Ngân hàng phố Wall và nỗi sợ "nhỡ" con tàu Bitcoin

02/04/2021 14:53 PM | Kinh doanh

Với đà tăng chóng mặt kể từ đầu năm, đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn, bao gồm cả các ngân hàng lớn nhất tại Phố Wall.

Các ngân hàng lớn mở kênh đầu tư tài sản kỹ thuật số

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với hãng tin CNBC, bà Mary Rich – người sắp trở thành Giám đốc Tài sản số Toàn cầu của mảng Quản lý Tài sản Cá nhân thuộc Goldman Sachs cho biết ngân hàng này sẽ ra mắt kênh đầu tư tiền kỹ thuật số cho khách hàng trong vòng 3 tháng tới.

Theo tài liệu nội bộ mà CNBC có được, bà Mary Rich sẽ được bổ nhiệm vào vị trí mới ngay trong tuần này. "Trong vai trò mới, Rich sẽ làm việc sát sao với các cố vấn để cung cấp kiến thức cho khách hàng về công nghệ khối chuỗi và hệ sinh thái tài sản số, đồng thời đưa ra các dịch vụ và giải pháp đầu tư", thông báo nội bộ của Goldman Sachs cho biết.

Ngân hàng phố Wall và nỗi sợ nhỡ con tàu Bitcoin - Ảnh 1.

Bà Mary Rich sẽ trở thành Giám đốc Tài sản số Toàn cầu ở Goldman Sachs (Nguồn: Goldman Sachs)

"Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các nhóm trong toàn công ty để tìm hiểu những phương thức tiếp cận phù hợp với hệ sinh thái kỹ thuật số cho các khách hàng tư nhân giàu có. Đó là điều mà chúng tôi kỳ vọng sẽ có thể cung cấp trong thời gian tới," bà Rich chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC.

Bà cũng cho biết thêm, Goldman Sachs hiện đang tìm cách mở rộng danh sách đầu tư vào bitcoin và các tài sản kỹ thuật số cho khách hàng, "cho dù là thông qua bitcoin vật lý, các công cụ phái sinh hay các phương tiện đầu tư truyền thống".

Trước đó, hôm 17/3, đối thủ lớn của Goldman Sachs là Morgan Stanley cũng đã cho phép các khách hàng giàu có của mình tiếp cận các quỹ đầu tư Bitcoin kể từ tháng Tư. Đây là ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ có động thái này. 2 trong số các quỹ được Morgan Stanley cho phép nhà đầu tư tiếp cận đến từ công ty tiền số Galaxy Digital, trong khi quỹ thứ 3 là sự hợp tác của công ty quản lý tài sản FS Investments và công ty Bitcoin NYDIG.

Sự thay đổi quan điểm của các ngân hàng lớn

Trong nhiều năm, các ngân hàng truyền thống tại Phố Wall luôn được biết đến với quan điểm hoài nghi, thậm chí là ác cảm đối với tiền kỹ thuật số - loại tài sản có biến động giá lớn và tính đầu cơ cao.

Hồi năm 2017, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, CEO của Goldman Sachs khi đó là Lloyd Blankfein từng bày tỏ thái độ tiêu cực đối với Bitcoin. "Thứ có thể tăng lên hạ xuống tới 20% chỉ trong một ngày thì không có vẻ gì là thích hợp để làm đơn vị tiền tệ hay một phương tiện cất trữ giá trị".

Ngân hàng phố Wall và nỗi sợ nhỡ con tàu Bitcoin - Ảnh 2.

Từ chỗ nghi ngờ, các ngân hàng lớn tại Phố Wall như Goldman Sachs đang dần thay đổi thái độ với tiền kỹ thuật số như Bitcoin (Nguồn: Reuters)

Bớt căng thẳng hơn nhưng cũng không kém phần hoài nghi, ông James Gorman chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Morgan Stanley hồi năm 2017 cũng cho rằng, Bitcoin không phải là một khoản đầu tư an toàn. "Theo định nghĩa, một cái gì đó tăng 700% trong một năm sẽ có tính đầu cơ. Vì vậy, bất cứ ai nghĩ rằng họ mua bitcoin như một khoản đầu tư ổn định là tự lừa dối mình".

