của Công ty CP Mía đường Cần Thơ - CASUCO). Hiện tại, nhà máy này đang vào vụ ép mía, theo kế hoạch năm nay, nhà máy sẽ ép 200 ngàn tấn mía, ít hơn vài năm trước đây nhưng đại diện công ty cho hay, đến thời điểm này đã ép khoảng hơn 30 ngàn tấn và khó có thể đạt được kế hoạch đề ra.
Lãnh đạo một công ty mía đường ở ĐBSCL cho biết, tình hình đang ngày càng khó khăn hơn.“Hiện tại, công ty thu mua mía của nông dân với giá 850 đồng/kg, chưa thể hấp dẫn người dân.Nhưng doanh nghiệp không thể mua cao hơn vì sẽ bị lỗ”, vị này cho hay. Toàn vùng ĐBSCL trước đây có 10 nhà máy đường thì hiện chỉ còn 3 nhà máy hoạt động và sản lượng ngày càng giảm. Theo một khảo sát, để người dân sống được với cây mía thì giá mía tối thiểu phải đạt 950 đồng/kg, thế nhưng thực tế không như vậy.
Nguyên nhân là đường ngoại nhập có giá thấp, buộc các nhà máy đường trong nước phải hạ giá đường để cạnh tranh, từ đó phải giảm giá thu mua mía của nông dân để đảm bảo hoạt động cho nhà máy. Người dân không có lãi, cũng không thấy gì đảm bảo cho tương lai nên đành bỏ mía chuyển sang cây trồng khác. Nhà máy thiếu nguyên liệu nên sản lượng sụt giảm nghiêm trọng… “Khó khăn vẫn đeo bám mà chưa có một giải pháp căn cơ nào để người dân sống được với cây mía và công ty mía đường trụ lại được, tình hình này kéo dài thì ngành mía đường trong nước nguy cơ bị xóa sổ là khó tránh khỏi”, đại diện một công ty mía đường cho hay.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại các địa phương vùng ĐBSCL, nhiều đời nông dân từng gắn bó và khá giả nhờ cây mía, nhưng hiện nay không ít người đã “tháo chạy” để thay thế cây trồng khác hoặc chuyển đổi loại hình sinh kế. Đơn cử, tại Long An, có thời điểm giá mía chỉ khoảng 100.000 đồng/tấn, thậm chí không có người mua. Niên vụ mía 2019-2020, tỉnh Long An chỉ trồng được 481ha, đạt 22,9% kế hoạch và chỉ bằng 10,8% so với niên vụ trước.
Hậu Giang là tỉnh trồng mía hàng đầu ở ĐBSCL, nhưng những năm qua diện tích mía đã giảm dần.Nên vụ 2019-2020 này chỉ còn khoảng 5.400ha, mặc dù năng suất ổn định nhưng chi phí sản xuất cao nên người trồng mía vẫn không có lãi. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tại một buổi họp giao ban báo chí giữa năm 2020 nói rằng, cây mía là một trong những loại nông sản chủ lực của địa phương này suốt nhiều năm, có thời điểm diện tích lên tới 15.000ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cả bấp bênh, trong khi giá thành sản xuất cao, người dân bỏ mía, tỉnh có 3 nhà máy đường thì nay chỉ còn một nhà máy hoạt động, tỉnh cũng không còn xác định cây mía là cây chủ lực nữa.
Xóa sổ những vùng mía không hiệu quả
Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Cụ thể, qua 25 năm xây dựng và thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường đã đạt được nhiều thành tựu, tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành mía đường đối diện nhiều thách thức như: Tổ chức sản xuất trong nước chưa theo kịp yêu cầu thị trường, giá thành sản xuất cao nên khó cạnh tranh; Nhiều nhà máy không đảm bảo được giá mua mía hợp lý cho nông dân; Ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất chưa hiệu quả; Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại phức tạp, gây khó khăn cho tiêu thụ đường mía trong nước…
Chỉ thị nêu rõ, quan điểm của Chính phủ trong thời gian tới đối với ngành mía đường là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định “đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp”; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hằng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm; đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa vùng mía tập trung; nghiên cứu đề xuất bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai…