Ngân hàng vẫn mạnh tay hạ lãi suất tiết kiệm dịp cận Tết Nguyên đán
Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, vẫn có nhiều ngân hàng mạnh tay hạ lãi suất tiết kiệm. Ngày 5/2 ghi nhận ba ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-5 tháng. Kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,4% còn 2,35%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm mạnh 0,5% xuống còn 2,65%/năm.
Techcombank giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn tiền gửi còn lại. Kỳ hạn 6-8 tháng là 3,75%/năm, 9-11 tháng là 3,8%/năm và từ 12-36 tháng là 4,75%/năm. Lãi suất cao nhất tại Techcombank hiện là 4,75%/năm (đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên).
Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) có lần đầu tiên hạ lãi suất trong tháng 2 nhưng là lần thứ 5 điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kể từ đầu năm 2024. Với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm 0,2% xuống còn 3,2%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2%, 7-11 tháng giảm 0,3%. Hiện lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng có cùng mức 4,6%.
Kỳ hạn từ 12-13 tháng giảm còn 5,1%/năm, 15 tháng giảm xuống 5,2%/năm, 18 tháng giảm còn 5,4%/năm. Viet A Bank giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn 2 tháng 3,4%/năm và 3-5 tháng ở mức 3,5%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất tại Viet A Bank hiện thuộc về các kỳ hạn 24-36 tháng là 5,5%/năm sau khi giảm 0,2%.
Còn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng còn 3,4%/năm, 6 tháng còn 3,9%/năm, 7 tháng còn 4%/năm, 8 tháng còn 4,05%/năm, 9 tháng còn 4,1%/năm, 10 tháng còn 4,15%/năm, 11 tháng còn 4,2%/năm.
SeABank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-36 tháng ở mức 4,75% cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 5%/năm từ 15-36 tháng.
Trước đó, ngày 2/2, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) giảm lãi suất từ 0,2-0,35 các kỳ hạn từ 6-36 tháng. Với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,2% xuống còn 4,85%/năm, 9-11 tháng giảm 0,3% còn 4,95%/năm.
Kỳ hạn từ 12-36 tháng đồng loạt giảm 0,2%, 12-13-15 tháng lần lượt là 5,3-5,4-5,6%/năm. NCB không còn duy trì mốc 6% sau khi đưa lãi suất các kỳ hạn từ 18-36 tháng về 5,8%/năm.
NCB giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-5 tháng. Kỳ hạn 1 và 2 tháng lần lượt là 3,9% và 4%/năm, 3-5 tháng là 4,1%/năm.
Trước nữa, ngày 1/2, LPBank cũng là ngân hàng tiếp theo không còn duy trì mức lãi suất tiền gửi 6%/năm. Hiện mức lãi suất 6%/năm chỉ còn được duy trì với các kỳ hạn 24-36 tháng ở một số ngân hàng.
Bất chấp lãi suất huy động lùi về đáy, lượng tiền gửi khổng lồ vẫn đổ vào hệ thống ngân hàng. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2023, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt 12,85 triệu tỷ đồng. Cụ thể, tiền của dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng. Còn tiền của tổ chức kinh tế đạt 6,384 triệu tỷ đồng (tăng 7,2% so với đầu năm).
Tính riêng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng trong tháng 10-11/2023 là 153.636 tỷ đồng. Tháng 9 liền trước đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tăng tới 217.353 tỷ đồng, tháng 8 tăng 103.501 tỷ đồng.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 6,47 triệu tỷ đồng, tăng 10,32% so với hồi đầu năm và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong 2 tháng 10 và 11/2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng 21.847 tỷ đồng. Trước đó, tháng 9/2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm 15.935 tỷ đồng. Tháng 8 là 43.723 tỷ đồng và tháng 7 là 43.723 tỷ đồng, tháng 6 là 35.300 tỷ đồng và tháng 5 là 14.700 tỷ đồng.