Ngành học hơn 9,5 điểm mỗi môn mới đỗ: Triển vọng, mức lương được chính "người trong cuộc" tiết lộ
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành học này ở mức cao với mức lương hấp dẫn.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa công bố điểm chuẩn của 39 chuyên ngành đào tạo. Trong đó, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp lấy điểm chuẩn cao nhất trường - 38,02/40 điểm, trung bình thí sinh phải đạt 9,51 mỗi môn mới trúng tuyển.
Quan hệ công chúng là ngành học gì và tại sao lại được nhiều thí sinh quan tâm như vậy?
Quan hệ công chúng - ngành học đầy triển vọng
Quan hệ công chúng có tên tiếng Anh là Public Relations (PR), hay thường gọi tắt là PR đề cập đến các hoạt động, chiến lược truyền thông… nhằm quảng bá sản phẩm, khẳng định thương hiệu trong toàn bộ hoạt động và tiến trình phát triển.
Viện PR Thế giới (IPRA) đã định nghĩa: "PR là những nỗ lực bền bỉ được thiết lập có kế hoạch nhằm đạt được và duy trì mối quan hệ tốt và sự hiểu biết lẫn nhau giữa tổ chức và công chúng".
Đây là lĩnh vực được nhìn nhận như một kênh kết nối hiệu quả giúp xây dựng và quảng bá thương hiệu, gia tăng sự gắn kết của khách hàng với nhãn hàng. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng vị trí PR ở mức cao với mức lương hấp dẫn.
Sinh viên theo học ngành Quan hệ công chúng tại các trường sẽ được đào tạo từ các kiến thức nền tảng như: Khoa học xã hội, kinh tế, ngoại ngữ, truyền thông đại cương, xã hội học bổ trợ và các kiến thức ngành như: Kỹ năng viết báo chí, quản trị website, quản trị và phát triển thương hiệu, truyền thông đa phương tiện, xây dựng chiến dịch PR, tổ chức sự kiện, phát triển chương trình quan hệ công chúng cũng như kỹ năng viết bài PR…
Phạm vi công việc của ngành Quan hệ công chúng khá rộng. Những bạn yêu thích trải nghiệm, thử thách bản thân ở nhiều dự án, chiến dịch quảng bá các loại hình sản phẩm đa dạng có thể làm việc tại các công ty agency, công ty chuyên về truyền thông quảng cáo,…
Nếu bạn muốn gắn bó với một loại hình sản phẩm, dịch vụ thì có thể ứng tuyển vào các vị trí chuyên viên PR làm việc tại bộ phận truyền thông, bộ phận Marketing tại các doanh nghiệp. Nếu yêu thích làm việc trong ngành giải truyền thông, bạn có thể ứng tuyển vào các vị trí như phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, MC…
PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN chia sẻ trên Dân Trí: Sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng có kinh nghiệm làm việc hơn 1 năm không khó để đạt mức lương 15-20 triệu đồng/tháng và thậm chí còn cao hơn nếu làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài hay các công ty xuyên quốc gia.
Chưa kể các vị trí làm việc trong lĩnh vực truyền thông đang ngày càng chuyên môn hóa cao như đi sâu tư vấn quản lý khủng hoảng, truyền thông chính phủ, truyền thông liên cá nhân, truyền thông thương hiệu, truyền thông marketing, sáng tạo và quản trị nội dung số, tổ chức sự kiện... thì mức thu nhập còn cao hơn nhiều.
"Hiện nay rất nhiều nhà tuyển dụng liên tục đề nghị giới thiệu sinh viên tốt nghiệp với mức lương hấp dẫn mà chúng tôi không đáp ứng đủ bởi các em từ năm thứ ba hầu hết đã có việc làm ổn định rồi. Khoảng một nửa số sinh viên cố gắng rút ngắn thời gian đào tạo chỉ còn 3,5 năm để nhanh chóng tốt nghiệp đi làm. Thị trường lao động của ngành PR chắc chắc sẽ ngày càng sôi động và đầy cơ hội trong tương lai" - PGS.TS cho biết.
Theo thống kê trên các trang tìm việc, mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường tại các công ty truyền thông, quảng cáo trung bình từ 8-10 triệu đồng. Nhóm chuyên viên tại các công ty, tập đoàn lớn có thu nhập cao hơn từ 15-20 triệu. Nhóm quản lý cấp cao có thể đạt mức lương từ 20-50 triệu.
Những mức lương này có thể cao hơn rất nhiều nếu bạn có thêm khả năng ngoại ngữ và làm việc tại các công ty, tập đoàn quốc tế hoặc các tổ chức ngoại giao, phi chính phủ.
Quan hệ công chúng học trường nào?
Nếu bạn thật sự yêu thích ngành Quan hệ công chúng, lựa chọn môi trường học tập nhiều trải nghiệm sẽ giúp bạn tích lũy nhiều kỹ năng, kiến thức và cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Một số trường đại học bạn có thể tham khảo: Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM; Học viện Báo chí và tuyên truyền; ĐH Công nghệ TP.HCM; ĐH Hoa Sen; ĐH Kinh tế quốc dân; Swinburne Việt Nam; ĐH Văn Lang...