Tuy nhiên giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, trong bối cảnh giá Bitcoin gần đây liên tục tăng vọt, có lúc đã vượt ngưỡng 60 nghìn USD/bitcoin hồi giữa tháng 3. Tổng giá trị số Bitcoin hiện đang lưu thông trên thị trường hiện đã lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD.

Theo bà Mary Rich, nhu cầu của người tiêu dùng chính là yếu tố dẫn tới quyết định của Goldman Sachs. "Có nhiều khách hàng muốn giữ Bitcoin để phòng trừ lạm phát. Số khác thì cho rằng chúng ta đang ở trong bình minh của thời kỳ Internet mới và tìm cách để được tham gia vào lĩnh vực này".

Trong khi đó, Morgan Stanley cũng cho biết, quyết định cho phép khách hàng tiếp cận các quỹ đầu tư Bitcoin là một bước đi quan trọng để chấp nhận Bitcoin như một loại tài sản. Đà tăng bùng nổ của Bitcoin trong thời gian vừa qua đã đặt ra thách thức đối với Phố Wall về việc cân nhắc đầu tư vào loại tài sản mới này.

Dẫu vậy, ít nhất là ở hiện tại, Morgan Stanley vẫn tỏ ra khá thận trọng khi chỉ cho phép các khách hàng thuộc giới giàu có tiếp cận với loại tài sản dễ gặp biến động này. Họ cho rằng Bitcoin phù hợp với những người có khả năng chấp nhận rủi ro cao, đó là những người có khối tài sản ít nhất là 2 triệu USD đang giao cho họ quản lý.

Các công ty đầu tư cần ít nhất 5 triệu USD tại ngân hàng để đủ điều kiện thực hiện khoản đầu tư mới. Ngoài ra, tài khoản đầu tư phải được tạo trong ít nhất 6 tháng. Ngay cả đối với nhà đầu tư Mỹ được công nhận có tài khoản môi giới và đủ điều kiện về tài sản, Morgan Stanley vẫn đặt ra giới hạn đầu tư Bitcoin ở mức 2,5% tổng giá trị tài sản.

Tuy vậy, sự thận trọng này cũng đã có thể coi là một sự thay đổi lớn trong quan điểm đối với tiền kỹ thuật số của các ngân hàng truyền thống. Theo ông Mike Novogratz – giám đốc điều hành công ty tiền kỹ thuật số Galaxy Digital, mãi cho tới hồi năm ngoái, giá trị vốn hóa thị trường và khối lượng giao dịch của Bitcoin vẫn chưa đủ lớn để các tổ chức tài chính lớn phải bận tâm. Ông cho biết "Những gì đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của tôi. Thật kinh ngạc khi các ngân hàng đã tham gia vào lĩnh vực này nhanh như vậy".

Tiền kỹ thuật số gia tăng sự hiện diện trong lĩnh vực thanh toán

Trong khi các ngân hàng lớn đang triển khai những bước đi đầu tiên, nhiều doanh nghiệp khác đã bắt đầu kiếm lời từ xu hướng mới, bằng cách chấp nhận các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin trong lĩnh vực thanh toán.

Ngày 29/3, tập đoàn dịch vụ tài chính Mỹ Visa Inc thông báo sẽ chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử USD Coin (USDC) trên mạng lưới của mình. Theo đó, Visa đã khởi động chương trình thí điểm với nền tảng thanh toán tiền điện tử Crypto.com và có kế hoạch cung cấp sự lựa chọn cho nhiều đối tác hơn vào cuối năm nay.

Trao đổi với báo giới, người đứng đầu bộ phận tiền điện tử của Visa Jack Forestell cho biết hãng nhận thấy nhu cầu tiếp cận, sở hữu, sử dụng tiền điện tử ngày càng tăng ở người tiêu dùng trên toàn thế giới. Visa nắm bắt được nhu cầu của khách hàng để có thể tạo ra các sản phẩm cung cấp cơ hội đó cho người tiêu dùng.

Chỉ một ngày sau đó, đến lượt một tên tuổi lớn khác là Paypal cho biết, đã bắt đầu cho phép người tiêu dùng Mỹ sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán trên hệ thống của hãng ở phạm vi toàn cầu. "Đây là lần đầu tiên người dùng có thể sử dụng tiền điện tử như thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ trong ví PayPal của mình", ông Dan Schulman - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của PayPal chia sẻ với Reuters.

Ngân hàng phố Wall và nỗi sợ nhỡ con tàu Bitcoin - Ảnh 3.

Mạng lưới thanh toán khổng lồ của Paypal sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin (Nguồn: Coinmarketcap)

Với việc Paypal đang có tới 29 triệu người bán hàng trực tuyến, động thái này được cho là sẽ thúc đẩy đáng kể việc sử dụng các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin trong hoạt động thương mại hàng ngày.

Ông Jose Fernandez Da Ponte - Phó chủ tịch Paypal cho biết "Chúng tôi tham gia vào lĩnh vực tiền kỹ thuật số, bởi chúng tôi tin rằng, đây sẽ là động lực cơ bản trong quá trình phát triển, hướng tới một hệ thống tài chính toàn diện hơn, và chúng tôi có thể góp phần làm cho các loại tiền kỹ thuật số này dễ tiếp cận và hữu ích hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp".

Trước đó, hãng xe điện Tesla đã tuyên bố chấp nhận để khách hàng mua xe thanh toán bằng Bitcoin và đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào tiền kỹ thuật số. Uber và Mastercard cũng lên kế hoạch chấp nhận Bitcoin, trong khi BNY Mellon và BlackRock đang tìm hiểu về loại tiền kỹ thuật số này. Jay Z và Twitter cũng thông báo đang thành lập một quỹ phát triển Bitcoin.

Bitcoin sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn từ các cơ quan quản lý

Tuy nhiên, với việc đang ngày càng trở nên phổ biến, các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin cũng có thể sẽ phải đối mặt với sức ép gia tăng từ các cơ quan quản lý, vốn luôn lo ngại về những rủi ro mà loại tài sản này mang lại. Hồi đầu năm nay, cựu giám đốc điều hành Goldman Sachs Lloyd Blankfein đã đưa ra cảnh báo rằng các nhà quản lý có thể ban hành một số chính sách mới nhằm vào Bitcoin nếu giá tiếp tục tăng mạnh.

"Nếu tôi là một nhà quản lý ... Tôi sẽ rất quan tâm đến sự thành công của bitcoin vào lúc này và tôi sẽ tự trang bị cho mình những cách để đối phó với nó", ông Blankfein chia sẻ với CNBC, đồng thời bổ sung thêm rằng bitcoin vừa là phương tiện trao đổi lại vừa là một kho lưu trữ tài sản giá trị do tính chất bán ẩn danh của nó và luôn có tính thách thức không thể dự đoán được.

Ngân hàng phố Wall và nỗi sợ nhỡ con tàu Bitcoin - Ảnh 4.

Cựu giám đốc điều hành Goldman Sachs cho rằng đồng Bitcoin sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn từ các cơ quan quản lý (Nguồn: CNBC)

Ông Blankfein cũng đồng ý với ý kiến của tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Trong tuyên bố hồi đầu tháng 1, bà Yellen nói rằng việc sử dụng bitcoin và tiền điện tử bất hợp pháp là mối quan tâm đặc biệt của chính phủ.

Sau đó, nhiều người trong cộng đồng bitcoin và tiền điện tử đã phản ứng lại các tuyên bố của bà Yellen, cho rằng các giao dịch bất hợp pháp chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong việc sử dụng bitcoin và tiền điện tử. Tuy nhiên, thực tế là khi sự phổ biến của bitcoin và tiền điện tử ngày càng gia tăng, các cơ quan quản lý, chính phủ có thể cảm thấy bị áp lực và phải đưa ra hành động, theo ông Blankfein.

"Cuối cùng, nếu bitcoin trở nên đủ lớn mạnh để trở thành một phương tiện trao đổi thực sự, thì làm sao các nhà quản lý vốn tập trung vào chống rửa tiền lại không can thiệp vào thị trường? Dù chúng ta có muốn hay không thì có thể ngày đó cũng sẽ đến", ông Blankfein khẳng định.

Thanh Hiệp

Cùng chuyên mục
XEM