Ngành du lịch và hàng không Việt Nam có thể kỳ vọng gì từ các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á?
Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách. Điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. Số liệu thống kê cho thấy sản lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý 3 năm 022 và phục hồi bằng 49,8% trước dịch.
Trong một báo cáo phân tích mới đây công ty chứng khoán VnDirect nhận định sự phục hồi của du lịch nước ngoài của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yêu cầu nhập cảnh của các nước. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến kiểm soát Covid-19, tuy nhiên yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi du lịch Việt Nam là chính sách zero-covid của Trung Quốc, khiến cho việc du lịch đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt.
VnDirect cũng đưa ra dự đoán về tiềm năng phục hồi của các thị trường hàng không quốc tế lớn của Việt Nam. Phần lớn các thị trường được kỳ vọng phục hồi từ năm 2023.
Chiếm tỷ trọng 34,5%, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Cùng với chính sách zero-Covid, Trung Quốc đã hạn chế đi/đến khỏi quốc gia này kể từ quý 1 năm 2020. Tuy nhiên, mới đây nhất, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành dự thảo với mục tiêu phát triển du lịch dọc theo các khu biên giới và nới lỏng cho du khách đến Trung Quốc.
VnDirect đánh giá Trung Quốc đang trên đường phục hồi đường bay quốc tế dù ở tốc độ chậm, và điều này cũng sẽ đóng góp phần nào vào sự phục hồi lượng khách quốc tế của Việt Nam. Lượng khách quốc tế từ thị trường này được kỳ vọng sẽ phục hồi về mức trước dịch trong quý 1 năm 2024.
Thị trường khách quốc tế lớn thứ 2 là Hàn Quốc với 25,5% tỷ trọng trước dịch. Từ tháng 10/2022, Hàn Quốc đã dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid để nhập cảnh, đồng nghĩa với việc tất cả các yêu cầu liên quan đến Covid khi nhập cảnh được dỡ bỏ. Điều này sẽ thúc đẩy giao thông hàng không giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian tới. Dự báo của VnDirect cho biết lưu lượng khách giữa 2 quốc gia phục hồi về mức trước dịch trong quý 2 năm 2023.
Với thị trường Đông Nam Á, chiếm tỷ trọng 12,5%. Hiện các đường bay quốc tế chính của Việt Nam trong Đông Nam Á gồm Singapore, Thái Lan và Malaysia đều đã được mở lại hoàn toàn và đang triển khai các hoạt động du lịch song phương. VnDirect kỳ vọng sản lượng quốc tế từ Đông Nam Á sẽ phục hồi về mức trước dịch trong quý 1 năm 2023.
Thị trường Nhật Bản chiếm 5,6% tỷ trọng trước dịch. Từ 11/10/2022, du khách đến Nhật Bản có thể tự đi mà không cần thông qua đại lý tour nào. Khách du lịch Việt Nam chỉ cần hộ chiếu vaccine để nhập cảnh vào Nhật Bản. Vì vậy VnDirect cho rằng các điều kiện về Covid khi đến Nhật Bản sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn trong thời gian tới và sản lượng khách quốc tế từ Nhật Bản sẽ phục hồi mức trước dịch vào quý 3 năm 2023.
Từ 13/10/2022, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ chính thức khôi phục chính sách visa như trước dịch, tuy nhiên du khách đến Đài Loan vẫn cần xét nghiệm âm tính và mua bảo hiểm y tế. VnDirect kỳ vọng khách quốc tế giữa Đài Loan và Việt Nam sẽ phục hồi về mức trước dịch trong năm quý 3 năm 2023.
Với 2 thị trường Mỹ và châu Âu, lượng khách quốc tế được dự đoán sẽ phục hồi về trước dịch trong quý 2 năm 2023.
Riêng với thị trường Nga, từ ngày 25/10/2022 Việt Nam nối lại đường bay giữa Nga và Nha Trang vốn đã bị dừng từ tháng 3/2022 do căng thẳng Nga và Ukraine. Sản lượng khách quốc tế từ Nga sẽ phục hồi về mức trước dịch trong quý 3 năm 2023.
Ấn Độ được xem là thị trường mới đầy tiềm năng cho du lịch Việt Nam. Vietjet Air, Vietnam Airlines hay các hãng bay IndiGo va Spice Jet của Ấn Độ đã khai thác những chặng mới giữa 2 quốc gia. Cụ thể, Vietjet đã được cấp phép khai thác hơn 20 chặng từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc đến các địa điểm ở Ấn Độ như Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kokata, Gaya cũng như tăng tần suất các chuyến bay đến Delhi và Mumbai từ tháng 7 năm 2022. Sản lượng khách quốc tế của chặng này được kỳ vọng sẽ đạt 5% tổng sản lượng khách trước dịch trong quý 2 năm 2023.