Ngăn ngừa sa sút trí tuệ bằng chế độ ăn

16/08/2018 22:10 PM | Sống

Sa sút trí tuệ ở người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 4%. Mặc dù do nhiều nguyên nhân gây ra và khi các tế bào thần kinh đã bị tổn thương thì việc điều trị phục hồi gần như là không thể. Tuy vậy, có những phương pháp tốt có thể kéo dài hoặc làm chậm quá trình này, một trong số đó là chế độ ăn.

Người cao tuổi và chứng sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là sự suy giảm chức năng nhận thức, từ đó ảnh hưởng đến các khả năng của trí nhớ, tư duy, định hướng, hiểu biết, tính toán, lập kế hoạch, học tập, ngôn ngữ đánh giá và phán đoán trong khi ý thức của bệnh nhân vẫn bình thường.

Sa sút trí tuệ ở người già thì không bao gồm những suy giảm khả năng của não bộ như giảm trí nhớ - có liên quan tới tuổi tác (hay còn được gọi là quên lành tính). Trong số bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, nguyên nhân do bệnh Alzheimer chiếm từ 60 - 70%.

Có một số nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Điển hình là các loại bệnh lý như: mạch máu não (xuất huyết não, nhồi máu não), đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, người lười hoạt động thể chất… và nhiều trường hợp có liên quan đến yếu tố gia đình.

Chế độ ăn giúp hạn chế sự thoái triển của não bộ

Hàng ngày, não bộ cần cung cấp một lượng calo nhất định để duy trì hoạt động và nguồn năng lượng này được lấy chủ yếu từ thức ăn.

Một chế độ ăn tốt cho người bị sa sút trí tuệ sẽ phải đảm bảo được hai vấn đề: cung cấp đủ calorie cùng các yếu tố thiết yếu khác (như các yếu tố vi lượng, các chất điện giải, các vitamin...) và đảm bảo được rằng đó là một chế độ ăn nếu không giúp kìm hãm thì ít ra cũng không làm tăng quá trình thoái triển của não bộ.

Người bị sa sút trí tuệ thường không nhớ chính xác thời điểm ăn, số lượng, loại thức ăn…, thậm chí mất cả cảm giác no đói nên rất cần sự giúp đỡ của người thân, người chăm sóc, hộ lý, điều dưỡng viên giúp đỡ để người bệnh được ăn đúng, ăn đủ.

Thức ăn phải đảm bảo nóng sốt, dễ nuốt, dễ tiêu. Nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày và cẩn thận với chứng rối loạn nuốt ở người già hay dẫn đến viêm phổi do bị sặc khi ăn.

Thành phần của thức ăn nên đảm bảo đủ các thành phần như rau xanh: cải, cải bắp, súp-lơ xanh… vì những loại rau lá có màu xanh mà theo một số nghiên cứu được cho là có thể giúp ngăn chặn quá trình suy giảm nhận thức của não bộ.

Nên cho người bị sa sút trí tuệ ăn những loại thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá hồi và một số loài cá sống ở vùng nước lạnh khác như cá bơn, cá ngừ, cá sardines, cá thu; các loại hạt đậu, hạt lanh và dầu thực vật.

Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer, một số loại quả có màu vỏ sậm như quả dâu, mận, cam, nho đỏ, quả cherry… chứa nhiều chất chống oxy hóa có nguồn gốc tự nhiên nên rất hữu ích cho não bộ người bị sa sút trí tuệ.

Một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, cà phê và chocolate có thể được sử dụng như là một liệu pháp điều trị hỗ trợ sa sút trí tuệ do có chứa nhiều yếu tố chống oxy hóa và từ đó giúp tăng cường trí nhớ.

Dầu olive siêu nguyên dạng (chưa được chế biến dưới bất kỳ hình thức nào) chứa một chất gọi là oleocanthal có thể thúc đẩy quá trình sản xuất một số protein và enzym có vai trò quan trọng trong việc làm tan các mảng amyloid - là yếu tố có liên quan tới bệnh Alzheimer.

Dầu dừa ép siêu nguyên dạng (không có cholesterol và các acid béo phân nhánh) cũng được cho là có thể tăng cường khả năng sử dụng insulin của cơ thể để làm giảm đường huyết, tăng HDL (một loại cholesterol có lợi), hỗ trợ chức năng tuyến giáp và hoạt động như một chất kháng khuẩn, chống oxy hóa tự nhiên và đương nhiên cũng nên được sử dụng làm thực phẩm cho người bị sa sút trí tuệ. Bên cạnh đó, trong khẩu phần ăn của người bị sa sút trí tuệ cũng nên được cung cấp đủ các chất như acid folic, vitamin B12, B1, D, E, coenzyme Q10 và magne.

Người bị sa sút trí tuệ không nên ăn mỡ động vật, thịt có màu đỏ (thịt trâu, bò, cừu...), thức ăn nhanh, đồ rán hoặc nướng, thực phẩm đóng hộp, các loại thực phẩm đã qua quá trình chế biến kiểu công nghiệp và tuyệt đối không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bên cạnh việc thực hiện chế độ ăn phù hợp, luyện trí nhớ thường xuyên bằng các phương pháp như học tập những cái mới (học ngoại ngữ, luyện tập âm nhạc, đọc sách báo...), giải các câu đố khó, các ô chữ... cũng rất hữu ích giúp cho não bộ hoạt động được tốt hơn.

Ngủ sâu, không mộng mị không những làm cho cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp suy nghĩ rõ ràng, rành mạch và nhanh. Kiểm soát tốt những lo âu, căng thẳng của cuộc sống cũng làm chậm quá trình tiến triển của sa sút trí tuệ.

Theo PGS.TS. Vũ Đức Định

Cùng chuyên mục
XEM