Ngành cao su tuột dốc không phanh thế này, bảo sao bầu Đức cũng không chịu nổi

20/08/2016 13:26 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong 5 năm, ngành cao su mất 3 tỷ USD, tổng giá trị xuất khẩu giảm tới 2 lần. Hậu quả là các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu cao su đều gặp khó khăn kéo dài.

Những số liệu được công bố từ Tổng Cục Hải Quan về xuất khẩu cao su đang chỉ ra một thực trạng kéo dài với ngành này. Đó là các doanh nghiệp cao su cứ xuất khẩu càng nhiều, thì số tiền bán thu về lại càng ít.

Dù thuế xuất khẩu đã được điều chỉnh về 0% nhưng vì nguồn cung trong nước tăng lên, còn nguồn cầu nhập hàng Việt Nam giảm, làm giá cao su đứng ở mức thấp và giảm liên tục chính là nguyên nhân khiến người nông dân trồng cao su “khóc ròng”.

Tổng giá trị xuất khẩu giảm 2 lần, giá giảm 3 lần, ngành cao su mất 3 tỷ USD

Các doanh nghiệp cao su lần đầu tăng sản lượng xuất khẩu lên trên 1.000 tấn vào năm 2012, và duy trì đà tăng chậm 5% - 6% trong các năm sau đó.

Ngược với sự tăng này, nếu như năm 2011, tổng giá trị xuất khẩu thu về là 3,2 tỷ USD thì đến năm 2015 chỉ còn là 1,5 tỷ USD. Mức độ suy giảm hằng năm là tương đối cao khi thường xuyên trên 10%. Cá biệt, năm 2014, mức giảm lên tới 28,41%.

Chuyện gì đã xảy ra ? Thực tế thời gian 5 năm này cũng là lúc chứng kiến đà giảm không phanh của giá cao su xuất khẩu.

Đạt đỉnh năm 2011, nhưng đến năm 2015, giá một tấn cao su xuất khẩu chỉ còn 1/3 so với lúc đỉnh. So với hồi 2011, ngành cao su đã bị bốc hơi đến gần 3 tỷ USD.


Khá buồn khi đỉnh giá cao su cũng là lúc bầu Đức và HAGL rục rịch đầu tư vào lĩnh vực này

Khá buồn khi đỉnh giá cao su cũng là lúc bầu Đức và HAGL rục rịch đầu tư vào lĩnh vực này

Hội đồng Doanh nghiệp cao su Đông Nam Á (ARBC) hồi tháng 9/2015 từng lên tiếng cảnh báo về hiện tượng giá giảm này khi nhận đinh rằng “đời sống các hộ nông dân có thu nhập phần lớn từ cây cao su tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn”.

Hệ quả của thời kỳ cao su phát triển nóng

Ngành cao su từng chứng kiến thời hoàng kim giai đoạn 2006 – 2011 khi giá xuất khẩu không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trong khu vực liên tục đạt đỉnh. Vào lúc đó, người nông dân đua nhau từ bỏ hàng trăm hecta điều, cà phê, rừng tự nhiên để chuyển sang trồng cao su.

Tiền liên tục được đổ vào cao su, không chỉ từ các cá nhân mà còn các các công ty nông nghiệp đến các công ty bất động sản rồi các ông lớn ngành vận tải, tài chính. Nhiều công ty đã mở hàng trăm dự án trồng cao su khắp Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và cả miền Bắc. Có doanh nghiệp còn trồng cao su sang tận Lào, Campuchia như Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.

Chỉ trong 10 năm, diện tích cao su gieo trồng Việt Nam đã tăng hai lần lên gần 1000 hecta. Điều gì đến cũng phải đến, sự tăng lên phi mã của phía cung sẽ khiến cho thị trường cao su trở nên cạnh tranh.

Giá mủ cao su bắt đầu giảm từ tháng 1/2011 sau khi đạt đỉnh. Những số liệu cho thấy tuy diện tích gieo trồng và thu hoạch vẫn tăng nhưng đã có tốc độ tăng ngày càng chậm dần. Cao su ngày nào được trồng lên nay bị chặt đi ngày càng nhiều để trồng lại điều, khoai mì…

Chưa dừng lại ở đó, tuy sản lượng khai thác cao su theo các báo cáo vẫn tăng đều nhưng năng suất cao su Việt Nam đã bắt đầu “đi ngang” kể từ năm 2009. Đến năm 2014, sản lượng khai thác chững lại và năng suất cũng giảm. Tuy chưa công bố chính thức nhưng năng suất vào năm 2015 được dự báo sẽ tiếp tục giảm so với năm 2014.

Xuất khẩu phụ thuộc Trung Quốc cũng là nguyên nhân ?

Thị trường cao su lâm vào khó khăn, theo nhiều chuyên gia, còn bởi lý do các thị trường chính là Malaysia, Ấn Độ, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, suy giảm về nhu cầu nhập hàng Việt Nam.

Cao su Việt Nam đa phần được xuất khẩu để sản xuất săm lốp xe và được tiêu thụ đến 70% ở các nước châu Á. Năm 2015 vừa qua, theo thống kê, cứ 100 tấn cao su xuất khẩu thì có đến 50 tấn là được xuất sang Trung Quốc, 15 tấn được xuất sang Malaysia và gần 8 tấn xuất sang Ấn Độ.

Với tỷ lệ lớn như vậy, kinh tế Trung Quốc suy giảm đồng nghĩa với ngành công nghiệp xe hơi nước này suy giảm, dẫn đến nhu cầu sản xuất săm lốp xe giảm. Từ đó, lượng cao su xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm và ngành cao su nước ta gặp khó khăn.


(Cơ cấu xuất khẩu cao su Việt Nam năm 2015)

(Cơ cấu xuất khẩu cao su Việt Nam năm 2015)

Ông Vũ Hoàng An, tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam từng nhận định rằng: “Khi Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cau su lớn nhất của Việt Nam, giảm nhu cầu, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ bị động vì rất khó bán sang các thị trường khác”.

Năm ngoái, nhà phân tích Hiroyuki Nakayama của hãng Phillip Securities cũng nhân định giá cao su sẽ tiếp tục giảm bởi sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Như vậy, có vẻ như ngày trở lại đỉnh 2011 của cao su Việt Nam sẽ vẫn còn khá xa.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM