Ngành kinh doanh du lịch ở Tiền Giang đang “chết lâm sàng”

05/07/2021 08:25 AM | Kinh doanh

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch của địa phương lâm vào cảnh hết sức khó khăn.

Từ trước đến nay, chưa có thời điểm nào người làm du lịch sinh thái ở cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) lại gặp khó khăn như hiện nay. Các cơ sở, doanh nghiệp lữ hành du lịch, các khu du lịch sinh thái, đều chấp hành quy định giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ nên đã đóng cửa.

Ông Đặng Văn Lộc, chủ cơ sở kinh doanh du lịch xe ngựa nơi đây cho biết, gần 2 tháng qua cơ sở này không có khách. Những con ngựa vốn siêng năng kéo xe, nay phải nhốt vào chuồng “dậm chân tại chỗ”. Do không còn cầm cự được để giữ chân đàn ngựa nên ông phải bán bớt 10 con ngựa trong tổng số 24 con. Dù không hoạt động, nhưng mỗi ngày ông phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua thức ăn, thuê người cắt cỏ nuôi đàn ngựa. Người chủ đoàn xe ngựa này rất đam mê nghề phục vụ du khách và rất thèm nghe tiếng lộc cộc thân quen nhưng chưa biết đến khi nào mới tái hoạt động.

“Cách nay gần 2 tháng không có hoạt động được. Trước kia đoàn xe ngựa hai mươi mấy con, bây giờ bán bớt chứ để cắt cỏ chịu không nổi, tôi còn 14 con. Cũng ráng duy trì, mỗi ngày tôi lỗ khoảng 1 triệu, khó khăn nhiều lắm. Mong hết dịch để hoạt động”.

 Ngành kinh doanh du lịch ở Tiền Giang đang “chết lâm sàng”  - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Lộc chủ cơ sở xe ngựa du lịch ở cồn Thới Sơn nhìn các cỗ xe ngựa bỏ lâu nay mà xót xa.

Đến thời điểm này, tại cồn Thới Sơn có nhiều cơ sở du lịch như: Mê kông mark, du lịch Trường Sơn… bị giải thể. Chủ các cơ sở này đã sang nhượng đất và tài sản kèm theo để đổi sang nghề khác. Hàng trăm người làm nghề đò chèo, đàn ca tài tử… bị thất nghiệp, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tại làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè cũng không mấy lạc quan, doanh nghiệp và người kinh doanh du lịch như ngồi trên đống lửa vì nợ vay ngân hàng. Nghiêm trọng nhất là các doanh nghiệp lữ hành phải bỏ nghề, đành sang nhượng tàu thuyền du lịch với giá phế liệu. Bến Du thuyền Mỹ Tho được đầu tư với các trang thiết bị, phòng ốc, phương tiện hiện đại với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng cũng dừng hoạt động do đại dịch.

Tại cồn Tân Phong, huyện Cai Lậy, mô hình du lịch sinh thái “cây nhà, lá vườn” mới phát triển với 10 điểm đến. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch nơi đây đã bị ảnh hưởng rất nặng nề; người làm du lịch thất nghiệp chưa được hỗ trợ, rất khó khăn.

Bến tàu thủy Mỹ Tho thuộc Trung tâm phát triển du lịch Tiền Giang là đơn vị đầu mối có 17 công ty du lịch lữ hành đặt văn phòng tại đây, để tiếp nhận, đưa khách xuống thuyền đi tham quan ven sông Tiền. Trước đây, mỗi ngày có trên dưới 2.000 du khách trong và ngoài nước xuống thuyền. Từ ngày dịch bùng phát, bến tàu thủy du lịch Mỹ Tho không có khách nào đến; 10/17 văn phòng của các công ty đóng kín cửa, chờ đợi đại dịch đi qua.

 Ngành kinh doanh du lịch ở Tiền Giang đang “chết lâm sàng”  - Ảnh 2.

Hầu hết các tàu thuyền du lịch tại Tiền Giang đều nằm bến nhiều tháng qua.

Theo Sở Văn hóa- Thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang, 6 tháng qua, địa phương chỉ đón  khoảng 274.400 lượt du khách, giảm hơn 38% so cùng kỳ, doanh thu toàn ngành du lịch của tỉnh là 144 tỷ đồng giảm 24% so cùng kỳ năm ngoái.

Dịch bệnh Covid-19 tấn công nên hiện nay, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở tỉnh Tiền Giang đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Trong khi đó, việc triển khai các gói kích cầu, hỗ trợ người lao động mất việc trong đợt dịch bệnh lần thứ 4 này chưa được triển khai mà chờ chỉ đạo từ Trung ương.  Phía địa phương không có chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp và người làm nghề phục vụ du lịch.

Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết: “Ở địa phương chỉ thực hiện theo các gói chính sách của Trung ương. Đợt 4, năm nay mình đang chờ các gói của Trung ương”.

Tiền Giang là vùng đất đẹp ven sông Tiền, thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp không khói. Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành du lịch Tiền Giang đã giữ vị trí quan trọng và là điểm nhấn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, cùng với công tác phòng chống, đẩy lùi đại dịch, chính quyền và các ngành chức năng địa phương cần có giải pháp, biện pháp khả thi để cứu vãn ngành du lịch trước hoàn cảnh “chết lâm sàng”, để khi dịch Covid-19 lắng dịu ngành du lịch tỉnh Tiền Giang mới sớm phục hồi và phát triển./.

Nhật Trường

Cùng chuyên mục
XEM